Tổ chức trại giam, nhà tù trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam (bài 2)

Chủ Nhật, 27/11/2005, 08:10

Theo báo cáo “Global Incarceration and Prison Trends” của  Roy Walmsley, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) vào năm 2004 thế giới có 8,75 triệu phạm nhân đang bị giam giữ tại các nước.

Thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm này cho biết tại Hoa Kỳ có 1.390.906 tù nhân; Trung Quốc - 1.428.126 tù nhân; Liên bang Nga - 919.330 tù nhân; Ấn Độ - 281.380 tù nhân; Brazil - 233.859 tù nhân; Thái Lan - 217.696 tù nhân; Ukraina - 198.885 tù nhân; Nam Phi - 176.893 tù nhân; Cộng hòa Hồi giáo Iran - 163.526 tù nhân; Mexico - 154.765 tù nhân; Vương quốc Anh - 73.000 tù nhân; Cộng hòa Pháp và CHLB Đức có khoảng 70.000 tù nhân.

Nếu tính tỉ lệ số tù nhân trên 100.000 dân thì ở Hoa Kỳ có 686 tù nhân trên 100.000 dân và cũng là nước có số lượng phạm nhân cao nhất trên thế giới hiện nay. Đứng thứ hai là đảo Cayman với tỉ lệ 664 tù nhân trên 100.000 dân. Đảo này tuy nhỏ nhưng là nơi trung chuyển ma túy vào các nước vùng vịnh Caribê nên số người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy rất cao.

Các nhà tội phạm học thế giới phân loại ra 3 nhóm nước về số lượng tù nhân trên tỉ lệ 100.000 dân số: > 350: nhiều tù nhân; 150-350: tù nhân trung bình; 150: ít tù nhân. Thuộc về nhóm nước có ít tù nhân trên thế giới là các nước Tây và Trung Phi, một số nước châu Á như: đảo Faroe thuộc Đan Mạch -21; Burkina Faso - 24; Nepal - 25; Ấn Độ - 28; Indonesia - 29; Nigeria - 34; Angola - 37; Guinea - 37. Thống kê của LHQ cũng cho thấy châu Á có tỉ lệ tù nhân vào diện thấp trên thế giới: các nước Nam Trung Á - 54; Tây Á - 108; Đông Nam Á - 118;  Đông Á - 175; Trung Á - 426.

Do tình hình tội phạm gia tăng trên thế giới nên số lượng tù nhân cũng gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, trung bình hàng năm từ 20% đến 40%, cá biệt có nước số tù nhân hàng năm gia tăng tới 50%.

Vào năm 2004, nước Mỹ có 1.390.906 tù nhân, trong đó có 103.310 nữ. Nước Mỹ có hai hệ thống trại giam: trại giam liên bang do Cơ quan trại giam liên bang quản lý và trại giam tiểu bang do Cơ quan trại giam tiểu bang quản lý.

Nếu vào năm 1990 số tù nhân nước Mỹ mới chỉ là 773.905, thì năm 2004 đã tăng lên 1.390.906. Tại các nhà tù liên bang, 57% tù nhân là do phạm tội về ma túy, còn tại nhà tù tiểu bang chủ yếu là phạm nhân phạm tội phi bạo lực. Tỉ lệ tù nhân tiểu bang Minnesota là 121 tù nhân trên 100.000 dân; tiểu bang Maine - tỉ lệ là 128; tiểu bang North Dakota - 120. Có 3 tiểu  bang  có số tù nhân rất cao là Louisiana - 763; Texas - 704; Oklahoma - 653.

Tại nước Mỹ 88% tù nhân là nam giới. Khoảng 12% là nam giới người da đen. Tuổi tù nhân phổ biến ở Mỹ là 20-39. So với các nước trên thế giới tù nhân ở Mỹ tỉ lệ cao hơn như Anh - 139 trên 100.000 dân; Na Uy - 59; Trung Quốc - 111. Hàng năm Chính phủ Hoa Kỳ xuất bản “Bureau of Justice Statistics-Prisoners” công bố các số lượng tù nhân cấp liên bang và cấp bang.

Mỗi nước có một hệ thống tù nhân khác nhau và đây thường được coi là địa điểm nhạy cảm của xã hội và quốc tế. Nhiều vấn đề nhân quyền cũng được chú ý ở đây.

Các cơ quan quản lý trại giam, nhà tù trên thế giới

Cho đến thế kỷ XXI này từ “prison” - “nhà tù, trại giam” đã  được gọi bằng rất nhiều tên như “prison - house”, “jail”, “penitentiary”, “houses of correction”, “reformatories” v.v... Mỗi nước đều thành lập các cơ quan quản lý trại giam, nhà tù riêng của mình. Do việc giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân là khâu cuối cùng của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nên cơ quan điều tra tội phạm và cơ quan trại giam thường tổ chức song song với nhau.

Chính phủ đặt cơ quan điều tra ở đâu thì cũng đặt cơ quan trại giam ở đó để thuận lợi cho việc tổ chức trinh sát trại giam, khai thác phạm nhân phục vụ điều tra, mở rộng án. Trong nhiều trường hợp khi phạm nhân trốn trại còn dễ phối hợp truy bắt ngoài xã hội.

Nhìn tổng thể các nước trên thế giới tổ chức quản lý nhà tù, trại giam theo phương thức sau:

1- Giao cho Bộ Công an, Bộ Nội vụ, cơ quan Công an, Cảnh sát quản lý nhà tù, trại giam. Cách tổ chức này được kế thừa truyền thống vì nhà tù đầu tiên trong xã hội loài người do cơ quan cảnh sát thành lập ra và trực tiếp quản lý. Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều đặt cơ quan điều tra và cơ quan trại giam trong hệ thống Bộ Công an, Bộ Nội vụ và giao cho cơ quan cảnh sát quản lý.

Theo thống kê của LHQ trong số 200 nước thành viên LHQ có khoảng hơn 150 nước tổ chức quản lý theo phương thức này: giao cho cơ quan cảnh sát quản lý cơ quan điều tra và nhà tù, trại giam. Có thể kể ở đây nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam, Anh, Ấn Độ v.v... Tại những nước này, cơ quan quản lý trại giam thường được gọi bằng các tên “cảnh sát trại giam”, “cảnh sát tư pháp”...--PageBreak--

2- Giao cho Bộ Tư pháp quản lý nhà tù, trại giam. Tại khoảng 50 nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia v.v... do chính phủ không thành lập Bộ Công an và quan niệm Bộ Nội vụ chỉ đảm nhận các công tác quản lý chính quyền, cán bộ công chức, bầu cử nên chức năng cảnh sát như công tác phản gián, điều tra tội phạm, quản lý trại giam, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý và bảo vệ biên giới... đều giao cho Bộ Tư pháp đảm nhận. Bộ Tư pháp tại các nước này ngoài chức năng xây dựng pháp luật còn đảm nhận các chức năng của Bộ Công an ở Việt Nam.

Chính vì Bộ Tư pháp đảm nhận chức năng công tố, điều tra tội phạm nên chính phủ cũng giao luôn cho quản lý nhà tù, trại giam. Điển hình là tổ chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Trong tổ chức của Bộ này có rất nhiều cơ quan nổi tiếng như Cơ quan Điều tra liên bang - FBI làm nhiệm vụ điều tra tội phạm và phản gián; Cơ quan chống ma túy DEA làm nhiệm vụ chống ma túy; Cơ quan Trại giam liên bang - FBP quản lý các trại giam cấp liên bang; Cơ quan phòng vệ biển làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia v.v...

Tại Australia, chính phủ cũng thành lập Bộ Tư pháp và Hải quan Liên bang. Trong bộ máy của Bộ này có rất nhiều cơ quan như Bộ Tư lệnh Cảnh sát Liên bang AFP làm nhiệm vụ chống tội phạm, phản gián, tình báo, chống ma túy, chống tội phạm có tổ chức, bảo vệ lãnh tụ... Cơ quan Trại giam quản lý nhà tù liên bang; Cơ quan Hình sự liên bang NFC làm nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia phòng chống tội phạm v.v...

Một số nước như Trung Quốc lại có cách tổ chức nhà nước khá đặc biệt: bên cạnh lực lượng Công an chủ yếu đặt trực thuộc Bộ Công an, còn biệt phái đặt lực lượng Công an của Bộ Công an tại các bộ, ngành để dễ thực thi nhiệm vụ. Chính phủ Trung Quốc thành lập và đặt lực lượng Cảnh sát Tư pháp của Bộ Công an tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để làm nhiệm vụ chống tham nhũng và bảo vệ các cơ quan kiểm sát; thành lập lực lượng Cảnh sát Tư pháp của Bộ Công an đặt tại Tòa án nhân dân tối cao để làm nhiệm vụ bảo vệ tòa án, dẫn giải bị can, bị cáo; thành lập lực lượng Cảnh sát Tư pháp của Bộ Công an đặt tại Bộ Tư pháp để quản lý các trại giam, nhà tù; thành lập lực lượng Cảnh sát Hải quan của Bộ Công an đặt tại Bộ Hải quan để làm nhiệm vụ điều tra, chống buôn lậu trong lĩnh vực hải quan; thành lập lực lượng Cảnh sát Lâm nghiệp của Bộ Công an đặt tại Bộ Lâm nghiệp để bảo vệ rừng; thành lập lực lượng Cảnh sát Đường sắt của Bộ Công an đặt tại Bộ Đường sắt để làm nhiệm vụ bảo vệ đường sắt; thành lập lực lượng Cảnh sát Quân sự MP đặt tại Bộ Quốc phòng để làm nhiệm vụ bảo vệ quân đội v.v...

Lực lượng Cảnh sát Tư pháp quản lý các trại giam, nhà tù ở Bộ Tư pháp Trung Quốc thực chất là lực lượng Công an của Bộ Công an Trung Quốc được biệt phái sang Bộ Tư pháp để thi hành nhiệm vụ quản lý trại giam. Sở dĩ Trung Quốc tổ chức mô hình này để về hình thức bộ máy Bộ Công an đỡ cồng kềnh, có thể gắn đồng bộ với các công tác quản lý thi hành án khác.

Ở nước ta trong thời kỳ đồng chí Trần Quốc Hoàn là Bộ trưởng Bộ Công an các lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ quân đội, công an đường sắt, bảo vệ du lịch v.v... cũng được tổ chức theo phương thức tổ chức này và được Chính phủ, Bộ Công an biệt phái đặt tại Bộ Quốc phòng, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Du lịch.

Do các lĩnh vực thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế là rất khác nhau, nên trong tổ chức quản lý nhà nước rất ít gắn kết các lĩnh vực này với nhau trong một cơ quan chung. Trong khi cơ quan thi hành án hình sự cần phải vũ trang mạnh, có tính cơ động chiến đấu cao, làm việc chủ yếu là cưỡng chế, thì cơ quan thi hành án dân sự làm việc chủ yếu là hòa giải, giải quyết bằng quan hệ dân sự. Việc giải quyết các bản án kinh tế lại chủ yếu bằng tổ chức thực hiện hợp đồng kinh tế, việc giải quyết các bản án hành chính chủ yếu bằng biện pháp hành chính.

Chính vì vậy nên ở tất cả các nước cơ quan thi hành án dân sự, hành chính, kinh tế rất nhỏ gọn, nhưng cơ quan trại giam được tổ chức rất lớn. Như ở Hoa Kỳ Cơ quan Trại giam Liên bang (U.S. Federal Bureau of Prisons) bộ máy to lớn tương đương như FBI và DEA trong tổ chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.--PageBreak--

Trên thế giới chưa từng tồn tại và không thể thành lập một cơ quan thi hành án làm nhiệm vụ chung cho tất cả các công tác thi hành án. Đặt cơ quan điều tra, chống tội phạm ở đâu tất yếu phải đặt cơ quan trại giam, quản lý nhà tù ở đó. Không thể tách rời hai cơ quan này ra hai bộ khác nhau trong một cơ cấu chính phủ thống nhất.

Tổ chức thi hành án hình sự ở nước ta như thế nào là tối ưu?

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lực lượng Công an nhân dân đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập. Trong bộ máy lực lượng Công an nhân dân ngay từ khi mới ra đời đã có các bộ phận làm nhiệm vụ quản lý các trại giam, trong đó có trại giam Hỏa Lò ở Hà Nội, khám Chí Hòa ở Sài Gòn. Tuy nhiên, chỉ đến ngày 7/11/1950, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về Tổ chức các trại giam, Lực lượng Cảnh sát trại giam nước ta mới chính thức ra đời.

55 năm qua, lực lượng cảnh sát trại giam đã tổ chức giáo dục, cảm hóa hàng chục vạn người lầm lỗi hoàn lương, sống hữu ích; làm tốt công tác quản lý, giáo dục các loại đối tượng. Hàng vạn phạm nhân cải tạo tiến bộ được hưởng đặc xá tha tù trước thời hạn, hàng vạn người được giảm án trở về với cộng đồng xã hội, ổn định cuộc sống. Tỉ lệ phạm nhân ở nước ta khá thấp và Việt Nam thuộc vào số các nước có số tù nhân thấp trên thế giới và khu vực. Tỉ lệ tái phạm tội ở nước ta cũng rất thấp.

Kết quả đó nói lên nhiều điều, trong đó có việc chứng tỏ bộ máy, tổ chức quản lý công tác thi hành án hình sự ở nước ta là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước, thuận lợi cho việc tổ chức phòng ngừa, điều tra, khám phá tội phạm. Việc đặt hệ thống cơ quan điều tra và cơ quan trại giam trong  Bộ Công an (trước đây là Bộ Nội vụ) là phù hợp với các phương thức tổ chức cơ quan trại giam, quản lý nhà tù trên thế giới.

Để tiếp tục đổi mới việc tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự ở nước ta trong thời gian tới, qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, căn cứ vào khoa học quản lý và tổ chức nhà nước, khoa học phòng chống tội phạm, chúng ta có thể đổi mới theo các hướng sau:

Thứ nhất, Bộ Công an tiếp tục quản lý các trại giam và trực tiếp quản lý Lực lượng Cảnh sát trại giam. Tuy nhiên, Bộ cần phân cấp các trại nhỏ, trại giam giữ phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng cho Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cần nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc và những nước để thực hiện mô hình tù tại gia ở Việt Nam nhằm từng bước xã hội hóa công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân và cũng để giảm đỡ gánh nặng cho Nhà nước.

Bộ Quốc phòng tiếp tục quản lý trại giam giam giữ phạm nhân phạm tội về quân sự.

Bộ Tư pháp thành lập một bộ phận theo dõi công tác thi hành án, trong đó có theo dõi công tác thi hành án hình sự. Điều này cũng tương tự như quản lý nhà nước về giám định tư pháp hiện nay. Bộ Tư pháp có bộ phận theo dõi chung công tác giám định tư pháp. Còn công tác giám định tư pháp cụ thể do các bộ đảm nhiệm: Bộ Công an tổ chức giám định hình sự, Bộ Y tế tổ chức giám định pháp y, Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức giám định văn hóa v.v... Tổ chức công tác phòng chống ma túy ở nước ta hiện nay cũng được tổ chức theo hướng này.

Thứ hai, Bộ Công an vẫn tiếp tục quản lý trại giam nhưng Lực lượng Cảnh sát trại giam của Bộ Công an đưa biệt phái sang đặt trực thuộc hệ thống Bộ Tư pháp như mô hình Trung Quốc. Phương án này sẽ giúp gắn kết các công tác thi hành án vào một mối nhưng vẫn đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất của Bộ Công an. Việc quan hệ, phối hợp giữa Cơ quan Điều tra trực thuộc Bộ Công an và Cơ quan Trại giam chịu sự chỉ đạo song trùng Bộ Công an - Bộ Tư pháp, vẫn có thể tiến hành thuận lợi. Theo phương án này do Lực lượng Cảnh sát Trại giam vẫn thuộc Bộ Công an nên chế độ vũ trang vẫn không thay đổi.

Trong hai phương án trên chúng tôi cho rằng, mô hình 1 tỏ ra ưu việt hơn. Chúng ta đã có 55 năm kinh nghiệm quản lý nhà nước và chỉ đạo chiến đấu theo phương án này và mô hình này cho hiệu quả thực tế. Hơn nữa lựa chọn mô hình này vẫn đảm bảo sự quản lý thống nhất của hai lĩnh vực: lĩnh vực phòng chống tội phạm và lĩnh vực quản lý thống nhất thi hành án

.
.