CAND trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Xây dựng mạng lưới điệp báo giữa Sài Gòn.

Thứ Sáu, 22/01/2010, 08:09
Từ năm 1971 đến 1975, một hệ thống điệp báo gồm gần 30 cơ sở của ta nằm sâu trong các cơ quan chiến lược của địch kèm theo đó là hệ thống giao liên với hàng chục hộp thư "sống" và hộp thư "chết", giống như một ma trận bí mật hoạt động ngay giữa lòng địch. Đó chính là cụm điệp báo số 6 do đồng chí Nguyễn Thị Thảo, sau này là Đại tá Anh hùng LLVTND phụ trách.

Cụm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có việc thu được những tư liệu giúp chị và đồng đội phá tan âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị của Tổ quốc hơn chục năm sau.

"Bồ câu" tung cánh

Năm 1969, Nguyễn Thị Thảo (Sáu Thảo) bị địch bắt lần thứ hai. Sau một thời gian dài giam cầm, địch tra tấn đủ kiểu vẫn không khai thác được gì, nhân dịp Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống, ân xá cho phạm nhân án nhẹ, chị được tự do. Nguyễn Thị Thảo còn nhớ rất rõ, khi ấy là vào khoảng 3h chiều một ngày cuối năm 1971. Ra khỏi cổng trại giam, đoán thể nào địch cũng theo dõi, Sáu Thảo đi lòng vòng đánh lạc hướng rồi mới đến nhà Xuân Hương, một cơ sở chị mới xây dựng được.

Xuân Hương là một trong những niềm tự hào của chị. Lần bị bắt thứ 2, nhiều lúc chị bị tra tấn đến mức địch tưởng chị đã chết, quẳng về phòng giam. Dẫu thân thể bị thương tích, nhưng trong khoảng thời gian này, chị vẫn bí mật vận động, tuyên truyền và để tâm tranh thủ những người có cảm tình với cách mạng. Xuân Hương là chị gái của một phạm nhân bị giam giữ chung với Sáu Thảo. Ngay từ lần gặp Xuân Hương vào thăm nuôi em đầu tiên, Sáu Thảo đã có cảm tình với cô gái có vẻ ngoài thông minh, nhanh nhẹn nhưng khắc khổ này.

Tìm hiểu thêm, chị được biết, nhờ học lực tốt nên Xuân Hương đã từng được theo học trường của Pháp. Ngay lập tức, "phép thử" và cũng là nhiệm vụ đầu tiên được Sáu Thảo giao cho Xuân Hương: đưa một lá thư nhỏ tới cho "người nhà", trong đó ám chỉ việc chị bị bắt, nhưng địch vẫn chưa khai thác được gì. Nhận định của Sáu Thảo đã không nhầm. Lần đầu tiên và những lần giao nhiệm vụ tiếp theo, Xuân Hương luôn hoàn thành xuất sắc vai trò giao liên của cô.

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý trước, nhưng đặt chân đến nhà Xuân Hương, Sáu Thảo vẫn không khỏi xót xa. Gian nhà lá trống tuềnh trống toàng, chỉ có duy nhất một chiếc tủ, một bên để đồ, một bên để đủ thứ tương cà mắm muối. Ngay gần bên là người cha bệnh nằm liệt giường.

Ngồi chưa ấm chỗ, Sáu Thảo đã thấy thấp thoáng bóng đám lính vào bố ráp. Không còn chỗ nào ẩn nấp, Hương đành giấu chị vào sau cánh cửa để đồ. Lính lục soát. Hương cố ý đứng ngay trước cánh tủ có chị bên trong, mở tủ ngăn bên. Mùi mắm muối đổ cộng thêm mùi người cha bệnh nằm một chỗ lâu năm khiến chúng rút nhanh. 5h sáng hôm sau, Hương đưa chị ra bến xe miền Tây trở về căn cứ. Cả hai cùng mệt, nhưng cứ đi một đoạn xích lô, Hương lại kéo chị xuống đi bộ một đoạn, bắt xe lam rồi lại đi xích lô. Chị thắc mắc, Xuân Hương bảo đi thế để phòng khi "có đuôi".

Từ mật danh số 6 đến mạng lưới điệp báo

Trở về an toàn. Chỉ một thời gian sau, Sáu Thảo được chuyển về An ninh T4 (An ninh khu Sài Gòn - Chợ Lớn) nhận nhiệm vụ xây dựng mạng lưới điệp báo trong lòng địch. Cơ sở giới thiệu với chị một du học sinh thuộc gia đình thượng lưu trong chế độ cũ, được chị đặt bí danh là số 6. Số 6 học rất giỏi, có khuynh hướng tư tưởng cấp tiến. Chị "tình cờ" gặp gỡ nhân dịp số 6 về nghỉ hè, thăm quê.

Những câu chuyện giữa chị và số 6 dần chuyển sang bàn luận các vấn đề thời sự, chính trị, đi từ những bài báo về phong trào học sinh sinh viên đến những nhân vật của Đảng Cộng sản. Khi nhắc đến Hồ Chủ tịch, Sáu Thảo để ý thấy số 6 nhắc đến với tên gọi rất thân thương: Bác Hồ. Chị quyết định nói thẳng mình là người được cử đến làm cầu nối với số 6 và những người bạn yêu nước yêu cách mạng.

Cũng từ đây, hàng loạt du học sinh tiến bộ lần lượt đứng trong hàng ngũ cách mạng. Thông qua số 6, nhiều nhân tài về nước, được định hướng xin việc vào những vị trí có thể tiếp cận khai thác thông tin cung cấp cho chị và tranh thủ tác động các nhân vật cao cấp trong quân đội Mỹ và bộ máy chính quyền Sài Gòn làm việc theo hướng có lợi cho cách mạng.

Vì phần lớn cơ sở đều là con nhà gia thế, nhiều người được mời về hoặc có điều kiện tự xin việc. Tuy nhiên, làm thế nào để ngồi vào đúng vị trí theo yêu cầu không đơn giản. Nhiều trường hợp phải tổ chức lo lót, đi đường vòng. Trường hợp cơ sở được cài vào phòng mật mã là một ví dụ. Khi ấy, dù Sáu Thảo đã tổ chức được hẳn một cơ sở làm kinh tế khá mạnh, nhưng tiền cung ứng chỉ có mức độ nhất định.

Thời điểm chuẩn bị đưa quà cho vợ của người quyết định nhận "người nhà" vào làm tại vị trí được chọn của phòng mật mã, chị mới "té ngửa": nhẫn hột xoàn chỉ chuẩn bị được 1 mà hắn có đến 2 bà vợ. Nhiều ý kiến trái chiều đưa ra. Người này cho rằng vợ thứ còn trẻ, bao giờ cũng được cưng chiều hơn nên quan trọng hơn. Người khác cho rằng không thể "qua mặt" được bà cả. Bí quá, chị đành về hỏi ý kiến cấp trên. Nghe xong, ông chỉ lẳng lặng vê điếu thuốc và bảo: ở đời, thằng đàn ông nào chả sợ vợ… Vậy là chiếc nhẫn được chị quyết định chuyển cho bà cả. Mọi chuyện êm đẹp như đúng yêu cầu.

Cứ như thế, có đến 30 cơ sở được cài cắm sâu trong các cơ quan trọng yếu của địch: Văn phòng nội các, Tổng nha Cảnh sát, Nha Điện toán, Bộ Dân vận chiêu hồi, Nha Kế hoạch, Trung tâm bình định, Bộ Tài chính… Tin tức lấy được thường xuyên, nhưng muốn chuyển về không đơn giản. Một loạt đường dây liên lạc, hộp thư được thiết lập. Sáu Thảo ví các cơ sở nằm trong chính quyền địch là quả tim thì chính mạng lưới giao liên sẽ là các mạch máu, mang tính quyết định việc đưa máu về nuôi tim như thế nào.

Thế nên, một mặt chị cẩn trọng chọn người, tổ chức mạng lưới giao liên, "hộp thư", mặt khác bố trí cơ chế bảo vệ các "trái tim" này luôn ở mức an toàn tối đa. Nếu tính toàn bộ cơ sở giao liên, hộp thư phục vụ cho cụm điệp báo này, con số đã lên đến trên 60. Trong đó, chỉ riêng phục vụ cho số 6 đã có đến 4 đường dây giao liên để thay nhau duy trì hoạt động thường xuyên.

Thu được bản kế hoạch hậu chiến của địch

Cùng với mạng lưới hoàn hảo, các tin tức được chuyển về đều đều. Địch không thể ngờ rằng, nhất cử nhất động của những tên đầu sỏ trong chính quyền, từ chuyện Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mê tín, lo lắng về viên đá cảnh trong nhà đột nhiên vỡ đôi ra sao, việc đàn sâu từ trên núi bò vào nhà nghỉ riêng trên núi như thế nào, cho đến những kế hoạch tưởng như tuyệt mật đều không lọt qua tầm quan sát của đối phương…

Vào khoảng cuối năm 1972, đầu năm 1973, trong một buổi họp định kỳ, Sáu Thảo và đồng đội được lãnh đạo thông báo: một kế hoạch cho thời kỳ hậu chiến đã được chuẩn bị nhằm đối phó với ta về lâu dài. Tất cả các cơ sở điệp báo cần chú ý nắm cho được. Ngay lập tức, thông tin được tỏa về các "chân rết" trong cụm điệp báo số 6.

Một thời gian không dài sau, kế hoạch bằng văn bản đã được Trúc, một cơ sở được cài trong văn phòng Phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chuyển về. Theo đó, nếu mất miền Trung, địch sẽ cố thủ về Sài Gòn, mất Sài Gòn sẽ rút về miền Tây Nam Bộ, lấy Cà Mau làm căn cứ địa để nhận chi viện của Mỹ bằng đường biển. Thông tin được kiểm chứng qua nhiều đầu mối cơ sở khác, được tổng hợp chuyển về cấp trên.

Sau này, Sáu Thảo được biết, cùng với rất nhiều tin tức quan trọng được chuyển về thì bản kế hoạch hậu chiến mà cụm điệp báo số 6 đã đưa về là một trong những văn bản có giá trị cao, phục vụ hiệu quả cho công tác đối phó của ta với địch trong nhiều năm sau

Ngọc Nguyễn
.
.