Tổ chức trại giam, nhà tù trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ Bảy, 26/11/2005, 07:24

Phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là nhà tù, trại giam hình sự. Tại đây giam giữ, quản lý phạm nhân sau khi bị tòa án tuyên án và bản án có hiệu lực pháp luật.

Lịch sử của ngành cảnh sát thế giới cho biết vào những năm 1791-1749 trước Công nguyên (CN), Vua Hammurabi, người trị vì của triều đại thứ nhất của nhà nước cổ đại Babylon đã thành lập nên một thiết chế mới mà về sau các nhà chính trị gọi là “Nhà nước” gồm 1 ông vua và nhiều quần thần từ trên xuống dưới đảm nhận các chức năng quản lý xã hội. Vua Hammurabi đã thành lập ra một số cơ quan thiết chế mới mà về sau người ta gọi là công an, tòa án, quân đội, v.v...

Cơ quan công an, cảnh sát đầu tiên trên thế giới với tên gọi “Politeia” chỉ gồm 5 viên cảnh binh. Nghĩa gốc của từ “Politeia” ban đầu là “Nhà nước” và về sau đã đi vào nhiều ngôn ngữ trên thế giới như “Police” trong tiếng Anh “Polizei” trong tiếng Pháp;  “Polizia” trong tiếng Italia, v.v... Mặc dù chỉ có 5 người nhưng vai trò và quyền uy của cơ quan mới này vô cùng lớn đến mức như Ph.Ănghen đã nhận xét: “Uy quyền của một viên cảnh  binh còn hơn cả uy quyền của xã hội thị tộc cộng lại”.

Bộ máy cơ quan Politeia - cảnh sát trên thế giới - ban đầu rất đơn giản chỉ gồm 2 bộ phận: vệ sĩ bảo vệ nhà vua, triều đình và cai ngục để quản lý kẻ phạm tội. Luật hình của nhà vua Babylon quy định tử hình những ai phạm tội giết người và có âm mưu giết nhà vua. Cho đến thế kỷ XI-XII trước CN các hình phạt dành cho tội phạm vẫn rất khốc liệt. Người phạm tội có thể bị chặt tay, khắc chữ lên mặt, ngựa xéo, voi giày, ném vào vạc dầu sôi, v.v... Trong con mắt của người dân, nhà tù, trại giam là những gì khốc liệt nhất mà con người phải gánh chịu trong cuộc đời, nếu họ phạm tội.

Các hình thức nhà tù, trại giam cũng rất khác nhau ở nhiều nước. Các hoàng đế Ai Cập cổ đại thường xây nhà tù ở khu sa mạc nóng, thiếu nước, đời sống khó khăn. Kẻ phạm tội nào không vượt qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên sẽ tự mình tìm đến cái chết. Còn nhà vua Rameses III (1198-1166 trước CN) lại lập ra một cơ quan cảnh sát vừa bảo vệ nhà vua và triều đình, vừa phòng chống tội phạm, vừa quản lý nhà tù và kiêm luôn xử án. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì cảnh sát của các triều đại Ai Cập đảm nhận cả hai chức năng hành chính và tư pháp. Vì vậy vào giai đoạn này, cơ quan Politeia có rất nhiều quyền lực và được mọi người nể sợ.

Nhà tù Mỹ.

Ở những nước theo đạo Hindu, các nhà sử học cho biết theo đạo Luật Manu (tồn tại từ năm 300 - 150 trước CN), lực lượng cảnh sát của nhà nước theo Ấn Độ giáo chủ yếu gồm 4 lực lượng: cảnh sát tuần tra, cảnh sát bảo vệ nhà vua, cảnh sát phòng chống tội phạm và cảnh sát quản lý trại giam. Trại giam thuộc những nước này trong các triều đại cổ đại chủ yếu giam giữ tù nhân phạm tội chống nhà vua và phạm tội xâm hại con người như giết người, hiếp dâm. Hình phạt tử hình chủ yếu là thiêu sống trên giàn thiêu hoặc bị ném đá đến chết rất dã man. Người ta chọn lựa cai ngục người to lớn, dữ tợn để quản lý nhà tù, vì vậy, uy quyền của trại giam, nhà tù là rất lớn.

Tại Trung Quốc và một số nước phương Đông cổ đại, cơ quan cảnh sát ra đời rất sớm, không muộn hơn ở châu Âu và châu Phi. Điển hình là nhà tù của các hoàng đế nhà Tần (Trung Quốc) vừa chật hẹp, vừa áp dụng các quy chế giam giữ nhằm hạn chế thấp nhất quyền tự do của con người.

Tại đây, nhà vua có thể giam giữ bất cứ ai chống lại mình kể cả người thân thích trong hoàng tộc. Hình phạt ép uống thuốc độc để chết, đưa tử tội ra cho voi giày, ngựa xé, thích chữ lên mặt, lên người phạm nhân... rất phổ biến trong lịch sử cổ đại Trung Quốc và nhiều nước phương Đông.

Theo sự phát triển của lịch sử loài người, tương ứng với 5 hình thức nhà nước và công an, cảnh sát trên thế giới, đã xuất hiện 5 loại nhà tù, trại giam trong lịch sử.

Trước hết là trại giam, nhà tù của chế độ chiếm hữu nô lệ. Nhà tù trong thời kỳ này chủ yếu giam giữ tội phạm và nô lệ “khó bảo” muốn chạy trốn hoặc bất tuân lệnh chủ nô. Chủ nô nhiều trường hợp còn nhốt phạm nhân chung với gia súc như ngựa, dê.... Vào thời kỳ này chưa hình thành cơ quan trại giam chuyên trách nên nhà tù đều do cơ quan cảnh sát quản lý.

Trong chế độ phong kiến, nhà tù được xây dựng khắp nơi để giam giữ những người chống đối lãnh chúa phong kiến, tăng lữ nhà thờ. Trong nhà tù, trại giam bên cạnh đội ngũ quản giáo, giám thị rất phổ biến các thầy tu, linh mục để “rửa tội” cho tử tù trước khi bị hành quyết. Các linh mục tiến bộ cũng bị giam giữ trong những nhà tù này. Hình phạt dành cho tử tội trong nhà tù phong kiến rất khốc liệt mà điển hình là một nhà thiên văn học tiến bộ do quan niệm trái đất quay quanh mặt trời đã bị giới tăng lữ cầm quyền đưa lên giàn thiêu sống. Trước khi chết ông vẫn kêu to: “Dù sao thì trái đất vẫn quay!”.

Nhà tù, trại giam thế giới thực sự “phát triển” trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Từ nhà tù hình sự thuần túy đã xuất hiện những nhà tù chính trị, nhà tù quân sự mà điển hình là trại giam của chế độ phát xít Đức giam giữ hàng vạn tù nhân trong Chiến tranh thế giới thứ 2 ở Đức, Ba Lan, Liên Xô (cũ), Hungari, v.v...--PageBreak--

Với những học thuyết phản động coi tội phạm là bẩm sinh, là bất biến, không thể giáo dục, cải tạo được nên ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) thường xây những nhà tù, trại giam ngoài đảo, cách xa đất liền để người tù cách ly với cuộc sống xã hội. Người tù hoặc sẽ bị giam giữ suốt đời hoặc sẽ bị tử hình bằng rất nhiều hình thức khốc liệt như dùng điện giật chết người, dùng hơi ngạt, treo cổ, v.v...

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa cũng xuất hiện nhà tù, trại giam kiểu mới. Tại đây đưa giam giữ những người phạm tội với những quy tắc, chế độ giáo dục, cải tạo phạm nhân mang tính nhân đạo cao cả: mọi người phạm tội đều có thể cải tạo, giáo dục được.

Phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là nhà tù, trại giam hình sự. Tại đây giam giữ, quản lý phạm nhân sau khi bị tòa án tuyên án và bản án có hiệu lực pháp luật. Thông thường trại giam chia thành nhà tù hình sự thường và trại giam, nhà tù giam giữ phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Các nhà tù này thường do cơ quan cảnh sát trại giam quản lý.

Loại nhà tù thứ hai rất phổ biến trên thế giới là nhà tù chính trị hoặc trại giam chính trị do cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của nước đó quản lý. Tại đây giam giữ tù nhân chính trị, người bất đồng chính kiến với chính quyền đương nhiệm. Những lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới và ở nước ta như  cựu Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Việt Nam, v.v... đã bị giam giữ trong các nhà tù kiểu này.

Thời kỳ Pháp, Mỹ chiếm đóng Việt Nam, nhà cầm quyền đã xây dựng rất nhiều nhà tù loại này như trại giam Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), v.v... Nhà tù của Chính phủ Mỹ mới thành lập ở đảo Guantanamo của Cuba giam giữ tù nhân trong chiến tranh Iraq là thuộc loại này.

Sân một nhà tù tại Mỹ, thế kỷ XX.

Nhà tù quân sự thường được xây dựng và phát triển trong chiến tranh khu vực, chiến tranh thế giới, chiến tranh giữa các nước. Nhà tù loại này do cơ quan quân đội quản lý và giam giữ phạm nhân phạm tội quân sự, quân nhân của đối phương bị bắt giữ trong cuộc chiến. Theo thống kê trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ - ngụy đã xây dựng hơn 100 nhà tù quân sự ở khắp miền Nam Việt Nam.

Nhà tù, trại giam giam giữ người chưa thành niên phạm tội. Các nước trên thế giới đều thành lập nhà tù riêng để giam giữ, cải tạo người chưa thành niên phạm tội. Sở dĩ phải làm như vậy là để có thể áp dụng những chế độ cải tạo, giam giữ riêng phù hợp với lứa tuổi người chưa thành niên. Tại đây thường có các phòng tư vấn tâm lý cho trẻ em phạm tội và quản giáo các trại giam này thường là phụ nữ.

Ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh và các nước TBCN, còn có nhà tù, trại giam tư nhân để đỡ gánh nặng cho nhà nước, chính phủ cho phép công dân thành lập  và xây dựng nhà tù tư nhân theo Luật Doanh nghiệp. Tại đây, tổ chức giam giữ phạm nhân phạm tội không nghiêm trọng thuộc nhóm tội phạm hình sự. Gia đình phạm nhân cũng phải đóng một khoản tiền lớn theo quy định của nhà nước và dĩ nhiên phạm nhân được hưởng những điều kiện VIP, có nhiều tự do hơn nhà tù của nhà nước. Trong nhà tù tư nhân, quy chế giam giữ của nhà tù nói chung vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Những năm gần đây, hình thức tù tại gia khá phổ biến ở nhiều nước mà điển hình là Trung Quốc. Những phạm nhân phạm tội không nghiêm trọng, có sự bảo lãnh của gia đình và người thân, sau khi tòa án tuyên án và bản án có hiệu lực pháp luật, gia đình có thể bảo lãnh phạm nhân về gia đình. Trung Quốc và nhiều nước áp dụng phương thức quản lý phạm nhân qua hệ thống định vị toàn cầu GMS.

Mỗi phạm nhân khi giao cho gia đình phải mang một còng điện tử vào cổ tay hoặc cổ chân. Còng điện tử này chỉ có thể tháo ra nếu có chìa khóa hoặc chặt tay, chặt chân phạm nhân. Vì vậy cơ quan công an qua hệ thống GMS có thể kiểm soát được mọi di biến động của phạm nhân. Hình thức tù tại gia sẽ đỡ một gánh nặng lớn kinh phí cho nhà nước khi phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn nuôi phạm nhân và một đội ngũ quản giáo rất đông đảo. Hơn nữa do người tù được sống cùng gia đình nên việc giáo dục, cải tạo tốt hơn.

Ở các nước TBCN do ảnh hưởng của học thuyết tội phạm là bất biến, không thể giáo dục, cải tạo được nên thường áp dụng các phương pháp “tẩy não tội phạm”, tác động vào cơ thể phạm nhân tác nhân sinh học - y học để phạm nhân có thể biến đổi sang một trạng thái tâm lý - sinh lý học khác. Một số nước thành lập nhà tù, trại giam trên đảo, cách xa đất liền dưới dạng biệt giam để cách ly hoàn toàn phạm nhân với xã hội. Nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc nước ta thời Pháp thuộc, thời Mỹ - ngụy đã được xây dựng dưới các quan điểm này

(còn tiếp)
.
.