Cụm điệp báo A10:

Thầm lặng những chiến công

Thứ Năm, 28/04/2005, 06:49
Từ nhiều năm nay, cứ gần kỷ niệm chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, các cán bộ, chiến sĩ điệp báo A10 lại gặp nhau, cùng nhau ôn lại những năm tháng hoạt động bí mật nhưng sôi nổi, nguy hiểm nhưng không hề nao núng, sờn lòng. Ai cũng cảm thấy tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 8 năm 1972, cuộc tiến công và nổi dậy trên cả nước giành được thắng lợi quan trọng, buộc Mỹ phải đi vào chuẩn bị ký Hiệp định Paris. Tuy nhiên, Mỹ rất ngoan cố tăng cường chiến tranh ác liệt.

Trước tình hình đó, Ban An ninh T4 (tiền thân của Công an thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) tăng cường công tác điệp báo trong vùng đô thị và các lực lượng ngụỵ quân, ngụỵ quyền Sài Gòn. Một số cụm điệp báo mới được thành lập. Trong đó có Cụm điệp báo mang bí số A10 đã có nhiều hoạt động và lập được những chiến công nổi bật, góp phần tích cực vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Mùa Xuân năm 1975.

Lực lượng ban đầu của Cụm A10 có các đồng chí Mười  Thắng, Hai Phương, Năm Quang, Ba Hoàng. Hầu hết các đồng chí này xuất thân từ phong trào đô thị, được An ninh T4 tuyển chọn. Có đồng chí  đã được cài vào quân đội ngụy trong vai là bác sĩ quân y như đồng chí Năm Quang. Giao liên chính của Cụm A10 là Má Bảy, một đảng viên kiên trung và hai nữ giao liên khác.

Các đồng chí Trần Quốc Hương và Lê Thanh Vân trực tiếp giao nhiệm vụ cho Cụm A10. Đồng chí Mười Thắng được phân công làm Cụm trưởng. Ba đồng chí khác là Hai Phương,  Năm Quang và Ba Hoàng làm Cụm phó và trực tiếp phụ trách các nhóm gọi là F1, F2 và F3.  Nhận nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Mười Thắng nghĩ ngay đến đồng chí Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) nguyên là cán bộ an ninh thuộc Liên quận 3 của An ninh T4 sau Tết Mậu Thân 1968 bị đứt liên lạc. Sau khi được đồng chí Mười Thắng giới thiệu, các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh T4 quyết định cho móc nối liên lạc với đồng chí Huỳnh Bá Thành để giao nhiệm vụ mới trong Cụm A10.

Nhiệm vụ chung  của Cụm điệp báo A10 là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật nhằm phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược và công tác tấn công chính trị. Cụm A10 còn có nhiệm vụ thu thập chính xác, kịp thời các tin tức tình hình, âm mưu, ý đồ, tổ chức của địch và đặc biệt là nhóm Dương Văn Minh để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ở đô thị.

Dưới  sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, Cụm A10 được giao tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ tấn công chính trị nhằm góp phần làm tan rã về tư tưởng, tổ chức bộ máy kìm kẹp của Mỹ, ngụỵ, phân hoá nội bộ địch, tác động và gây ảnh hưởng thực sự đối với các nhân vật chính trị có khả năng là con bài của Mỹ, chi phối một vài tờ báo.

Lót  ổ

Từ tháng 1/1973 đến tháng 1/1975, Cụm điệp báo A10 đã xây dựng được trên 39 cơ sở đầu mối nằm trong bộ máy cầm quyền của địch, có điều kiện tiếp cận các nguồn tin bí mật, tiếp cận các nhân vật, con bài chính trị của Mỹ, Cụm A10 còn xây dựng được mạng lưới giao liên nội đô gồm những quần chúng yêu nước vừa phục vụ công tác ngoại vi vừa làm công tác nắm tình hình cơ sở vừa bố trí hình thành theo lõm căn cứ dọc trục đường chiến lược như Cách mạng Tháng Tám nối liền từ căn cứ Củ Chi, Gò Dầu, Trảng Bàng, Long Khánh sẵn sàng phất cờ nổi dậy.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sâu sát của Thành ủy và Ban An ninh T4, Cụm A10 đã nỗ lực hoạt động góp phần cùng với các lực lượng khác giúp cấp trên nhận định chính xác mọi diễn biến về âm mưu thủ đoạn của Mỹ, ngụỵ, khả năng diễn biến của tình hình, sự phân hoá lực lượng trong nội bộ kẻ thù.

Cuối tháng 1/1974, Thành ủy chủ trương với những khẩu hiệu trung tâm là hòa bình, độc lập dân chủ cải thiện dân sinh ở nội thành, đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong đô thị. Dưới sự chỉ đạo của Ban An ninh Sài Gòn - Gia định, Cụm A10 đã thực hiện những động thái tấn công chính trị như: Kích động lực lượng cực hữu chống Thiệu quyết liệt; tạo điều kiện cho quần chúng đấu tranh; thúc bọn này và Thiệu xâu xé lẫn nhau, làm Mỹ không chủ động được trong kế hoạch thay Thiệu.

Vào tháng 6/1974, Cụm A10 nhận được tin từ một cơ sở trong chính phủ Sài Gòn báo cáo tại Mỹ do phân hoá về chiến lược trong nội bộ Quốc hội Mỹ không thể viện trợ kinh tế, quân sự cho ngụỵ. Bị cắt viện trợ, Thiệu tuy còn ngoan cố nhưng cực kỳ suy yếu về chính trị, kinh tế quân sự, quân đội, cảnh sát ngụỵ tan rã nhanh chóng… Những tin này do các cơ sở hoặc cán bộ của Cụm A10 cung cấp. Sau khi nhận được tin tức trên, đồng chí Ba Hoàng đã vào căn cứ báo cáo trực tiếp với đồng chí Trần Quốc Hương.

Một dạng báo cáo về tình hình chính trị, quân sự của Mỹ, ngụy mà Cụm A10 thực hiện là thông qua ngòi bút ký họa sắc sảo của đồng chí Huỳnh Bá Thành được in trên tờ Điện Tín, nơi anh làm Tổng Thư ký Tòa soạn. Đồng chí Huỳnh Bá Thành còn viết ký sự nhân vật với phong cách riêng, độc đáo, cô đọng nhưng súc tích. Đó chính là tài liệu về thân thế, quan điểm chính trị và tiểu sử các nhân vật chính trị ở đô thị miền Nam vừa giúp ta nắm chắc hồ sơ, vừa tác động phân hóa, tranh thủ cô lập về chính trị các đối tượng trung hữu và cực hữu.

Ngày 22/9/1974, Mỹ-Thiệu vạch ra "Kế hoạch Sao Chổi". Kế hoạch chưa thực hiện thì cơ sở mật của Cụm A10 đã lấy được. Đồng chí Huỳnh Bá Thành lột trần "Kế hoạch Sao Chổi" trước dư luận gây nên làn sóng căm phẫn lan tràn. Tập đoàn Thiệu hết sức bối rối.

Bên cạnh đó là phong trào đấu tranh của báo chí tập hợp cả  ký giả lẫn chủ báo có cán bộ Cụm A10. Ngày 10/10/1974, lực lượng báo chí cùng các lực lượng chính trị bên trên do Thành ủy chỉ đạo kết hợp với đông đảo quần chúng tổ chức cuộc diễn tập chính trị, mở đầu là ngày "Ký giả ăn mày". Hàng trăm ký giả mang bị, gậy xuống đường từ Câu lạc bộ báo chí tại công trường Lam Sơn đến chợ Bến Thành với khẩu hiệu: "Còn Thiệu còn chiến tranh". Các hãng thông tấn nước ngoài cho đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong 9 năm cầm quyền của Thiệu. (Còn nữa)

Nguyễn Khắc Đức (Viết theo lịch sử CATP Hồ Chí Minh và tư liệu của Cụm điệp báo A10)
.
.