Thực hiện cơ chế một cửa để dân bớt phiền

Thứ Bảy, 14/02/2009, 16:26
Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ký kết Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA về cấp phiếu lý lịch tư pháp, tới nay đã thực hiện được 9 năm. Qua 9 năm thực hiện, Bộ Công an đã tổng kết đánh giá để có cơ sở thực tiễn báo cáo Chính phủ về Dự án Luật lý lịch tư pháp.

Nhiều bài học và những kinh nghiệm cụ thể đã được rút ra để phù hợp với tình hình và yêu cầu cải cách hành chính hiện nay theo hướng một cửa, bớt những phiền hà không cần thiết cho người dân và mục đích chính là hiệu quả công việc. Những kết quả và đề xuất của Bộ Công an ngày 11/2, trình lên Chính phủ là cần thực hiện theo cơ chế một cửa.

Xử lý 629.479 hồ sơ qua 9 năm thực hiện

Để có một bản lý lịch tư pháp (LLTP) nằm trong hồ sơ cho việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, anh Văn Hùng Đức, ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã phải tới Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An để nộp hồ sơ, nộp lệ phí và chờ đợi tới ngày có kết quả.

Sau đó, mọi thứ giấy tờ có liên quan tới công dân này đều được Sở Tư pháp chuyển tới cơ quan Công an (cụ thể là Phòng PV27) để xác minh. Vậy là, anh Đức đành phải chờ và cơ quan tư pháp cũng phải chờ đợi Công an xác minh, tra cứu kết quả trả cho người dân. Như vậy, tốn thời gian quá.

Vì Sở Tư pháp cấp phiếu LLTP nhưng họ không quản lý, lưu trữ các thông tin, tài liệu về tình trạng tiền án, thông tin, lai lịch của công dân để làm cơ sở cho việc cấp phiếu LLTP, mà họ chỉ làm chức năng tiếp nhận hồ sơ, thu lệ phí và trả kết quả, là xong. Trong khi đó, từ khi nhận được hồ sơ của anh Đức từ Sở Tư pháp gửi đến, cán bộ Công an làm công tác hồ sơ đã phải "vắt chân lên cổ" để làm việc.

Qua tra cứu đã phát hiện ra Văn Hùng Đức khai sai 10 tuổi so với CMND; năm 1998 bị Công an huyện Nam Đàn bắt về tội đánh bạc. Qua kiểm tra vân tay giữa CMND và hồ sơ lưu tại tàng thư  xác định Đức đã dùng CMND giả để làm thủ tục cấp phiếu LLTP.

Vụ việc này được chuyển tới cơ quan điều tra xác minh, kết quả đã phát hiện đường dây làm CMND giả. Từ tra cứu yêu cầu cấp LLTP của Văn Hùng Đức, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện được nhiều đối tượng vi phạm khác đang tìm cách lẩn trốn, hoặc thay tên đổi họ để ra nước ngoài.

Qua 9 năm thực hiện, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) trong toàn quốc đã tiếp nhận từ Sở Tư pháp 629.479 hồ sơ cần xác minh LLTP, với các mục đích: xuất khẩu lao động, hôn nhân, đi du lịch nước ngoài, du học, thăm thân, thành lập công ty v.v… Nhu cầu này tập trung ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài. Kết quả tra cứu, cung cấp thông tin đã có 66.378 trường hợp cư trú ở nhiều nơi, đã phát hiện 472 trường hợp có tiền án, tiền sự, có đối tượng đang nằm trong chuyên án điều tra, bị khởi tố tại ngoại nên không cấp. Có 36 truờng hợp tráo người xin cấp, 228 trường hợp khai man lý lịch v.v…

Để có  thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu cấp phiếu LLTP, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an các địa phương phải tra cứu  qua tất cả các hệ thống hồ sơ, tàng thư, cơ sở dữ liệu đang quản lý tại đơn vị. Tuy nhiên, do số lượng yêu cầu về LLTP không nhiều (khoảng 3%) so với yêu cầu phục vụ điều tra, tố tụng nên hầu hết Công an các địa phương chỉ bố trí cán bộ bán chuyên trách. Cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác không được tăng cường, chế độ kinh phí còn quá ít ỏi, không đủ chi phí để tiếp nhận hồ sơ và tra cứu. Vậy mà suốt 9 năm qua, các yêu cầu phục vụ cấp phiếu LLTP vẫn được trả lời kịp thời, chưa để xảy ra sai sót và không gây phiền hà cho công dân.

Những trường hợp cần phải phối hợp tra cứu, xác minh qua hệ thống hồ sơ, tàng thư, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của Cục Hồ sơ Cảnh sát và các địa phương khác được thực hiện nghiêm túc, không để sót lọt đối tượng và phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý kịp thời.

Thông tin, tài liệu do cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cung cấp là cơ sở pháp lý để các Sở Tư pháp làm căn cứ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, góp phần tích cực làm trong sạch môi trường xuất khẩu lao động, hạn chế "xuất khẩu tội phạm" ra nước ngoài, đặc biệt là tội phạm ma tuý, tội phạm hình sự, đối tượng thay tên đổi họ xuất cảnh trốn tránh pháp luật…

Qua đó khẳng định vị trí, tác dụng và giá trị nhiều mặt của hệ thống hồ sơ, tàng thư, cơ sở dữ liệu (CSDL) nghiệp vụ do cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ quản lý phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Cần có cơ chế một cửa

Hiện nay các Sở Tư pháp trong toàn quốc không quản lý, lưu trữ thông tin, tài liệu và CSDL về tình trạng tiền án, tiền sự và căn cước (vân tay, lai lịch, án tích…) của công dân để làm cơ sở khoa học cho việc cấp phiếu LLTP. Họ chỉ làm chức năng tiếp nhận hồ sơ, thu lệ phí và tập hợp kết quả của cơ quan Công an cung cấp để sau đó thực hiện cấp phiếu LLTP (thủ tục hành chính).

Trong khi đó, lực lượng Công an, trực tiếp là cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đang quản lý, lưu giữ các thông tin, tài liệu trên và phải thực hiện một khối  lượng lớn công việc để cung cấp thông tin về tình trạng tiền án, tiền sự lại chưa được bổ sung biên chế và trang cấp vật tư, phương tiện, cơ sở vật chất nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Tra cứu tàng thư căn cước can phạm phục vụ xác minh cấp phiếu LLTP.

Cách làm như trên, qua nhiều khâu trung gian cần được điều chỉnh kịp thời để không ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của công dân, Nhà nước, tổ chức xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều trường hợp nội dung kê khai các hạng mục trong đơn xin cấp LLTP của người dân chưa đầy đủ thông tin như số CMND, nơi cấp, ngày tháng năm cấp CMND, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và quá trình cư trú, mục đích sử dụng phiếu LLTP.

Đặc biệt, việc photo vân tay ngón trỏ in trên giấy CMND quá mờ, không đủ cơ sở để  so sánh, xác định… đến khi Phòng Hồ sơ nghiệp vụ tiến hành tra cứu mới phát hiện, yêu cầu bổ sung nên thường bị chậm. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do cán bộ Sở Tư pháp khi tiếp nhận hồ sơ  không có kiến thức nghiệp vụ về căn cước và chế tài quản lý như "cam đoan về lời khai" của công dân hoặc xác nhận của chính quyền cơ sở nơi họ đăng ký hộ khẩu thường trú. Cá biệt, có nhiều trường hợp chuyển hồ sơ xác minh sang Công an không đúng thời gian quy định.

Việc phối hợp tra cứu cung cấp thông tin, tài liệu đối với những trường hợp cư trú, thường trú ở nhiều nơi chưa đáp ứng thời gian quy định. Nguyên nhân quy định thời gian tra cứu đối với những trường hợp này được kéo dài thêm 10 ngày là chưa phù hợp. Vì khâu trung chuyển hồ sơ qua giao liên Bộ Công an, nhất là đối với các địa phương xa.

Mặt khác, có những trường hợp phức tạp, mất nhiều thời gian để xác minh, kết luận. Những trường hợp phát hiện tráo người làm CMND, khai sai lý lịch để xin cấp phiếu LLTP chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức xử lý (trừ những trường hợp có liên quan về hình sự).

Trong thực tiễn, cơ quan Công an là đơn vị phát hiện nhưng Sở Tư pháp là đầu mối tiếp công dân (nhận đơn và trả kết quả). Đến nay, hai ngành vẫn chưa có quy định phối hợp  và trách nhiệm đơn vị xử lý nên tình trạng trên chưa khắc phục được.

Từ những kinh nghiệm thực tế qua 9 năm thực hiện Thông tư liên tịch, Bộ Công an kiến nghị cần bổ sung sửa đổi một số nội dung trong Thông tư liên tịch cho phù hợp với tình hình và yêu cầu cải cách hành chính hiện nay theo hướng một cửa.

Cơ quan Công an, trực tiếp là Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an các tỉnh, thành phố trên CSDL hiện có về tàng thư căn cước can phạm, tàng thư căn cước công dân và hồ sơ lưu trữ xây dựng và quản lý CSDL lý lịch tư pháp nên  trực tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu LLTP cho công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có nhu cầu là rất phù hợp

Kim Quý
.
.