Thắng trong cuộc chiến có nhiều cạm bẫy

Chủ Nhật, 15/01/2006, 06:53

Ít ai biết rằng, đằng sau niềm vui, niềm vinh dự tự hào khi hàng trăm vụ án kinh tế lớn "nổi đình nổi đám" được khám phá, thu về cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng là những tháng ngày gian khó. Các cán bộ, chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Bộ Công an - đã phải "vượt qua chính mình", không gục ngã bởi những "viên đạn bọc đường".

Sau cú điện thoại, tôi đã có mặt tại phòng làm việc của Đại tá Nguyễn Tiến Lực, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV. “Hôm nay anh Bình (Đại tá Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV) đang dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 61 ở Đà Nẵng nên tôi bị "bắt cóc" đấy nhé!". Nói xong, anh đưa cho tôi xem một bản báo cáo năm đầy ắp những con số và những vụ án kinh tế điển hình của năm 2005. Từ vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và buôn bán hàng giả gây thiệt hại khoảng 185 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Điện lực Tp.HCM; đến vụ Nguyễn Đức Chi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt trên 100 tỷ đồng, vụ cố ý làm trái, tham ô xảy ra tại Bưu điện hai tỉnh Hà Tây và Nghệ An gây thiệt hại 16 tỷ đồng… Qua một năm nỗ lực phấn đấu, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã khám phá  hơn 100 vụ án lớn gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước.
- Khám phá án kinh tế có bị vướng "lực cản" nhiều không anh?
- Không dễ chút nào, đặc biệt là ở địa phương. Có tỉnh "vướng" lắm, không làm được, không phải vì trình độ của anh em kém cỏi mà vì cơ chế và "mối quan hệ". Muốn tìm ra tội phạm thì trinh sát phải đến các doanh nghiệp và khi phát hiện ra các vụ phạm tội, nhất là tham nhũng thì không phải lúc nào cũng khởi tố được. Có tỉnh cả năm chỉ khởi tố được vài vụ án kinh tế, vì ngay cả một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh đó cũng ngại đụng chạm.
- Ở Cục thì thế nào, thưa anh?
- Những khó khăn như thế ít hơn. Cũng có những ý kiến vào ra đấy nhưng khi gặp vướng mắc là chúng tôi báo cáo Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an ngay. Lãnh đạo Bộ chỉ đạo rất nghiêm túc và kịp thời, có khó khăn là được tháo gỡ. Tôi lấy ví dụ, gần đây, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV bắt đối tượng là cháu của một cán bộ cao cấp trong một vụ án kinh tế làm thất thoát gần 20 tỷ đồng. Khi thấy mình bị khởi tố, đối tượng đã tìm đến một số người thân quen với ông nội mình trước kia để cầu cứu. Nhưng các cơ quan chức năng đã họp thống nhất đường lối xử lý đúng người, đúng tội. Nếu gỡ được những khó khăn kiểu này thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ có hiệu quả hơn.

Cũng có điều đáng nói là hiện nay việc quy định của luật pháp cũng còn chỗ chưa đồng bộ nên có những vụ án kinh tế xử theo nhiều hướng khác nhau, nhất là tội phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Gần đây là vụ xây dựng nhà máy đường ở Trà Vinh. Tội phạm đã lấy mấy trăm triệu đồng bỏ túi nhưng theo luật pháp hiện hành công trình chưa quyết toán nên… chưa truy tố được! Tiếp đến là công trình Nhà hát Lớn ở Hà Nội gây thất thoát nhiều tỉ đồng, công trình đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay nhưng cũng… chưa được quyết toán.

Cán bộ, chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đọc lệnh bắt, khám xét nơi làm việc của một giám đốc có hành vi vi phạm.

Một trong những khó khăn mà lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV phải đối mặt hiện nay là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tinh vi. Lợi dụng những sơ hở trong quản lý, lợi dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, bằng các thao tác nghiệp vụ, một số đối tượng thoái hoá biến chất đã dùng mọi thủ đoạn để rút tiền quỹ đi đánh bạc, chơi số đề, cá độ bóng đá. Tội phạm đã lợi dụng công nghệ thông tin đột nhập vào hệ thống thanh toán, tạo ra các lệnh chuyển tiền khống để rút tiền Nhà nước… Điều lo lắng nhất là khâu quản lý cán bộ, đó là một thách thức, bởi bọn tội phạm luôn tìm cách để mua chuộc.

Trong vụ án Nguyễn Đức Chi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt trên 100 tỷ đồng, đối tượng đã đánh tiếng rằng hãy cứ "tạo điều kiện" hoặc lờ đi thì sẽ có hậu tạ xứng đáng. Khi biết không thể "mua được", anh ta tạo thế lực để ép và dọa dẫm trắng trợn rằng sẽ "thanh toán" cả Phòng 5. Thậm chí, anh ta còn nhắn tin vào máy của một đồng chí lãnh đạo rằng nếu cố tình phanh phui vụ án này thì sẽ bị "rơi sao, mất chức" trước khi vụ án được làm sáng tỏ. Ở Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, chuyện cán bộ bị đe dọa là chuyện thường xuyên, nhưng năm qua, ở đơn vị đã có hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ không nhận hối lộ.

Nói về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Đại tá Nguyễn Tiến Lực tâm sự: "Bên cạnh những đồng chí có cuộc sống ổn định cũng còn nhiều người gặp khó khăn vất vả, có đồng chí sắp nghỉ hưu nhưng vẫn ở nhà tập thể chật chội... Tuy vậy, anh em vẫn sống vui vẻ, đạm bạc và trong sáng, không gục ngã bởi những "viên đạn bọc đường". Để đạt được điều đó thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải thường xuyên, cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu và có tâm thì mới quản lý được cán bộ, chiến sĩ. Lo lắng nhất của chúng tôi là nhiệm vụ chính trị được giao rất nặng nề mà sức thì… có hạn. Có những vụ án phải làm quên giờ giấc, nhiều đêm phải thức trắng suy nghĩ về việc bắt giam một con người. Nhiệm vụ của đơn vị là còn phải tập trung phòng ngừa tội phạm chứ không phải bắt người là xong. Cả năm 2005, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã phát hiện 219 vụ, thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ đồng; khởi tố 260 bị can, trong đó có nhiều người là giám đốc, tổng giám đốc nhưng không có trường hợp nào oan sai, đó cũng là một thắng lợi lớn".

Trong cuộc chiến chống tội phạm kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đã vượt qua những cạm bẫy để chiến thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó

Kim Quý
.
.