Quĩ Mãi mãi tuổi hai mươi và Hội cựu chiến binh sinh viên thăm chiến trường xưa:

Tri ân đồng đội

Thứ Năm, 18/03/2010, 11:46
Mỗi chuyến trở lại chiến trường của các CCB đều có những sự ngẫu nhiên như được sắp xếp bởi số phận. Trong chuyến trở lại Trường Sơn năm 2009, khi đoàn đại biểu thắp hương tại Truông Bồn (Quảng Trị), bỗng một ông lão gầy gò khắc khổ, râu ria xồm xoàm, tay cầm cây rựa đi rừng chạy lại ôm chầm lấy Đại tá Nguyễn Văn Mão. Đó là người đồng đội năm xưa, đã hơn 30 năm bặt tin. Chuyến đi năm nay lại có những sự tình cờ khác.

Hơn 100 cựu chiến binh (CCB) về thăm lại chiến trường xưa, do Quĩ mãi mãi tuổi hai mươi và Hội CCB sinh viên tổ chức, nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; người là bộ binh, người là lính xe tăng, người vào bộ đội khi mới 16, 17 tuổi; người nhập ngũ khi đang ngồi trên giảng đường… "không một ai trở về lành lặn". Có những vết thương trên da thịt, và có những vết thương được giấu kín trong những vùng ký ức thẳm sâu nhất. Những người lính trở về, có người đã tạm gác lại quá khứ để xây dựng một cuộc đời mới. Và cũng có những người vẫn tiếp tục sống cùng chiến tranh.

Cựu chiến binh Nguyễn Dũng (bạn bè vẫn gọi là Dũng "tóc bạc"), ngày 27 - 7, 30 - 4 năm nào cũng trở lại chiến trường xưa để nhắc đi nhắc lại với đồng đội rằng: "Hòa bình rồi chúng mày ạ!". Chiến tranh kết thúc, anh lính trẻ buông súng trở lại giảng đường ĐH Bách khoa, nhưng tâm hồn thì ở lại chiến trường cùng những người ngã xuống. Hiện tại gia cảnh chỉ có một mình ông nên Tết đến, thắp hương gia tiên xong, là ông lại khoác ba lô lên đường, vào những nơi đồng đội đang nằm lại kia.

Đoàn Cựu chiến binh dâng hương tại Đài Liệt sỹ Bắc Sơn.

Cuộc hành trình 7 ngày từ Đài Liệt sỹ Bắc Sơn, giữa lòng Thủ đô Hà Nội, đến TP Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Tây Nguyên là một hành trình dài, không phải vì khoảng cách địa lý 1.700km, mà vì chiều dài của ký ức. Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, bệnh xá Đặng Thùy Trâm, chiến khu Ba Tơ, TP Buôn Ma Thuột, đường 14, điểm cao 601, Đăk Tô - Tân Cảnh, những cánh rừng Tây Nguyên… tất cả như chỉ mới hôm qua thôi, họ còn đang rừng rực tuổi thanh xuân cầm chắc tay súng chĩa vào kẻ thù.

Tại những cánh rừng này, Lữ đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3) đã trú quân từ 1971 đến 1975, suốt 4 năm hầu như không được nhìn thấy bầu trời, đã đánh thắng những trận oanh liệt và cũng đã bị tổn thất hi sinh không ít. Dọc đường 14, những người lính bộ binh của Trung đoàn 95B đã ngày đêm bám đất, bám đường, chặn chi viện của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Tại những cánh rừng này, họ đã trải qua những ngày đói khổ, sốt rét rừng và bom đạn. Tại đây, tất cả những người lính đều gọi nhau tên là "Quê", hàm ý rằng tôi với anh cùng một quê hương, dù đến từ bất cứ nơi đâu.

Mỗi chuyến trở lại chiến trường của các CCB đều có những sự ngẫu nhiên như được sắp xếp bởi số phận. Trong chuyến trở lại Trường Sơn năm 2009, khi đoàn đại biểu thắp hương tại Truông Bồn (Quảng Trị), bỗng một ông lão gầy gò khắc khổ, râu ria xồm xoàm, tay cầm cây rựa đi rừng chạy lại ôm chầm lấy Đại tá Nguyễn Văn Mão. Đó là người đồng đội năm xưa, đã hơn 30 năm bặt tin. Chuyến đi năm nay lại có những sự tình cờ khác.

Tại nghĩa trang Buôn Ma Thuột, tình cờ những cựu binh của Lữ đoàn xe tăng 273 tìm được mộ một người đồng đội. Khi bác Trương Công Đạo khấn bạn: "Còn anh Phiến nằm đâu đó ở đây. Nếu bạn nghe được, xin cho mình gặp", thì ngay lập tức có người chạy lại báo tin đã tìm được mộ. Trung úy, Đại đội trưởng Lê Văn Phiến hi sinh trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột vì một viên đạn M79. Trước mộ bạn, "người lính thép" Trương Công Đạo, Đại đội trưởng can trường, đánh cho địch không có đường rút, khóc nức nở như một đứa trẻ. "Phiến ơi! Đạo đây. Có nhớ mình đã thắp đèn đánh cờ suốt đêm trước khi vào chiến dịch không?".

Cũng chuyến đi này, cựu binh Đặng Văn Phong đã tìm được ân nhân mà suốt 30 năm qua ông tìm kiếm. Ông thậm chí đã ra Bắc vào Nam, gặp gỡ không biết bao nhiêu nhân chứng mà vẫn bặt tin; thì nay lại thấy nhau chỉ nhờ một sự tình cờ. "Thân nhau lắm, nhưng tôi chẳng biết họ, chẳng biết quê, chỉ biết anh tên là Thế, hình như là sinh viên ĐH Hàng hải. Không có anh thì tôi không sống nổi ở chiến trường. Tôi nhập ngũ khi mới 17 tuổi, nặng 38kg (nhờ người bạn thân cân gian được 42kg, đủ sức khỏe loại B để đi bộ đội), lần đầu tiên biết thế nào là rừng thiêng nước độc, là chiến tranh, súng đạn, chết chóc. Đêm nào tôi cũng nằm khóc, không dám ngủ một mình. Đáng sợ nhất là mỗi lần đơn vị cử vào rừng hái rau, chân tôi nhũn ra, không thể bước được. Những lúc đó, anh Thế đã bỏ cả thời gian nghỉ ngơi để đi cùng tôi, dạy tôi cách chiến đấu với kẻ thù. Anh cùng với những người lính sinh viên thời đó sống hào hoa, lạc quan lắm, như không hề có chiến tranh bên cạnh, không biết đến cái chết. Nhờ họ mà tôi có thêm lòng can đảm"…

Và Đặng Văn Phong, từ một cậu lính chỉ biết khóc đã trở thành một pháo thủ tài năng và dũng cảm của Lữ đoàn 273. Đến năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, anh đã trở thành Đại đội trưởng, lập được không ít chiến công và hiện là pho sử sống của Lữ đoàn.

Ngoài viếng thăm những di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ, đoàn cựu chiến binh cũng không quên tặng quà và giao lưu với thế hệ trẻ ở những vùng đất từng là chiến trường. Trong những cuộc giao lưu đó, ngoài tiếng hát và những ký ức hào hùng, họ còn có một điều gửi gắm: "Thế hệ trẻ đừng quên dân tộc đã mất mát ra sao mới có được ngày này. Hạnh phúc đã phải trả bằng máu". Trong hàng vạn người lính, một số đã thành những tên tuổi được lịch sử nhắc đến. Nhưng số đông hơn gấp vạn lần, mang theo những câu chuyện anh hùng của riêng mình lẫn vào cuộc sống. Và cũng còn có rất nhiều người khác vẫn đang nằm đâu đó trên mảnh đất này, chưa có được một tấm bia.

Tại nhiều nghĩa trang Tây Nguyên, những ngôi mộ liệt sỹ "chưa xác định được tên" chiếm đến quá nửa. Nhà văn CCB Nguyễn Thế Tường rưng rưng: "Chúng tôi đã ra đi và chấp nhận hi sinh đơn giản vì không bao giờ bỏ Tổ quốc trong giây phút gian nan. Tôi biết rằng cuộc sống đổi thay nhiều lắm. Nhiều giá trị cũ đã bị phủ nhận. Nhưng có những giá trị bất biến, đến hàng vạn năm chúng ta cũng không được phép quên!"

Vũ Hân
.
.