Công an Nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Sáng ngời tấm gương Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm

Thứ Sáu, 29/01/2010, 08:05

Mảnh đất Thái Bình đã có biết bao người con ngã xuống trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Liệt sĩ Công an Phan Văn Viêm là một người con ưu tú, ông đã sống và chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng. Tên ông còn sống mãi với thời gian và với các thế hệ con cháu mai sau.

"Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, liệt sĩ Phan Văn Viêm, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một lòng theo Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Đồng chí thực sự là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND". Đó là những đánh giá thành tích cống hiến được ghi trong cuốn "Những đơn vị, cá nhân anh hùng Công an nhân dân" về Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm, người con của quê lúa Thái Bình, không tiếc máu xương hy sinh vì Tổ quốc.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Ngày ông lên đường vào Nam chiến đấu, để lại hậu phương là người mẹ già mù lòa, người vợ trẻ có bệnh cùng 4 đứa con bé nhỏ. Nhưng Tổ quốc gọi, ông sẵn sàng hành quân ra tiền tuyến, dẫu biết rằng ra đi khó hẹn ngày trở lại… Lúc ấy, năm 1965, ông là Trưởng Công an huyện Thụy Anh (Thái Thụy bây giờ).

Từng là một chiến sĩ kiên trung xả thân trong thời kỳ chống Pháp, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, ông tình nguyện đi B. Ông được huấn luyện 1 năm tại Trường C500, vượt Trường Sơn với bao gian khổ vào nhận nhiệm vụ ở Ban An ninh khu V, trực tiếp là địa bàn An ninh tỉnh Kon Tum. Một vùng cao nguyên lộng gió với những cánh rừng bạt ngàn khác hẳn với vùng quê lúa thẳng cánh cò bay quê ông. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Phan Văn Viêm đã hiểu từng gốc cây ngọn cỏ nơi này, được người dân yêu thương đùm bọc che chở.

Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm và bức tâm thư giao ước giữ trọn lời thề "Trung với Đản, hiếu với dân" trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.

Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông trực tiếp tham gia đánh vào nhà lao Mỹ-ngụy tại thị xã Kon Tum, phụ trách đội công tác bám trụ phía Tây Bắc thị xã Kon Tum. Trong vai trò là người chỉ huy, ông đã nắm chắc tình hình địch, chỉ đạo đi sâu xây dựng lực lượng cơ sở bí mật, chuẩn bị cho việc mở chiến dịch đánh địch ở nội thị. Tại địa bàn Phương Quý, bọn Mỹ-ngụy ra sức xây dựng ấp chiến lược, đưa lính về đóng ở địa phương, đàn áp các phong trào quần chúng và truy lùng các chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật đang được nhân dân che chở.

Khó khăn là vậy, ở vị trí người chỉ huy, Phan Văn Viêm đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch hoạt động bí mật trong lòng địch. Ông thường xuyên động viên anh em vượt qua khó khăn gian khổ, ăn lương khô, uống nước suối, ban đêm bí mật gặp dân để gây dựng cơ sở. Nhiều hầm bí mật được đào ngay trong vùng ấp chiến lược, bà con giúp đỡ ủng hộ lương thực, thuốc men cho lực lượng An ninh phục vụ khi quân ta tiến công vào nội thị đánh địch… Do có nhiều thành tích xuất sắc, đồng chí Phan Văn Viêm đã được đề bạt Ủy viên Ban An ninh tỉnh, Trưởng ban An ninh thị xã Kon Tum.

Nào ngờ một ngày, hầm bí mật của các chiến sĩ An ninh đã bị tên ác ôn Hồ Thông phát hiện. Hắn chỉ điểm cho địch, trong hầm có đồng chí Viêm và một đồng đội nữa đang trú ẩn. Thà chết chứ không để rơi vào tay địch, hai đồng chí đội nắp hầm lên bắn xối xả về phía địch khiến bọn chúng phải bỏ chạy. Đồng chí Viêm bị thương nhưng lần ấy ông đã rút được về cứ an toàn. 2 chiến sĩ cải trang đột nhập vào ấp Phương Quý, bắn chết tên chỉ điểm Hồ Thông gian ác khiến bọn địch hoang mang khiếp đảm.

Từ kinh nghiệm này, ông Viêm đã đúc rút và phổ biến đến nhiều đơn vị về công tác dân vận trong lòng địch. Ông và đồng đội tiếp tục đột nhập tiêu diệt thêm tên ác ôn Ngô My - Trưởng màng lưới tình báo của địch tại nhà riêng của hắn mà vẫn đảm bảo an toàn lực lượng. Hoạt động trong lòng địch nguy hiểm khôn lường nhưng lòng dũng cảm, trí thông minh và sự kiên cường đã giúp ông Viêm và đồng đội vững vàng hoạt động trong lòng địch. Bọn chúng ra sức lùng sục để bắt sống ông.

Ngày 29/10/1971, đồng chí Viêm và đồng chí Lê đã sa vào vòng vây của địch. Kiên quyết không để rơi vào tay bọn địch, hai ông đã quyết chiến đấu đến cùng, đội nắp hầm bắn địch cho đến hơi thở cuối cùng… Bọn địch đã mang xác các ông phơi giữa sân vận động để uy hiếp tinh thần quần chúng và khủng bố tinh thần cách mạng của chiến sĩ ta. Đêm xuống, chúng mang thi thể hai ông đi thủ tiêu không cho bà con khâm liệm. Sự hy sinh anh dũng của hai cán bộ An ninh đã dấy lên cao trào cách mạng trong quần chúng ở vùng cao nguyên.

Viết giả thư cha gửi về cho mẹ

Người con gái cả của liệt sĩ Phan Văn Viêm là chị Phan Thị Thanh. Ngày cha hy sinh Thanh vừa tròn 18 tuổi, cô đang là học viên Trường Trung học CSND ở Hà Tây. Cô yêu cha, yêu mẹ, yêu gia đình bé nhỏ mà ấm áp của mình. Cô nhớ lại mối tình của cha mẹ từ thời tóc còn để chỏm mà cha thường kể. Rằng, lúc ấy cha cô 9 tuổi, nhà nghèo lắm. Ông ngoại thấy cậu bé Viêm thông minh sáng dạ nên đã gả con gái Đỗ Thị Rốt cho cậu. Hai vợ chồng trẻ con, cứ tối đến thì chồng ngủ với bố ngáy khò khò, vợ thì vào rúc nách mẹ chồng. Hai vợ chồng trẻ con quấn quýt nhau như thế cho tới khi họ trưởng thành và có đàn con và một gia đình hạnh phúc tràn đầy.

Ngày cha vào Nam chiến đấu, bao nhiêu nỗi gian truân đều đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Bố thường xuyên gửi thư về, mỗi lá thư gửi gắm tình yêu thương cho vợ cho con và là động lực, niềm an ủi cho mẹ, cho chị em Thanh cố gắng học hành chăm ngoan. Mẹ gấp từng lá thư của bố phẳng phiu và đánh dấu theo thứ tự thời gian với một niềm tin yêu mãnh liệt. Cứ mỗi lần bác đưa thư tới đầu ngõ là đàn em bé bỏng của Thanh lại ùa ra đón như thể cha trở về…

Chứng kiến những tình cảm thiêng liêng đã đong đầy trong trái tim của những người thân yêu dành cho cha, Thanh không thể để mọi người đau đớn như cô đã từng thắt cả cõi lòng. Hằng đêm, nén những tiếng nấc nghẹn ngào, lau những giọt nước mắt lã chã rơi, Thanh bắt đầu luyện chữ sao cho giống chữ của cha mình. Vẫn những dòng chữ tràn đầy yêu thương, lá thư đầu tiên Thanh đã "thay cha" gửi về cho mẹ. Ít ngày sau, cô đạp xe vượt chặng đường hàng trăm cây số để về nhà "thăm dò" xem có… bị lộ không. Nhưng mọi sự vẫn bình thường, cô tiếp tục nén lại những đau thương trong lòng trở về trường học tập và làm nhiệm vụ của một người con gái có hiếu. Khi ra trường, Thanh xin về công tác tại Công an tỉnh Thái Bình để tiện chăm sóc mẹ và các em hơn.

Một buổi chiều đi làm về, Thanh vừa bước vào nhà thấy vắng lặng lạ thường, mẹ ngồi yên lặng ở một góc giường. Thấy con gái, bà nức nở: "Người ta bảo cha con hy sinh rồi, nhưng không đúng phải không con. Mẹ vừa nhận được thư cha đây này". Biết rằng đã đến lúc phải nói sự thật đau buồn này với mẹ, Thanh ôm ghì lấy mẹ: "Con xin lỗi mẹ". Rồi cô bày tỏ hết lòng mình cho mẹ hiểu. Hai mẹ con ôm nhau khóc, người mẹ càng thương đứa con gái bé bỏng thêm bội phần bởi đức hy sinh của nó giống hệt người cha. Cô đã ảnh hưởng lớn lao từ nhân cách của người cha yêu quý, hy sinh vì đất nước. Liệt sĩ Phan Văn Viêm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Kim Quý - T.Hoà
.
.