Thiếu tá An ninh và chuyện bóc trần những “hợp đồng ma”

Thứ Hai, 14/11/2016, 08:12
Những năm tháng làm trinh sát ở một đơn vị nghiệp vụ đặc thù của Công an Hà Nội đã giúp Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc có được sự thận trọng, bền bỉ và khả năng ứng biến nhanh với các tình huống xảy ra...

Khi trở thành cán bộ Đội 4, Phòng An ninh điều tra (ANĐT), Công an TP Hà Nội, anh đã phát huy được các sở trường của mình. Những vụ án được giao, Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc đều tham gia tích cực, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, góp phần vào thành tích của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những pha rượt bắt tội phạm ngoạn mục, câu chuyện về lần đấu trí căng thẳng với các đối tượng phạm tội qua lời kể của Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc giúp chúng tôi phần nào hiểu được công việc của người chiến sỹ an ninh ở một địa bàn trọng điểm. Một trong số đó là vụ án Lê Quý Hiển, nguyên Giám đốc Chi nhánh HD Bank Thăng Long cùng đồng phạm can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc nhớ lại: Vụ án bắt nguồn từ đơn tố giác của một ngân hàng gửi đến cơ quan ANĐT, tố giác Hiển đã ký, phát hành 8 chứng thư bảo lãnh thanh toán cho các doanh nghiệp với tổng giá trị trên 139 tỷ đồng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vào thời điểm đó, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với người cán bộ được giao thụ lý vụ án. Để đáp ứng yêu cầu công việc, những ngày đó, anh tích cực tìm hiểu tài liệu về lĩnh vực ngân hàng, các khái niệm như chứng từ, kế toán quỹ rồi tài khoản...

Những kiến thức mới mẻ dần trở nên lôi cuốn người điều tra viên say nghề. Trải qua những đêm dài trăn trở cùng với quá trình tỷ mỷ thu thập chứng cứ, anh cùng đồng đội đã vạch trần thủ đoạn của Hiển bằng việc tạo dựng hợp đồng giả tạo để che đậy quan hệ cho vay tài chính, gây thất thoát tài sản Nhà nước... Từ căn cứ này, cơ quan ANĐT, Công an TP Hà Nội đã có căn cứ bắt giữ Hiển về tội giả mạo trong công tác.

Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc.

Sau khi đối tượng Hiển bị bắt truy nã, anh đồng thời tiếp nhận hồ sơ vụ án hình sự Phạm Ngọc Nam do cơ quan ANĐT Bộ Công an chuyển đến để nhập vào vụ án Lê Quý Hiển. Khi tiến hành điều tra mở rộng, anh đã trực tiếp đấu tranh với Hiển và các đối tượng có liên quan.

Quá trình dày công thu thập tài liệu, người điều tra viên đã làm rõ chân tướng của vụ việc và thay đổi quyết định điều tra với đối tượng này sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời khởi tố thêm 3 bị can là Đỗ Thị Trang, Lê Văn Sơn và Nguyễn Đăng Phương, cùng trú tại Hà Nội.

Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc chia sẻ, trong quá trình điều tra vụ án, anh và đồng đội phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là quan điểm của các cơ quan tố tụng, ban đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Song bằng những lập luận xác đáng, anh và tổ án đã có căn cứ chứng minh được quan điểm của cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội.

Rồi kế đó là thủ đoạn đối phó tinh vi của các bị can trong vụ án nhằm che giấu hành vi phạm tội, đơn cử như trường hợp của đối tượng Lê Văn Sơn, nguyên Phó phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp (Hadico), một kẻ có trình độ học vấn, từng là cán bộ nhà nước và có nhiều mối quan hệ phức tạp...

Khi bị bắt giữ, đối tượng khai báo quanh co, không hợp tác với cơ quan điều tra. Nhưng với sự tỷ mỷ, thận trọng, anh đã tìm ra các chứng cứ, tác động về tâm lý khiến đối tượng dần chuyển biến về thái độ khai báo.

Qua đó đã tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án, xử lý triệt để số đối tượng có liên quan. Quá trình mở rộng, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã có đủ chứng cứ, khởi tố bị can, bắt tạm giam với các đối tượng khác trong vụ án.

Trước khi trở thành điều tra viên của Phòng ANĐT, Công an TP Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Thế Bắc từng công tác tại một đơn vị trinh sát thuộc Công an TP. Nếu công tác trinh sát đòi hỏi một áp lực lớn, không để lọt đối tượng, kịp thời phát hiện hành vi phạm tội của đối tượng để ngăn chặn thì công tác điều tra lại đòi hỏi sự tỷ mỷ thận trọng.

Anh giãi bày: Công tác trinh sát là biện pháp bí mật thì điều tra lại là sự công khai. Lực lượng trinh sát qua công tác nghiệp vụ phát hiện tội phạm thì điều tra viên lại bằng quá trình hỏi cung, lấy lời khai và thu thập chứng cứ. Song chính quãng thời gian lăn lộn ở địa bàn đã giúp anh có được sự tinh tế trong nắm bắt tâm lý của tội phạm. Cùng với sự dìu dắt của lớp thế hệ cán bộ đi trước, Thiếu tá Bắc nhanh chóng trưởng thành trong công việc rồi được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao phó nhiều vụ án phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức.

Vụ án Nguyễn Thanh Hà lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một điển hình. Vụ việc bắt nguồn từ đơn của ông Phạm Tiến Tạo và Lê Chính Đại (cùng trú tại Hà Nội) gửi đến cơ quan ANĐT, tố cáo việc Hà sử dụng giấy tờ giả mạo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội...

Vào thời điểm đó, giao dịch thương mạng quốc tế vẫn là một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, trong khi nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp là rất lớn. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp, kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước, dưới danh nghĩa Giám đốc Công ty TNHH Thành Hà, đối tượng đã sử dụng các tài liệu giả về 3 dự án, thông qua mối quan hệ, gặp gỡ, tiếp xúc với các cá nhân, doanh nghiệp đang có nhu cầu cần vốn đầu tư để lôi kéo, thuyết phục họ tham gia vào dự án mà Hà đang thực hiện.

Khi tiếp xúc, Hà giới thiệu từng lá cán bộ Bộ Ngoại giao, thể hiện anh ta có mối liên hệ thường xuyên với các đối tác, quan chức nước ngoài, liên quan đến dự án đang thực hiện bằng việc gọi điện thoại di động trao đổi bằng tiếng Anh. Trong vụ án này, để xác minh, kết luận tài liệu này rất khó khăn, anh phải tìm hiểu qua rất nhiều nguồn tài liệu rồi phối hợp với các thông tin của Interpol để phá án.

Môi trường công tác là địa bàn nóng bỏng, trung tâm của cả nước, một sai sót dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị... Vì thế, ngoài công tác chuyên môn, người trinh sát trẻ ấy vẫn thường xuyên học hỏi, mong đóng góp được nhiều hơn nữa vào sự bình yên của thành phố.

Xuân Mai
.
.