Về Điện Biên khám bệnh cho bà con

Thứ Hai, 11/05/2009, 20:30
Xuất phát từ Hà Nội khi trời còn mờ sáng ngày 2/5, mãi đến cuối chiều, đoàn y, bác sỹ Tổng cục Hậu cần Bộ Công an mới có mặt tại trung tâm TP Điện Biên Phủ.

Trưởng đoàn công tác, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Bá Tĩnh, Phó trưởng Phòng 3, Cục Y tế, Tổng cục Hậu cần quyết định, đoàn không nghỉ ngơi, đi vào ngay huyện Mường Chà để sáng mai xuống xã, xuống bản sớm, kịp khám bệnh, phát thuốc cho bà con các dân tộc.

Gần 21h, đoàn mới đến trung tâm huyện Mường Chà. Thật cảm động khi thấy các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Huyện ủy, UBND huyện Mường Chà cùng Trung tá Trang A Lử, Trưởng Công an huyện Mường Chà vẫn chờ đón đoàn. Dù đã muộn nhưng ngay sau đó, chính quyền cùng đoàn công tác vẫn tranh thủ triển khai kế hoạch khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 500 người dân thuộc hai xã Xa Lông và Mường Mươn.

Y, bác sỹ Tổng cục Hậu cần hướng dẫn, khám bệnh cho bà con huyện Mường Chà.

Chưa đến 6h30' sáng hôm sau, đoàn đã sẵn sàng xuống bản. Theo đồng chí Trưởng đoàn công tác Nguyễn Bá Tĩnh, người đã hơn 20 lần về với Điện Biên, tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội - từ thiện của Ban Thanh niên Bộ Công an, Ban Thanh niên Tổng cục Hậu cần thì đoàn công tác lần này gồm có 10 y, bác sỹ thuộc Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an.

Các y, bác sỹ là những người có chuyên môn cao, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, tham gia nhiệt tình các hoạt động tình nguyện, trong đó, rất nhiều người mới đến Điện Biên phục vụ bà con các dân tộc lần đầu.

Dọc đường xuống xã Mường Mươn, đoàn đã thấy bà con các dân tộc từ nhiều ngả đường đang tề tựu đông đủ ở trung tâm xã. Theo chính quyền xã, Mường Mươn là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, có 4 dân tộc anh em sinh sống gồm: Thái, Khơmú, Mông, Kinh.

Đời sống của bà con các dân tộc ở đây còn nhiều khó khăn, năm qua, sự biến đổi về thời tiết và sâu bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất lương thực. Diện tích trồng ngô, đậu tương và ao cá bị mưa lũ cuốn trôi, vùi lấp gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống bà con.

Tuy nhiên, điều khiến đoàn công tác cảm động là nghe bà con kể chuyện, khi mặt trời bắt đầu ló rạng trên đỉnh núi, nhiều người đã gác lại buổi làm nương, vượt qua bao suối, bao đèo, đi bộ trên những con đường đất để đón đoàn công tác.

Chứng kiến cảnh các cụ già, các bà mẹ tay dắt con nhỏ, tay ẵm em thơ đến khám bệnh, mỗi thành viên đoàn công tác đều cảm thấy không chỉ cần thực hiện công việc bằng trách nhiệm của mình mà còn gắng diễn đạt, hoà đồng ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục, tập quán của mỗi dân tộc để tư vấn cho bà con nhiều hơn cách phòng, chống bệnh tật, chăm sóc sức khoẻ hàng ngày.

Tay cầm cơ số thuốc được phát, bà Lò Thị Sy, 77 tuổi, ở bản Púng Giắt, xã Mường Mươn cảm động bày tỏ: Già nghe tin đoàn công tác đến khám bệnh cho dân bản từ mấy hôm nay thấy rất vui. Già thấy các y, bác sỹ khám bệnh rất kỹ, cho già thuốc, lại còn nói cách giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe.

Ông Hồ Giống Hờ, 48 tuổi, cựu chiến binh ở xã Xa Lông cũng bày tỏ sự cảm ơn khi được các y, bác sỹ khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Em Chớ A Bình, 14 tuổi người bị mẩn ngứa đã nhiều hôm, nghe có đoàn y, bác sỹ đến đã đi bộ từ bản xuống xã để khám. Thấy bác sỹ khám xong, nói rằng Bình bị viêm da dị ứng, cho thuốc về điều trị, em rất phấn khởi tay cầm gói thuốc, ngượng ngịu nói lời cảm ơn.

Em Lò Văn Bách 9 tuổi bị đau bụng nhiều ngày qua, khi khám, bác sỹ "bắt bệnh", em bị con giun quấy, cho thuốc tẩy giun và hướng dẫn cách sử dụng thuốc tận tình khiến gia đình em rất cảm động. Không chỉ vậy, các y, bác sỹ còn hướng dẫn cách phát quang bụi rậm quanh nhà, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc giữ vệ sinh môi trường sống.

Kết thúc cuộc hành trình, đoàn công tác đã báo cáo với chính quyền hai xã kết quả khám chữa bệnh để xã có những giải pháp trong công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Kết thúc cuộc hành trình từ ngày 2 đến 6/5/2009 tại Điện Biên, đoàn công tác tình nguyện của Tổng cục Hậu cần còn tham gia vào các hoạt động sinh hoạt chính trị, công tác dân vận, xã hội, tình nghĩa của tuổi trẻ CAND tại Điện Biên…

Theo Thiếu tướng Vũ Thuật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Bộ Công an, 5 năm qua (từ 2004 đến nay), Đảng ủy và lãnh đạo Tổng cục Hậu cần đã có chủ trương tổ chức các đoàn công tác tình nguyện cùng với Công an các địa phương đến hơn 100 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có cuộc sống còn nhiều khó khăn tại 46 tỉnh để khám bệnh, cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho hơn 50 nghìn lượt người dân với hơn 50 nghìn cơ số thuốc; tặng hơn 50 nghìn cặp sách cho các em học sinh; đóng góp xây dựng gần 100 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với Cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tư vấn, tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tình nguyện, đoàn công tác đều tiến hành khảo sát về dân số, môi trường, bệnh tật ở từng vùng, kết thúc mỗi đợt công tác, đoàn đều có báo cáo sơ kết, tham mưu cho chính quyền địa phương cùng người dân phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe  cộng đồng được tốt hơn…

A.Hiếu - Nguyễn Hương
.
.