Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Thứ Năm, 15/02/2007, 09:47
Ở thị trấn Đồng Văn, chiến sỹ Công an đã đưa vợ con lên lập nghiệp, gắn bó với vùng cao nguyên đá. Và còn một thứ tình yêu nữa, tình yêu nam nữ giữa một số chiến sỹ với những người con gái của bản khi các anh xuống với dân.

Tôi đã được xem phim “Chuyện của Pao” để thấy được một Đồng Văn hùng vĩ với những phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Và sau nhiều lần khất hẹn với Đồng Văn, vào những ngày đầu xuân, tôi đã đến tận nơi để thấy được cảnh đẹp hùng vĩ mà tạo hoá đã ban cho vùng đất này, trong cảm giác tự hào của người con đất Việt khi được đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc. Mùa xuân đang ùa đến với những cây hoa đào, hoa mận nở trắng núi rừng...

Thế nhưng, hùng vĩ đấy, mà cũng khắc nghiệt đấy, bởi vùng đất này có đến 98% là núi đá, đồi rừng, địa hình hiểm trở. Quanh năm mây mờ sương phủ kéo dài đến 9 tháng. Từ thị xã Hà Giang, chúng tôi đi từ 5h mà mãi đến gần 12h mới tới thị trấn Đồng Văn. Trời hửng nắng hiếm hoi nhưng gió rét vẫn lồng lộng.

Thượng tá Hoàng Văn Giai, Trưởng Công an huyện Đồng Văn đón chúng tôi ở tận cửa với nét hóm hỉnh ánh trên gương mặt chữ điền cương nghị: “Lâu lâu mới thấy có nữ nhà báo lên với anh em đấy!”. Rất nhiều bài báo, nhiều phóng sự truyền hình đã kể về thành tích của các chiến sỹ Công an huyện Đồng Văn, đơn vị vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới vào năm 2002.

Cả Công an huyện có 72 cán bộ, chiến sỹ, hai phần ba là người miền xuôi và ở các huyện khác của tỉnh Hà Giang. Xa nhất là các anh ở tận Nghệ An, Hải Dương... Việc về thăm nhà, đoàn tụ với vợ con đối với họ tính bằng mùa hoa nở.

Thế nhưng, như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”, trong những chuyến công tác cắm bản, trong những ngày 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân các bản làng, nghĩa tình giữa các cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện với bà con trở nên thắm thiết. Theo Thượng tá Giai, trăn trở nhất của các anh hiện nay là nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới.

Mỗi khi nghe thông tin từ các xã có phụ nữ bị mất tích, nghi bị lừa bán qua biên giới là các anh đau lòng ghê gớm. Bởi ai cũng đã từng cắm bản với dân, họ đều hiểu rằng người phụ nữ trong các gia đình người dân tộc có vai trò lao động trụ cột như thế nào, mất họ gia đình liêu xiêu, con cái đói nheo nhóc... 

Cũng bởi thế nên có chiến sỹ dù có điều kiện trở về một đơn vị khác của Công an tỉnh công tác, nhưng vẫn thiết tha với tình làng nghĩa xóm nơi mình công tác. Nhiều người đã đưa vợ con lên lập nghiệp ở vùng cao nguyên đá nghèo khó nhưng nghĩa tình này. Và còn một thứ tình yêu nữa, tình yêu nam nữ đã nảy nở giữa một số chiến sỹ Công an huyện Đồng Văn với những người con gái của bản khi các anh xuống với dân.

Các thôn bản có nơi cách xa trung tâm xã đến 3 - 4 tiếng đi bộ, nhìn cán bộ miền xuôi mồ hôi nhễ nhại leo chân trần trên những núi đá để vào với bà con, ai cũng cảm động. Anh em mỗi khi vào bản cũng gùi theo vài chục cân gạo nhưng nhiều khi nhìn bà con vất vả, nhất là các cháu nhỏ hay các cụ già lúc ốm thì không đành lòng được, lại đem gạo chia cho mọi người.

Cũng trồng ngô, dỡ hạt với dân, rồi dạy bọn trẻ con học bài, đến từng nhà có mâu thuẫn hoà giải, tập trung mọi người tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phân tích cho mọi người cảnh giác với các thủ đoạn phạm tội của đối tượng hình sự, chính trị...

Có cô giáo xinh đẹp người dân tộc Mông của bản làng Lũng Phìn đã cảm thương anh cán bộ Công an huyện phụ trách xã Nguyễn Văn Chiến cũng bởi những ngày anh cắm bản của cô để giữ bình yên cho người dân...

Cô đã lặng lẽ chăm sóc anh và tình yêu của họ đơm hoa kết trái. Bây giờ quê hương của anh chính là xã Lũng Phìn ở huyện vùng cao khó khăn này.

Còn nhiều nữa những chàng trai trẻ hăng hái lên góp phần giữ bình yên cho các bản làng, tình yêu và hạnh phúc đã mỉm cười với họ. Mỗi lần có đám cưới đậm sự kết hợp quân dân ấy, cả đơn vị vui như Tết.

Mùa xuân của nghĩa tình đã đến trong lòng những người con xa quê và nó mãi mãi ở lại với mọi người dẫu ngày tháng có qua đi và thời tiết có đổi thay

T. Hoà
.
.