Trung tá Hoàng Kim Hương:

30 năm làm án hình sự tự hào không để xảy ra sai sót

Thứ Năm, 20/07/2017, 13:06
Ngót 30 năm gắn bó với “nghiệp” điều tra hình sự, đó là Trung tá Hoàng Kim Hương, nữ cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn.


Chị Hương tâm sự, chị đến với “nghề” Cảnh sát điều tra như một thứ duyên trời định. Lớp điều tra tội phạm C2, Khóa K10 (1986 - 1988) của chị ngày ấy có tổng cộng 120 học viên, thì chỉ có một mình chị là nữ. Những ngày đầu nhập trường, nhiều hôm xấu hổ, sợ bị các bạn nam trêu chọc, chị không dám xuống bếp tập thể ăn cơm, dù đói cũng chỉ biết ngồi ru rú một chỗ khóc nhè. Thấy vậy, mấy anh bạn đồng hương thương tình, nhiều hôm vác cặp lồng đi lấy cơm mang về cho chị. 

Còn mỗi lần muốn về quê thăm mẹ thì đó là cả một cực hình, bởi thời điểm đó xe cộ, đường sá đi lại rất khó khăn, ngày chỉ có duy nhất một chuyến, trong khi lượng khách quá đông. Đã vậy, muốn đón được xe, chị phải đi bộ hơn nửa ngày đường từ Suối Hai ra tận Quốc Oai để đón xe về thị xã Sơn Tây. Sau đó lại bắt tiếp mấy chặng xe mới về được quê nhà. Có lần xe vừa chạy về đến bến Lạng Sơn, nhìn xuống túi hành lý thì ôi thôi bao nhiêu quà cáp gom góp về biếu mẹ và cho các em đã bị kẻ gian rạch túi lấy sạch. Thế mà đã hơn 31 năm qua rồi...

Trung tá Hoàng Kim Hương, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn.

Ngày ra trường, chị được phân công về Văn phòng điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, chị cũng là nữ Cảnh sát điều tra đầu tiên của tỉnh. Sau này, đến năm 2004, khi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ra đời, thì văn phòng điều tra mới được tách ra, chị chính thức được chuyển về làm cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh. Tính đến giờ, chị là nữ cán bộ điều tra có thâm niên lâu nhất của Công an tỉnh Lạng Sơn. 

Bật mí đôi chút về nghề, chị Hương chia sẻ: điều tra hình sự là công việc chẳng đơn giản chút nào, mỗi vụ án tính chất mức độ khác nhau, chẳng vụ nào giống vụ nào. Có nhiều vụ án phức tạp, đêm nằm không ngủ được, khiến chị cứ trăn trở suy nghĩ mày mò hướng giải quyết cả đêm đến mất ăn, mất ngủ. 

Tưởng mấy chục năm gắn với nghề điều tra, đã bao lần gan góc đối đầu với côn đồ, tội phạm, ấy vậy mà vẫn có nhiều vụ án khiến chị bị ám ảnh mãi không nguôi. 

Một vụ trọng án cách đây chưa lâu được chị Hương đích thân thụ lý, xảy ra ở xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, đó là trường hợp đối tượng Ngô Văn Đối chém chết anh ruột của mình là Ngô Văn Mì. Chỉ vì có chút hơi men khi cùng nhau đi ăn đám giỗ trong làng, hai anh em ruột rượu vào lời ra, dẫn đến mâu thuẫn, cãi cọ. Nhìn thấy con dao gần đó, Đối đã lao ra chộp lấy con dao, đâm chết anh mình. Cảnh tượng hãi hùng của vụ án mạng hôm đó nhiều lúc vẫn còn khiến chị bị ám ảnh đến tận bây giờ.

Suốt 30 năm làm án hình sự, chị Hương luôn tự hào chưa bao giờ để xảy ra sai sót. Do đặc thù công việc, nhiều đêm đột xuất phải đi điều tra, truy bắt tội phạm xa nhà, trong khi 2 con còn nhỏ, chồng đi công tác vắng nhà, ông bà nội ngoại đều ở xa, khiến không hiếm lần chị phải nửa đêm ôm con sang gõ cửa, cậy nhờ hàng xóm trông giúp. 

Ấy vậy mà, đời người thấm thoắt, giờ đây, chả mấy chốc chị đã sắp trở thành bà nội. Cậu con trai lớn vừa lập gia đình, cũng nối nghiệp bố mẹ, đang làm Cảnh sát giao thông Công an huyện Văn Lãng, còn cậu con trai út cũng đang chuẩn bị thi vào cấp 3, với ước mơ ấp ủ được trở thành chiến sĩ CAND như cha mẹ.

Trong câu chuyện với chị Hương, một câu hỏi vui tôi chợt đặt ra với chị, nếu cho chị được quyền chọn lại, chị Hoàng Kim Hương vẫn chỉ chắc nịch một đáp án “không bao giờ ân hận khi trở thành nữ Cảnh sát điều tra”.

Phạm Tâm
.
.