Vọng gác trấn giữ bình yên

Thứ Ba, 22/09/2009, 15:26
Tôi đã đi nhiều nơi, có điều kiện tiếp xúc và làm việc với nhiều đơn vị Công an các địa phương, nhưng điều làm tôi ấn tượng ở Công an huyện Trấn Yên là đội ngũ sĩ quan "hạng nặng", với hầu hết cán bộ Công an huyện có cấp hàm từ Thiếu tá trở lên!

Theo Thượng tá Phạm Văn Bồng, Phó trưởng Công an huyện, hiện nay hơn 80% quân số của đơn vị có độ tuổi từ 48 đến trên 50. Đây là lớp cán bộ Công an được tăng cường từ tỉnh Hà Nam Ninh trước đây cho Yên Bái cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Thượng tá Bồng còn lên Trấn Yên từ năm 1976 và gắn bó với vùng đất này cho đến tận hôm nay.

Cái cảnh "ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân" tưởng như chỉ tồn tại dưới thời bao cấp, nhưng đến hôm nay, chuyện này vẫn phổ biến ở Công an huyện Trấn Yên. Hầu hết cán bộ Công an huyện đều có gia đình ở xa, người gần cách trụ sở 15km, xa hơn là Phú Thọ, xa nữa là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Mấy chục năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc, công việc kéo các anh đi biền biệt, chỉ dành cho vợ con hơn chục ngày phép, trách nhiệm nuôi dạy con cái đành phải đặt lên vai người vợ tảo tần nơi quê nhà.

Trung tá Phạm Mạnh Huệ, Đội trưởng Đội Tổng hợp, từng là lính Tiểu đoàn CSCĐ năm 1978 tâm sự: "Có thời điểm, 5 năm liên tục, Công an huyện Trấn Yên không có chi đoàn, 100% quân số là đảng viên. Có duy nhất cô văn thư là đoàn viên thì "gửi" sang sinh hoạt ghép với Chi đoàn UBND huyện". Thượng tá Bồng ngậm ngùi:"Ngay cả giải quyết chế độ phép cho anh em cũng là một vấn đề. Ai cũng vợ con ở xa, Tết Nguyên đán theo chế độ, linh động lắm cũng chỉ giải quyết 15% quân số nghỉ phép, năm nào cũng vậy, hầu hết anh em vẫn phải ứng trực tại đơn vị…".

Cống hiến cả tuổi thanh xuân trên Tây Bắc, giờ đây các anh đã trở thành những người con của hơn 200 thôn, bản bà con người Tày, người Mông, người Dao, người Mường và người Kinh thuộc 22 xã, thị trấn của huyện Trấn Yên. Ngồi làm việc với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Phụng, Đội trưởng Công an phụ trách xã có thể đọc vanh vách tên tuổi từng thành viên cấp ủy, chính quyền các xã, thôn, bản đến nhân thân của từng đối tượng ở địa bàn…

Là địa bàn có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua 5 xã: Minh Quân, Bảo Hưng, Minh Tiến, Y Cang và Qui Mông, Công an huyện đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho chính quyền giải quyết dứt điểm và hiệu quả các phương án đền bù giải tỏa, không để phát sinh những phức tạp trong khâu giải phóng mặt bằng.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, quần chúng đã cung cấp cho lực lượng Công an gần 300 nguồn tin, giúp điều tra khám phá 78 vụ án. Công an huyện Trấn Yên là một trong những đơn vị có tỷ lệ phá án đạt cao, trong đó thường án đạt tỷ lệ 90%, trọng án đạt 100%; phạm pháp hình sự, tai tệ nạn xã hội, nhất là tai nạn giao thông năm sau đều giảm hơn năm trước.

Bí quyết để Công an huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của đội ngũ Công an xã. Với hơn 220 Công an viên, gồm những người có năng lực, trẻ khỏe, nhiệt huyết, những năm qua, đội ngũ này là nòng cốt trong công tác bảo vệ trị an tại cơ sở. Công an huyện Trấn Yên nhiều năm không có cán bộ chiến sĩ vi phạm kỷ luật, 3 năm liên tục đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng".

Bà Nguyễn Thị Huấn, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên đánh giá: Công an là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định tình hình an ninh trật tự của địa bàn. Cơn bão số 4, năm 2008 gây ngập lụt lịch sử tại thị trấn Cổ Phúc, nếu không có lực lượng vũ trang, trong đó có Công an thì không biết tính mạng và tài sản của hàng ngàn người dân của chúng tôi sẽ ra sao…

Vũ Mạnh Hà
.
.