Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng:

Xứng danh Anh hùng

Thứ Hai, 28/12/2009, 16:00
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký Quyết định số 257/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới cho Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng (Bộ Công an).

Như vậy là sau 59 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về "Tổ chức các trại giam" vượt lên bao khó khăn và thử thách, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình trong các thời kỳ cách mạng, góp phần cùng các binh chủng khác của ngành Công an đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời đổi mới và hội nhập.

Có đến với các trại giam trực thuộc Cục V26 - Bộ Công an mới thấy hết được những thách thức, khó khăn và gian khổ mà các cán bộ, chiến sĩ nơi đây hàng ngày phải đối mặt. Đó là những áp lực ngày một gia tăng về lưu lượng phạm nhân ở hệ thống các trại giam; đặc biệt là số phạm nhân có nguy cơ cao về HIV trước khi vào trại ngày một gia tăng và chiếm tỷ lệ khá lớn; 30% số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy; 14% phạm nhân mắc bệnh lao v.v… Đây chính là môi trường rất dễ lây lan các căn bệnh xã hội.

Bác sĩ Trại giam tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho phạm nhân. Ảnh Công Gôn.

Thực tế cho thấy, trong lực lượng Cảnh sát, quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng thời gian qua đã có nhiều người bị lây nhiễm căn bệnh lao, hàng chục người bị phơi nhiễm HIV; trong đó có 1 bác sĩ điều trị cho phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Thực trạng ấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ.

Hơn nữa, do đặc thù của công tác quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng là hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với các phạm nhân phạm đủ loại tội. Nhiều phạm nhân ngoài đời gây ra những tội ác kinh hoàng. Trong khi đó, địa bàn đóng quân đều ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyển người vào đảm nhận các công việc trong các trại giam cũng gặp khó khăn, nhất là các y, bác sĩ. Nhiều người do hoàn cảnh công việc nên trong nhiều năm liên tục chưa có điều kiện nghỉ phép, nghỉ dưỡng.

Cũng do đóng quân ở các vùng sâu, vùng xa mà khá nhiều cán bộ là nam giới qua tuổi 30 vẫn chưa có một mảnh tình theo đúng nghĩa. Một số người xây dựng gia đình với phụ nữ địa phương không có công ăn, việc làm, không có nhà cửa, con lớn lên, đến tuổi đi học không có trường lớp đành phải gửi về nhờ ông, bà nội ngoại trông giúp.

Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với tinh thần vượt khó; học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng do đã xác định được tính chất, đặc thù công việc của mình nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình là quản lý, giáo dục những người phạm tội trở thành những người lương thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội; góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện Pháp lệnh thi hành án phạt tù, các trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng thường xuyên tổ chức cho các phạm nhân, trại viên, học sinh học tập chính trị, pháp luật, quy chế trại giam. Tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng còn tổ chức cho các học viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ, về người chiến sĩ Công an… Từ đó đã nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy chế cải tạo cho các trại viên, học viên. Bên cạnh việc tổ chức giáo dục, các trại giam đã phát huy thế mạnh về con người, đất đai, đã thông qua tổ chức lao động, dạy nghề để tạo nhiều việc làm cho phạm nhân.

Một cán bộ có trách nhiệm ở Cục V26 cho biết: Những năm qua, Cục đã tổ chức được 6.000 lớp dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân. Do vậy đa số các phạm nhân sau khi được đặc xá, mãn hạn tù trở về đã phát huy tốt tay nghề được học ở các trại để tự mở cơ sở sản xuất, hoặc được tiếp nhận vào các doanh nghiệp, tạo thu nhập nuôi chính mình và gia đình mình.

Điều đáng nói là từ các trại giam trở về, nhiều người đã sớm vượt qua những mặc cảm, lao động cần mẫn và sáng tạo trở thành những doanh nhân thành đạt, những điển hình tiên tiến trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ kết quả lao động của các phạm nhân, hệ thống các trại giam ở nước ta đã đầu tư trở lại nhằm tu sửa, nâng cấp nhà ở, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, thư viện, bổ sung vào bữa ăn cho phạm nhân, giúp họ an tâm cải tạo.

Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Cục V26 đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục, đổi mới các thủ tục hành chính như tổ chức thăm gặp dành cho các thân nhân theo hướng giảm bớt các thủ tục rườm rà.

Đến nay, hầu hết các trại giam đều đã tổ chức cho phạm nhân thăm gặp gia đình qua hệ thống điện thoại được lắp đặt ở các trại; nhiều trại đã tổ chức hệ thống căng tin phạm nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thân nhân của họ có thể gửi quà cho phạm nhân. Những việc làm đó được thân nhân của họ đồng tình và ủng hộ.

Chưa hết, từ nhiều năm nay, ở các trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng, các phạm nhân đều được tiếp nhận các thông tin về đời sống xã hội qua hệ thống phát thanh, truyền hình, hệ thống thư viện, phòng đọc. Điều đáng nói là hàng năm qua, bằng việc mở các lớp học giảng dạy văn hóa, hệ thống các trại giam ở nước ta đã xóa mù chữ cho hàng vạn phạm nhân.

Cùng với việc chăm lo xây dựng môi trường, cảnh quan sạch, đẹp ở các trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng những năm qua đã đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của phạm nhân. Nhiều hội diễn văn nghệ, nhiều giải đấu thể thao trong khuôn viên trại giam diễn ra rất sôi động, tạo cảm hứng, niềm tin cải tạo và hướng thiện cho phạm nhân. Đây thực sự là những nét đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân thời đổi mới và hội nhập; thể hiện tính nhân ái, nhân đạo và tình người trong công tác quản lý cải tạo phạm nhân ở nước ta.

Một nét nổi bật nữa làm nên phẩm chất anh hùng của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng là đã làm tốt chức năng tham mưu cho Bộ Công an để đề xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo, tổ chức thành công 13 đợt đặc xá với gần 100 ngàn người cải tạo tốt được tha tù trước thời hạn. Tất cả các đợt xét đặc xá đều đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác đúng đối tượng, đủ điều kiện, không có sai sót và tiêu cực. Tỷ lệ phạm nhân được đặc xá tái phạm chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 4%). Do làm tốt công tác đặc xá nên được nhân dân đồng tình ủng hộ; dư luận quốc tế đánh giá cao, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền trong lĩnh vực giam giữ.

Ngoài ra, từ năm 2000 đến nay, ở các trại giam trong cả nước đã xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho trên 375 ngàn lượt phạm nhân cải tạo tiến bộ. Thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, những năm qua, Cục V26 đã chủ động tích cực quan hệ với lực lượng quản lý trại giam của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thông qua hợp tác quốc tế, chúng ta đã khẳng định chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với những người phạm tội, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động chống lại Nhà nước và nhân dân ta. Đặc biệt là năm 2007, việc tổ chức thành công Hội nghị cán bộ làm công tác trại giam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Nhận rõ trách nhiệm lớn lao của mình đối với sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cùng với phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, để góp phần xây dựng lực lượng Công an trong sạch và vững mạnh, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang dấy lên một phong trào thi đua: Mỗi cán bộ, chiến sĩ trại giam là một tấm gương sáng về nhân cách để cảm hóa, giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh. Phong trào thi đua ấy thực sự trở thành động lực để các cán bộ, chiến sĩ công tác trong lực lượng Cảnh sát trại giam phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình

Tuổi trẻ lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam
đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba

Ngày 25/12, lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng (TG, CSGD, TGD) - Bộ Công an đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba của Chủ tịch nước tặng thưởng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cục Quản lý TG, CSGD, TGD. Tới dự có Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Sau khi trân trọng gắn Huân chương Quân công hạng Ba lên Cờ truyền thống của tuổi trẻ Cục Quản lý TG, CSGD, TGD, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm nêu rõ: Để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tuổi trẻ đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", phong trào "Thanh niên Công an học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác. Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, thực sự là người "vừa hồng, vừa chuyên", đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng chí Thứ trưởng nêu rõ, cần chú trọng tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chỉ huy các cấp đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên; kết hợp đồng bộ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng gắn với xây dựng tổ chức Đoàn và phát triển phong trào thanh niên, xây dựng Đoàn Thanh niên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới

Minh Thuý

Lưu Vinh
.
.