Tức Dụp, An Giang: Một lá chắn Anh hùng

Thứ Sáu, 22/05/2009, 11:00
Tức Dụp, ngọn đồi nhỏ trên đỉnh Cô Tô, đứa con sau cùng của dãy Thất Sơn hùng vĩ đã làm nên những chiến công lịch sử, khu căn cứ địa vững chãi của quân và dân An Giang. Ngọn đồi với truyền thuyết của những nàng tiên đẹp giáng trần đã đi vào huyền thoại bởi chiến công hiển hách chống lại kẻ thù xâm lược, một trong những "tử địa" khủng khiếp nhất của lính Mỹ và quân chư hầu.

Từ những năm 30-40 của thế kỷ XX, những chiến sĩ Cộng sản là một trong những người đầu tiên đặt chân lên ngọn đồi Tức Dụp. Họ hoạt động, chiến đấu bí mật trong suốt thời gian dài cũng chính nhờ địa hình hiểm trở nơi đây yểm trợ. Bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai không thể phát hiện được nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng và cũng không dám càn quét, truy lùng vì chúng hiểu rằng vào các hang động nơi đây chính là hố chôn xác chúng.

Và đến đầu những năm 70, Tức Dụp đã trở thành thành lũy vững chắc - là căn cứ địa cách mạng quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy An Giang, huyện Tri Tôn. Trong cuộc đọ sức quyết liệt từ những năm 1968, 1971, 1972, tên tuổi của Cô Tô - Tức Dụp càng bay ra khắp các châu lục, gây tiếng vang lớn trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lăng.

Tuy là ngọn đồi nhỏ, nhưng Tức Dụp chính là điểm đỏ trong bản đồ quân sự của Mỹ- ngụy tay sai. Bọn chúng khẳng định, Tức Dụp là "Nơi trú ẩn của bọn đầu sỏ Việt Cộng tỉnh Châu Đốc".

Nhìn nhận ấy là chính xác, nhưng chính xác hơn nữa, Tức Dụp chính là lá chắn an toàn nhất, là nơi hội họp, liên lạc, ăn nghỉ, là kho vũ khí, đạn dược, lương thực, trạm quân y... một bộ máy chính quyền hoàn chỉnh của các chiến sĩ cách mạng kiên trung đang ngày đêm đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Tượng đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Tức Dụp.

Nơi ấy đã che chở các chiến sĩ cách mạng khỏi bom rơi, đạn nổ, nơi trú ngụ của những cặp vợ chồng, cha con, anh em cùng đi đánh giặc và cũng chính nơi đây những người chiến sĩ cộng sản, những người con kiên trung của Tổ quốc đã nằm lại mãi mãi trong lòng đất mẹ.

Ngày ấy, các hang động đồi Tức Dụp đã dang tay bao bọc, chở che cho các cơ quan làm việc của Tỉnh ủy An Giang và huyện Tri Tôn. Sau Tết Mậu Thân 1968, bọn giặc đã tập trung đánh phá vào các làng mạc, thôn xóm và Tức Dụp cũng không ngoại lệ. Tức Dụp đã gồng mình đội pháo, chịu bom với hàng ngàn tấn thuốc nổ, trong đó có các loại đạn pháo chuyên dùng có sức công phá dữ dội nhất, đã làm cho 2.000m2 đất của ngọn đồi không nơi nào mà không có dấu vết của bom đạn.

Với chiến lược bình định của Mỹ - ngụy, chúng dồn dân vào ấp chiến lược để chiếm địa thế tấn công Tức Dụp. Quyết không chịu bỏ nhà cửa ruộng vườn, người dân nơi đây đã chiến đấu và bọn Mỹ - ngụy tay sai.

Tên quan thầy Mỹ, Trung tướng Ét-ca đã quyết định đưa đến 18.000 quân vây chiếm, nã đạn pháo đánh Tức Dụp và tuyên bố "Chiếm tam giác sắt Củ Chi mà chưa chiếm được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng của Cộng sản là Tưk Chup (Tức Dụp), thì coi như người Mỹ chỉ mới đứng một chân; đối phương sẽ hất người Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam lúc nào không biết".

Suốt 128 ngày đêm chiến đấu, đến cuối tháng 3/1969, Mỹ - ngụy có Sư đoàn 9, Sư đoàn 21 bộ binh luân phiên trực chiến, quân cơ động thuộc căn cứ Ba Xoài và Quân trường Chi Lăng, các tiểu đoàn địa phương quân, nhiều Tiểu đoàn biệt động quân, biệt kích dù, biệt kích Mỹ, hai tiểu đoàn quân Đại Hàn, một thiết đoàn M.113 (36 chiếc), một lữ đoàn pháo binh với 6 trận địa pháo 105 ly đến 155 ly, 12 khẩu đại bác đặt ở các vùng lân cận ngày đêm bắn phá vào Tức Dụp.

Trên không với hàng trăm phi vụ ném bom của pháo đài bay B52, B57, F4... Phía cách mạng chỉ không đầy 40 người còn trong hang đồi Tức Dụp, trong đó bao gồm những người phục vụ chiến đấu của Huyện đội và Huyện ủy Tri Tôn, cùng với vũ khí là lựu đạn do công trường Cây Mít - Cô Tô cung cấp. Các chiến sĩ của ta chỉ trang bị súng trường, tiểu liên, trung liên và vài khẩu B40 cùng với một số chiến lợi phẩm thu được.

Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch chiến đấu giành từng hang động. Quân ta tuy ít, vũ khí thô sơ, nhưng với lợi thế về địa hình hiểm trở, đã biết cách luồn lách theo từng vách đá, dùng lựu đạn tự chế và súng trường bắn trả. Cuộc chiến ấy, bọn giặc ngông cuồng đã phải tốn hao đến 2 triệu USD.

Cũng từ trận đánh 128 ngày đêm ác liệt ấy, Tức Dụp sừng sững với tên gọi "Lá chắn Anh hùng", vinh dự nhận tên mới "Đồi 2 triệu đô-la", xứng danh "Kiên cường bất khuất, giữ vững Núi Tô" do Trung ương Đảng phong tặng.

Cuộc chiến đã đi qua 34 năm. Tức Dụp ngày nay đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, di tích cách mạng được công nhận. Mỗi lần đến với Tức Dụp, thắp nén hương bên bia tưởng niệm, thăm các hang động lát vạt tre hình ảnh mô phỏng chiến đấu của ngày trước, chúng ta lại có dịp nhắc nhớ truyền thống chiến đấu hào hùng của quân, dân An Giang. Một địa danh với bao truyền thuyết ly kỳ đã lập nên chiến công lừng lẫy mang tên "Tức Dụp - Lá chắn Anh hùng"

Đức Văn – B.Trí
.
.