Quản giáo Nguyễn Thị Huyên: Cảm hóa phạm nhân bằng tấm lòng nhân hậu

Thứ Hai, 31/03/2008, 10:23
Là nữ quản giáo duy nhất của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn, quản giáo Nguyễn Thị Huyên đã dồn hết tâm huyết và sự tận tụy yêu nghề để giáo dục, cảm hoá can, phạm nhân. Hơn 7 năm làm quản giáo, chị đã nhiều lần rơi nước mắt xúc động trước tình cảm của một số phạm nhân nữ sau khi chuyển trại đã viết thư về cho chị.

Vào một buổi trưa tại thung lũng Suối Viền chúng tôi gặp chị, cái dáng mảnh mai nhỏ bé giữa đồi núi bao la ấy đã từng thuần phục biết bao nữ quái cứng đầu. Khi mới làm quản giáo, đối tượng đầu tiên chị tiếp xúc là những nữ quái buôn ma tuý. Gặp các đối tượng "cứng đầu" này, một quản giáo trẻ như chị đã không ít lần phải dùng biện pháp rắn. Chị kể: "Trước mình các can phạm không bộc lộ thái độ, nhưng đằng sau là tỏ vẻ lì lợm, ngang bướng và chống đối".

Phạm nhân ngang bướng nhất phải kể đến Phạm Thị Mận, ở huyện Ba Bể, Bắc Kạn bị kết án vì tội mua bán trái phép các chất ma tuý và đây là lần thứ 2 thị bị bắt về tội trên. Khi mới vào trại, Mận không nhận tội, điều tra viên đến hỏi cung cũng luôn chối tội, nguy hiểm hơn là Mận có biểu hiện tiêu cực.

Ngày đầu tiếp xúc với Mận cũng là ngày phạm nhân này tuyệt thực, khi nghe chị nhắc nhở Mận chẳng những không chấp hành mà còn không tiếp thu, thái độ lì lợm, bất cần. Đích thân chị đưa cơm vào phòng cho Mận nhưng phạm nhân không ăn, sau 2 ngày tuyệt thực, Mận yếu đi rõ rệt, nước da xanh bủng, mặt mày ủ rũ.

Chị phải đổi hướng cảm hoá khác, đó là tìm hiểu về gia cảnh của Mận thì thấy đó là một gia đình éo le. Chị khéo léo gợi chuyện để Mận mở lòng. Mận tâm sự với chị, sở dĩ thị ta nhịn ăn là bởi lo cho chồng con ở nhà, đứa con nhỏ nhất mới lên 4 tuổi, thiếu vắng mẹ chúng sẽ bơ vơ. Bản thân Mận lại mang bệnh nặng, đã chữa trị ở viện nhiều lần nhưng không khỏi…

Nghe những khúc mắc này, quản giáo Huyên phải "đả thông tư tưởng" cho Mận, cho phạm nhân đi khám bệnh, động viên rất nhiều để Mận cố gắng cải tạo tốt, sớm về với chồng con.

Một trong những nữ phạm nhân ương ngạnh nữa là Nguyễn Thị Thưởng, quê ở Thái Nguyên, bị kết án vì tội lưu hành tiền giả. Với phạm nhân này, quản giáo Huyên phải rất vất vả mới cảm hoá được Thưởng trở thành phạm nhân tốt.

Thưởng bỏ chồng, trong những ngày chán nản đã tìm đến ma tuý và trở thành con nghiện nặng. Sau đó thị ta cặp bồ với một đối tượng nghiện ma tuý rồi trở thành người chuyên tiêu thụ tiền giả.

Ngày đầu vào trại, Thưởng lên cơn vật thuốc, không ăn được, suốt ngày đau ốm. Mỗi lần lên cơn, quản giáo Huyên lại đưa phạm nhân vào bệnh xá để bác sỹ truyền nước, cắt cơn. Thưởng bị viêm da, khắp mình lở loét trông rất đáng sợ, nhưng quản giáo Huyên vẫn ân cần chăm sóc. Vào trại một thời gian, không thấy "bồ" lên thăm, Thưởng đâm ra chán nản và có ý định tự sát.

Biết được điều đó, chị Huyên đã kịp thời động viên ngăn chặn bằng cách gọi Thưởng ra giáo dục. Ngày nào chị cũng dành một khoảng thời gian nhỏ để hỏi han, chia sẻ với Thưởng khiến phạm nhân này dần lấy lại được tinh thần.

Hơn 7 năm làm quản giáo, đã có rất nhiều can, phạm nhân nữ được chị Huyên giáo dục cảm hoá trở thành phạm nhân tốt. Bên cạnh đó, nhiều nữ phạm nhân thấy chị trẻ nên tỏ ra không sợ, thường xuyên vi phạm kỷ luật, chống đối hoặc rủ các đối tượng khác chống đối. Nhắc nhở một đến hai lần không được, chị đề xuất với lãnh đạo biện pháp kỷ luật, vì thế nhiều phạm nhân sợ và chấp hành ngay. Đối với những can phạm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, có biểu hiện bất mãn, chị phải dùng tình cảm của mình để động viên.

Chị bảo: "Phải coi họ như người thân trong gia đình để cảm hoá, giáo dục thì mới thành công". Chính vì cách làm này mà nhiều phạm nhân nữ chuyển đi trại khác vẫn nhớ đến chị, viết thư về cảm ơn chị. Có rất nhiều nữ phạm nhân khi được chuyển trại đã xin được gặp chị để cảm ơn, có đối tượng còn xin không chuyển trại vì yêu trại, quý mến cán bộ quản giáo. Và có lúc nhận được thư của phạm nhân cũ, chị đã khóc bởi hạnh phúc

Trần Hằng - Thu Phương
.
.