Chuyện ở lớp học xoá mù - Trại giam Nam Hà:

Tìm lại mình trên đường phục thiện

Thứ Ba, 18/08/2009, 08:24
Phân trại 2 của Trại giam Nam Hà có một lớp học đặc biệt dành cho những phạm nhân không biết chữ. Việc mở lớp học xóa mù cho phạm nhân là quy định chung đối với tất cả các trại giam, thể hiện sự nhân văn của pháp luật Việt Nam trong việc cải tạo, giáo dục những người lầm lỗi.

Nhưng để duy trì những lớp học như vậy, chính là nhờ trách nhiệm và tâm huyết của cán bộ quản giáo của trại trên con đường đưa những người lầm lỗi trở về nẻo thiện.

Lớp học trong trại giam

Nhận được lá thư gửi từ Trại giam Nam Hà là một bất ngờ lớn đối với những người thân của phạm nhân Nguyễn Xuân Hiền, 67 tuổi, ở Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam, bởi ông Hiền là người hoàn toàn mù chữ. Nhưng người vui nhất là chính ông Hiền. "Nếu không đi tù, chưa chắc tôi đã biết chữ" - ông Hiền tâm sự rất thật lòng.

Không biết chữ, trước khi phạm tội, những công việc liên quan đến giấy tờ, điểm chỉ là cách duy nhất để ông Hiền xác nhận thay chữ ký. Càng có tuổi, ông mới thấy cái thiệt của những người mù chữ thế nào. Thấy người bên cạnh đọc sách báo, ông cũng muốn đọc mà không biết phải làm thế nào. Không phải vùng quê nào cũng quan tâm tới những người không biết chữ như ông. Thuê thầy dạy kèm theo kiểu gia sư thành phố thì không có điều kiện.

Như các phạm nhân khác khi nhập trại, ông Hiền được đưa vào danh sách của lớp học xóa mù trong phân trại. Những ngày đầu học chữ, cầm bút là một cực hình đối với ông. Bàn tay cứng đơ không điều khiển nổi cây bút, những nét chữ được vẽ nguệch ngoạc khiến ông chán nản, nằng nặc xin cán bộ quản giáo đi làm thay cho đi học. Động viên ông cố gắng theo học, những cán bộ quản giáo còn sẵn lòng cầm tay đưa từng nét chữ cho ông. Sự tận tình của những người thầy đã khiến ông xóa bỏ mặc cảm và hứng thú với việc học tập.

Cuối năm lớp một, khi đã đọc và viết thành thạo, ông Hiền run run cầm bút viết thư về cho gia đình. Lá thư đầu tiên dài tới 2 trang với đủ thứ chuyện mà trước đây, chỉ đến kỳ gặp thân nhân ông mới được chia sẻ. Giờ thì rảnh lúc nào, ông lại cắm cúi viết thư về cho con, cho cháu.

Hướng Thiện với vai trò thầy giáo của lớp xoá mù, phạm nhân Trương Đình Trung (ngoài cùng bên phải) đã phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng đặc xá.

Cũng giống như ông Hiền, cái nghèo đói của nông thôn một thời đã khiến phạm nhân Nguyễn Mậu Sinh 46 tuổi nhưng một chữ bẻ đôi không biết. Thế nên khi vào tù, ông Sinh không được biết đến niềm vui nhận thư của người thân như những người bạn tù khác.

Vào trại từ năm 2005, đến nay vừa đúng thời gian Nguyễn Mậu Sinh tốt nghiệp lớp 5. Đầu tháng 9 này, ông sẽ được nhận chứng chỉ phổ cập tiểu học của Phòng Giáo dục huyện Kim Bảng. Không giấu được niềm vui, Nguyễn Mậu Sinh phấn khởi cho biết, lúc chưa biết chữ, học nội quy của trại rất khó khăn vì phải học theo kiểu truyền miệng, trong khi bảng nội quy treo khắp nơi. Giờ biết chữ, được đọc sách báo tại nhà văn hóa giúp ông hiểu biết thêm về pháp luật. "Có thể, nếu biết chữ, chưa chắc tôi đã phạm tội" - Nguyễn Mậu Sinh bày tỏ sự ân hận, luyến tiếc. Nhưng dù sao, ông cũng rất vui vì có thể tự tay viết thư thông báo tình hình, hỏi chuyện học hành của con cái.

Lá thư đầu tiên gửi về nhà, vợ và các con của ông cứ tưởng nhờ người khác viết hộ. Hôm lên thăm, trực tiếp thấy chồng cầm bút viết những dòng yêu thương, vợ ông cảm động đến rơi nước mắt.

Trung tá Nguyễn Thế Hòa - Tổ trưởng Tổ giáo dục phân trại 2 Trại giam Nam Hà cho biết: Từ trước những năm 1993, những lớp học xóa mù cho phạm nhân do trại tự tổ chức. Sau năm 1993, khi Pháp lệnh thi hành án phạt tù được ban hành, các trại giam đều phối hợp với ngành Giáo dục địa phương trong việc tổ chức các lớp học theo chương trình giáo án xóa mù. Học sinh được học từ lớp 1 đến lớp 5, bài thi tốt nghiệp sẽ được gửi tới Phòng Giáo dục huyện để chấm điểm và cấp chứng chỉ phổ cập tiểu học bổ túc đối với những học sinh lớp 5. Trung bình hàng năm, Trại giam Nam Hà tổ chức cho khoảng 150 phạm nhân học lớp xóa mù. Khi phạm nhân có trình độ văn hóa, việc giáo dục họ sẽ nhàn đi rất nhiều.

"Thầy giáo" bất đắc dĩ và niềm vui đặc xá

Người có công dạy chữ cho những phạm nhân không biết chữ tại Phân trại 2 này, cũng là một phạm nhân đặc biệt. Đó là Trương Đình Trung, 5 tuổi, từng bị kết án tù chung thân về hành vi sát hại vợ. Do có trình độ văn hóa đại học, có năng khiếu sư phạm, quá trình cải tạo tại Trại giam Nam Hà, Trương Đình Trung đã được lựa chọn để dạy cho các phạm nhân lớp xóa mù. Hiểu được đây là cơ hội tốt để phấn đấu trên con đường về đầy gian nan, Trương Đình Trung đã làm tốt nhiệm vụ của mình, kiên trì, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo những người bạn tù trên hành trình đến với ánh sáng văn hóa. Cầm tay chỉ bảo cho họ từng nét chữ, uốn từng cách phát âm cho chuẩn, công việc của một người thầy giáo đã giúp cho anh tìm được niềm vui, hạnh phúc và hơn cả là niềm tin vào cuộc sống.

Gặp phạm nhân Trương Đình Trung trên vị trí bục giảng của lớp học xóa mù, không ai nghĩ rằng trong quá khứ, người đàn ông ấy từng phạm tội ác tày trời như vậy. Là cán bộ Phòng kinh doanh Đài truyền hình Việt Nam, năm 1980, Trương Đình Trung kết hôn cùng chị Nguyễn Thanh M, cán bộ ngân hàng. Kinh tế tương đối vững, cùng với 2 đứa con đủ nếp đủ tẻ, gia đình của Trương Đình Trung là niềm mơ ước của bao người. Nhưng năm 1992, bi kịch bắt đầu len lỏi vào mái ấm ấy.

Nghi ngờ vợ có quan hệ ngoại tình và lập hồ sơ giả để lấy tiền sử dụng cá nhân, người đàn ông này đã sử dụng vũ lực đối với vợ. Cuối cùng, những đứa con cũng không níu kéo được cuộc hôn nhân của bố mẹ chúng, đầu năm 1996, chị M làm đơn xin ly hôn và ra ở riêng. Vẫn còn yêu vợ, trong hơn 1 năm ly thân, Trương Đình Trung đã nhờ một số người họ hàng khuyên giải để chị M quay về. Nhưng ngày chị M chấp nhận về nhà với chồng con lại là ngày bi kịch xảy ra. Trong cơn ghen mù quáng, Trương Đình Trung đã dùng dao giết chết vợ rồi cắt tay tự sát nhưng được mọi người phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu.

Vào trại với bản án tù chung thân, do cải tạo tốt, năm 2007, Trương Đình Trung được giảm án xuống 20 năm và đợt đặc xá 2/9 này, Trung có tên trong danh sách được xét đề nghị đặc xá bởi quá trình cải tạo tốt, có anh trai Trương Đình Dung là liệt sĩ hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam.

Trong cuộc trò chuyện với phạm nhân Trương Đình Trung, tôi không muốn chạm vào quá khứ của người đàn ông này bởi như vậy sẽ gợi lại ký ức tội ác mà 13 năm, Trương Đình Trung đã phải trả giá và chắc hẳn, bản thân Trung cũng muốn chôn vùi quá khứ ấy. Chúng tôi chỉ nói chuyện về tương lai và những đứa con của Trương Đình Trung. Nhắc đến con cái, trong mắt của Trương Đình Trung ánh lên niềm vui, nhưng cũng day dứt bởi đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha.

Ngày Trương Đình Trung vào trại giam, đứa con gái lớn mới 13 tuổi, con trai chưa đầy 10 tuổi. Sau bi kịch gia đình, 2 đứa con của Trương Đình Trung về ở với chú ruột tại khu tập thể Dệt 8-3 phường Quỳnh Mai. Vắng cha, mất mẹ, nhưng điều may mắn đối với Trương Đình Trung là 2 con của anh đều ngoan ngoãn. Con gái lớn 21 tuổi hiện là sinh viên ĐH Quản trị kinh doanh, con trai đang học cấp 3. Với Trương Đình Trung, những đứa con là tài sản vô giá, là nguồn sống giúp anh cải tạo, phấn đấu để rút ngắn đường về hôm nay.

Trương Đình Trung cho biết, khi thấy tên mình trong danh sách được đề nghị đặc xá, đối với anh như một giấc mơ. Tương lai gần khi ra tù, anh sẽ cố gắng kiếm một công việc phù hợp với bản thân để làm chỗ dựa cho các con, bù đắp phần nào những thiệt thòi chúng phải gánh chịu.

Trong hồ sơ xét đề nghị đặc xá của Trương Đình Trung, tôi lặng đi trước những dòng chữ của cô con gái Trương Thị Thanh T tha thiết đề nghị cơ quan chức năng xem xét cho người cha được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, để cha con đoàn tụ. Khi viết ra những dòng chữ này, hẳn con gái anh đã tha thứ cho tội lỗi của bố. Sự tha thứ ấy, giống như trận mưa gột rửa những bụi bặm trần gian trong tâm hồn người cha. Và tôi tin, khi được trở về, Trương Đình Trung sẽ là một người cha tốt

H.Vũ
.
.