Vững vàng đối mặt với tội phạm “cổ cồn trắng”

Chủ Nhật, 19/03/2017, 08:25
Đại úy Lê Duy Anh, Phó Đội trưởng Đội điều tra và hướng dẫn án kinh tế, là một trong 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2016. Đại úy Lê Duy Anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều giấy khen của Giám đốc Công an TP Hà Nội về thành tích trong công tác điều tra án.

Tôi gặp Đại úy Lê Duy Anh vào buổi chiều muộn, khi anh cùng đồng đội bộn bề bên những chồng hồ sơ cao quá mặt người. Vừa sắp xếp tài liệu, anh vừa nói với tôi: Tội phạm kinh tế là những đối tượng có trình độ học vấn, có tiềm lực kinh tế và mối quan hệ xã hội rộng... 

Nhiều vụ việc, hành vi phạm tội của các bị can kéo dài trong nhiều năm mới bị phát hiện. Vì thế, để chứng minh, làm rõ các sai phạm đòi hỏi sự tỉ mỉ của người cán bộ điều tra.

Chuyên án đấu tranh với hành vi lừa dối khách hàng xảy ra tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật, gọi tắt là Công ty Việt Nhật là một trong những vụ án đầu tay Đại úy Lê Duy Anh cầm án, khi về nhận công tác tại Phòng PC 46 Công an TP Hà Nội. 

Anh nhớ lại: Khoảng thời gian đó, qua công tác trinh sát, Phòng PC 46 phát hiện hoạt động của Công ty Việt Nhật có dấu hiệu sai phạm, nhập khẩu các thiết bị y tế cũ từ nước ngoài, sau đó thay tem, mác, bán lại cho các bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xác định hành vi vi phạm của Công ty Việt Nhật là đặc biệt nghiêm trọng, Phòng PC 46 đã báo cáo lãnh đạo Công an TP xác lập án đấu tranh. 

Một ngày làm việc của Đại úy Lê Duy Anh.

Ngày 8-6-2015, Phòng PC 46 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Cục Quản lý thị trường thi hành quyết định kiểm tra trụ sở Công ty Việt Nhật tại biệt thự số 18, BT5, khu đô thị Pháp Vân (Tứ Hiệp), quận Hoàng Mai và các điểm kinh doanh, các kho chứa hàng của công ty tại kho Giáp Bát và kho ở Mỹ Hào (Hưng Yên)... 

Quá trình kiểm tra kho hàng ở Hưng Yên đã phát hiện các máy, thiết bị y tế (trong đó có 80% là tài sản đang thế chấp tại ngân hàng VietinBank Chi nhánh Quế Võ).

Đại úy Duy Anh kể lại: Nhiệm vụ của anh là tập hợp thông tin do các mũi công tác chuyển về..., với một khối lượng lớn hàng hóa và các loại chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty này từ 2011, chỉ tính riêng việc phân loại cũng không đơn giản. 

Cùng với đồng đội, anh ngày đêm nghiên cứu hồ sơ rồi lại có mặt ở các kho hàng, phối hợp tiến hành việc kiểm đếm. 

Phòng PC 46 đã phối hợp với VietinBank tiến hành kiểm tra kho hàng, kết quả phát hiện nhiều kiện hàng là thùng gỗ và thùng carton bên ngoài có niêm phong, có tem ghi nhãn hiệu, chủng loại nhưng bên trong không có ruột; số máy móc, thiết bị y tế là tài sản đang thế chấp tại ngân hàng đã bị Công ty Việt Nhật tự ý tẩu tán... 

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Phòng PC 46 đã thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm tội của Lê Văn Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Nhật cùng các đối tượng liên quan. 

Anh chia sẻ: Liên tục trong nhiều ngày, chúng tôi đã dẫn giải các đối tượng đi xác minh tại nhiều bệnh viện của 18 tỉnh, thành, địa phương mà Công ty Việt Nhật đã lừa bán máy, thiết bị y tế. Quá trình điều tra đã xác định có 43 máy, thiết bị y tế đã bị dán tem giả nhằm thay đổi năm sản xuất và nguồn gốc, xuất xứ với giá trị khoảng trên 200 tỷ đồng...

Từ một trinh sát hình sự, chuyển sang đấu tranh với tội phạm về kinh tế, Đại úy Lê Duy Anh phải nỗ lực rất nhiều. Anh vừa làm, vừa học kinh nghiệm của các cán bộ đi trước, đồng thời cập nhật những văn bản mới nhất. Mỗi loại án thuộc lĩnh vực kinh tế lại có những đặc thù riêng, nhưng lòng say nghề đã thôi thúc anh nhanh chóng tiếp cận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Trong năm 2016, anh còn tham gia đấu tranh vụ án buôn lậu, dưới hình thức tạm nhập, tái xuất hàng hóa. Trong vụ án này, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi. Việc vận chuyển hàng từ Hồng Kông về Việt Nam được thực hiện qua 3 hãng hàng không. Để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, anh cùng đồng đội phải tiến hành nhiều khâu xác minh, đặc biệt phải chứng minh được việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới. 

Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng Phạm Ngọc Hiển (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) và Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TH (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã khai nhận: Từ đầu tháng 3-2013 đến ngày 17-4-2013, Công ty TH đã thực hiện tạm nhập hàng hóa từ Hồng Kông về Việt Nam và tái xuất đi Trung Quốc 15 chuyến hàng, Hiển đã đưa cho Tuấn 200 triệu đồng trả tiền dịch vụ làm thủ tục giao, nhận hàng điện tử tạm nhập, tái xuất tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

Cùng với công tác chuyên môn, trực tiếp thụ lý điều tra nhiều vụ án, là Bí  thư Đoàn Phòng PC 46, anh đã tham gia nhiều hoạt động liên quan đến công tác đoàn, xây dựng nhiều chương trình thanh niên phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác chuyên môn.

Xuân Mai
.
.