Về lại nơi "xe chưa qua nhà không tiếc"

Thứ Bảy, 14/02/2009, 10:07
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả quân, lương đều được tập kết ở Quảng Bình, sau đó được chuyển vào Nam phục vụ cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Do vậy, kẻ thù đã trút hàng vạn tấn bom, đạn xuống mảnh đất này hòng cắt đường chi viện của quân và dân ta... Với suy nghĩ: Nước nhà còn thì mình còn, người dân Quảng Bình đã nêu cao khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc".

Bí thư chi bộ tự tháo dỡ nhà mình

Chiều đầu năm tôi tìm về thôn Trúc Ly, Ly Hòa, Cảnh Dương... nơi đây trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, người dân đã tự nguyện dỡ bỏ nhà cửa để làm đường qua sông đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn tấn quân lương vào chiến trường miền Nam.

Với khẩu hiệu "xe chưa qua, nhà không tiếc", chỉ trong một đêm, người dân các làng quê bên quốc lộ 1A này đã tự nguyện tháo dỡ hàng trăm căn nhà để làm đường, nối cầu cho con em vào Nam chiến đấu. "Nước còn thì nhà mình còn", mở đầu câu chuyện với tôi, cụ Phạm Đình Dương, thôn Trúc Ly, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình nói vậy.

Năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng cụ Dương vẫn minh mẫn, làng trên xóm dưới có chuyện vui, buồn đều tìm đến cụ. Cụ Dương là Bí thư Đảng bộ xã Võ Ninh trong những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến chống quân thù (1964-1968).

Tại thôn Trúc Ly nơi có bến phà Quán Hàu bắc qua, địch bắn phá suốt ngày đêm hòng cắt đường chi viện của miền Bắc vào chiến trường lớn miền Nam. Cụ Dương nhớ lại, địch dùng mọi thủ đoạn, đủ các loại bom đạn để đánh vào hệ thống cầu, đường của Quảng Bình nhằm cắt đường giao thông vận chuyển quân lương.

Người dân Trúc Ly thống nhất ý chí, bằng bất cứ hy sinh nào và dù trong tình thế nào người dân Võ Ninh cũng dốc lòng, dốc sức bảo đảm cho kỳ được mạch máu giao thông, thực hiện nhiệm vụ chi viện cao nhất cho chiến trường.

Đầu tháng 2/1967, đoàn xe tải 100 chiếc trên đường vào chiến trường bị tắc do địch đánh hỏng ngầm Dinh Thủy, trước thôn Trúc Ly, lãnh đạo xã Võ Ninh đã huy động nhân dân ngụy trang xe, bảo vệ hàng và tìm cách cho xe vô tiền tuyến.

Miệng nói tay làm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", cụ Phạm Đình Dương đã tự tay dỡ nhà mình làm vật liệu chống lầy cho xe qua. Chị Lê Thị Mai ở thôn Trúc Ly, có chồng đang chiến đấu ở miền Nam cũng tự nguyện tháo nhà để lấp hố bom... Chỉ trong một đêm, 127 hộ dân thôn Trúc Ly đã tự nguyện tháo nhà làm ngầm Dinh Thủy để đoàn xe vào chiến trường an toàn.

Tháng 12/1968, để bảo vệ cầu Ly Hòa, hơn 200 hộ dân nơi đây cũng đã tự nguyện tháo hết nhà cửa, nhà thờ họ, trường học... để làm ngầm qua sông cho xe vô tiền tuyến. Gặp lại các o, các mệ, khi nói về việc tháo nhà làm đường, ai cũng trả lời một câu nhẹ tênh: "Nước còn thì nhà mình còn"....

Hồi sinh từ những hố bom

Câu nói tưởng chừng giản đơn đó đã được người dân Quảng Bình viết thành chân lý. Trong căn nhà ngói khang trang, vợ chồng cụ Phạm Đình Dương tự hào sau chiến tranh, người dân thôn Trúc Ly, Võ Ninh về lại làng xưa, tất cả nhà cửa đã tháo dỡ để làm đường, làng chỉ còn nham nhở những móng nhà nằm chồng lên các hố bom.

Nhưng với quyết tâm xây dựng lại quê hương, ít năm sau chiến tranh, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng từ nền đất cũ. Con em Trúc Ly đều được đến trường học chữ, hàng trăm em đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, ông Lê Bá Phấn cho biết: Là địa phương anh hùng trong chiến đấu bảo vệ đất nước, nên trong công cuộc đổi mới ngày hôm nay, chính quyền và nhân dân Võ Ninh xác định cố kết lòng người phát huy tinh thần cộng đồng làng xã. Cái đói giáp hạt bao đời này ở vùng quê nghèo này đã được đẩy lùi. Từ cát trắng, nhiều hộ gia đình ở Võ Ninh đã vươn lên làm giàu...

Dương Sông Lam
.
.