Qua mặt sói già

Thứ Bảy, 21/06/2008, 12:03
Lớp kế cận liền kề, cũng như những người đã được tôn vinh như Hoàng Việt Hưng, Hồ Sỹ Việt, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Tiến Chung… Những chiến sĩ trẻ tuổi đời, bằng cách nào để tiếp cận, tóm gọn hoặc thu phục những "sói già" là đối tượng sừng sỏ buôn bán ma tuý? Trong khi đó, hiển nhiên các trùm ma tuý rất cảnh giác và kiểm tra gắt gao, nếu khả nghi có thể bị chúng thủ tiêu tức khắc.

>> Một con đường, những lối đi

Tước súng trong tay đối tượng

Bị tấn công bất ngờ ở đầu cầu Kẻ Dún, sói già Nguyễn Trọng Điệp rút khẩu K54 nhằm tổ trinh sát lạnh lùng bóp cò. Nhưng tức khắc, hắn bị quật ngã. Viên đạn lạc vọt lên trời... Người tước súng trên tay tên sói già hung hãn là Thượng úy Hoàng Việt Hưng.

Kể từ năm 1996, có 12 gương mặt trong lực lượng Công an được Trung ương Đoàn tuyên dương 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu hằng năm. Vậy mà một đơn vị cấp phòng của Công an Nghệ An đã có tới 2 gương mặt tiêu biểu được tuyên dương. Lâu nay Nghệ An nổi lên với hàng loạt điểm nóng ma túy, nhiều đường dây tội phạm hoạt động trắng trợn, nhất là các huyện phía Tây.

Không lâu sau thời điểm thành lập, cả nước biết đến lực lượng non trẻ với hàng loạt vụ án chấn động: Vụ bắt tên trùm ma túy Trần Văn Hợi, Nguyễn Văn Cẩn khi chúng lẩn trốn tại Viêng Chăn (Lào); vụ chặt đầu vứt xác không thành liên quan trùm "Minh trâu đại"; vụ vợ chồng Nguyễn Trọng Điệp, Nguyễn Thị Nga đều có HIV, rút súng nhằm tổ trinh sát bóp cò; vụ Vi Quang Kỷ bắn AK vào Thiếu tá Thái Bá Huệ…

Tất nhiên, không có chiến công nào trong cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt chỉ là thành tích cá nhân đơn lẻ. Nhưng trong một chuyên án, sự nổi trội của cá nhân bằng hành động dũng cảm, khôn khéo có thể tránh được hậu quả khó lường cho chính mình và đồng đội.

Trong vụ phục bắt vợ chồng Nguyễn Trọng Điệp, Nguyễn Thị Nga, cả hai thủ súng thường xuyên trong người và đều có  HIV. Chuyên án bóc gỡ với 9 trinh sát trẻ được tung vào cuộc, Hoàng Việt Hưng chốt chặn điểm cuối trên đường vận chuyển ma tuý của vợ chồng Điệp, Nga tại cầu Kẻ Dún, thuộc huyện Con Cuông.

Chập choạng tối cuối tháng 7/2006, vợ chồng Điệp cùng Lương Thị Ngoạn đi trên 2 xe máy đưa ma túy về xuôi. Khi còn cách điểm mật phục trên cầu Kẻ Dún khoảng 100m, tổ trinh sát nhận lệnh tấn công. Bất ngờ Điệp rút K54 nhắm thẳng lực lượng trinh sát định bóp cò.

Gương mặt trẻ Hoàng Việt Hưng (mặc sắc phục bên phải).

Đây là điểm cua nguy hiểm, nhưng địa thế này lại khá thuận để từ vị trí mật phục lao ra tấn công. Cực lẹ, Hoàng Việt Hưng quật ngã đối tượng, bẻ tay, xốc mũi súng hướng lên trời và bóp mạnh vào tay hắn. Súng cướp cò trong thế bị khống chế, một tiếng nổ khét lẹt, viên đạn lạc cày xuống mặt đường trước khi bay lên trời. Đối tượng phải tra tay vào còng. Hoàng Việt Hưng cùng đồng đội thu giữ khẩu súng.

Chừng nào còn kêu khổ thì khoan hãy về

Hai vụ phục bắt trùm ma túy Trần Văn Hợi và Nguyễn Văn Cẩn tại Viêng Chăn (Lào) thể hiện sự sáng tạo và khả năng nghiệp vụ của anh.

Trong vai người đi làm thuê, Hưng và đồng đội lăn lộn từng ngóc ngách để xác định địa điểm ẩn nấp của Hợi. Hưng đã qua mặt tên cáo già khi tiếp cận chính diện Hợi và dụ hắn ra ngoài để đồng đội phục bắt gọn.

30 năm tuổi đời, 10 năm tuổi nghề - kể từ ngày tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát năm 1997, quãng thời gian đó chưa đủ để nói lên tất cả. Nghe chuyện săn lùng sói hoang, nhất là mỗi lần có dịp công tác vào Nghệ An, với tôi cũng là chuyện không mới.

Mẹ Hưng đã nghỉ hưu trên 15 năm nay. Con trai ra trường, cầm tấm bằng tốt nghiệp là khăn gói lên huyện miền núi Anh Sơn. Mẹ Hưng gấp cho con mấy bộ quần áo rồi bảo: "Chừng nào còn kêu khổ thì khoan hãy về"! Lại nhớ, có lần đang đêm, anh nhận lệnh khăn gói đi ngay. Rồi ba ngày, một tuần, hai tuần, ba tuần...

Sốt sắng đánh đường xuống tận nơi làm việc của con, mẹ được các anh trong đơn vị động viên: "Không sao cả, rồi ít hôm nữa Hưng sẽ về". Hóa ra đó là trận đánh đặc biệt, Hưng cùng tổ trinh sát bí mật sang Viêng Chăn phục kích đối tượng Trần Văn Hợi. Thời gian đó, không có bất kỳ ai được liên lạc về nhà.

Trước cổng trụ sở là con đường khá vắng vắt qua cánh đồng. Một quán bia mọc lên đó, ông chủ quán thừa hiểu nếu có mang thứ thơm ngon dưới biển, trên rừng về đây cũng chỉ để… trưng bày rồi người nhà tự lấy mà ăn.

Lứa chúng tôi, những người mài giũa bút sách ở Học viện Cảnh sát, Trung học Cảnh sát, giờ đã ngoài 30 với 3-7 năm cắm chốt miền rừng. Đó là với chiến sĩ nhận công tác ở biên giới, miền núi, còn với lính ma tuý, chẳng có thời hạn mấy năm trở về.

Những bầm sẹo, tỳ vết các trận chạm trán bị đối tượng tấn công hay những bước chạy đuổi bắt đối tượng bị trượt ngã, giờ cứ chồng lấn lên nhau. Hôm nay, gặp lại Đại uý Nguyễn Đức Cường. Anh có dáng người cao dong dỏng gần 1,9m, nặng gần 80kg. Hồi còn học đại học, nằm chung ký túc xá, cả khóa chúng tôi gọi: "Cường kều" với đặc điểm nằm ngủ chân bao giờ cũng thừa so với giường, đành gác tạm ra ngoài.

Khi điểm danh trong hàng ngũ, thầy giáo chỉ cần nhìn cái đầu nào nhô lên cao nhất là biết Cường có mặt mà không cần gọi tên. Nhưng sức cơ bắp cao lớn này thực sự có ý nghĩa khi anh gắn bó đất Kỳ Sơn hơn 4 năm, kể từ ngày ra trường. Đó là những ngày trong lực lượng chống ma tuý của Công an Kỳ Sơn, sau được đề bạt Đội phó, nhiều con nghiện biết tiếng "Cường kều", tự giác đến khai báo.

"Kều" không chỉ bởi dáng lênh khênh

Chuyện rằng, nằm sâu trong núi phía Tây huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Tà Cạ lạnh lẽo, hoang vu vốn chỉ có sói rừng với lợn lòi trú ngụ. Những kẻ buôn ma tuý cũng lấy đây làm "đất dụng võ". Dân bản gọi chúng là những con "sói hoang" vốn không ưa ánh sáng mặt trời...

Ở Kỳ Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào sương núi bao phủ dày đặc từ sáng sớm tới tận trưa. Rừng hoang sương muối, mùa đông như lạnh thêm mấy độ, rét cứa sắc ngọt không nể nếp da đã có độ chai "dằn mặt" đá sỏi. Mỗi chuyến như vậy, Cường và anh em cũng tặng cho rừng ít cân sức khoẻ, về không dám đứng lên bàn cân, chỉ sợ vợ giật mình!

Nhìn cánh tay đầy vết sẹo và những chuyên án nằm rừng, giờ tôi hiểu rằng người ta gọi Cường "kều" có lẽ không chỉ bởi dáng người cao lênh khênh mà còn ở khả năng "kều" được "sói" dữ trong núi.

Cách đây vài năm, khi còn làm ở Đội Cảnh sát chống ma túy, Công an huyện Kỳ Sơn, anh cùng đồng đội xuống một xã phía Tây truy bắt đối tượng buôn bán ma tuý vào loại sừng sỏ. Khi lực lượng Công an tấn công, mặc dù bị áp sát, thu giữ lựu đạn nhưng hắn vẫn kịp ném làm một Công an xã trọng thương.

Nhanh như cắt, Nguyễn Đức Cường đá tung quả lựu đạn thứ hai trên tay, quật ngã hắn để đồng đội vào bắt. Sau vụ đó, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Những vết sẹo hằn lên năm tháng, những nỗi lo ở lại đằng sau, những toan tính cuộc sống nhường chỗ đứng cho dũng chí người chiến sĩ, tất cả trở thành động lực thúc giục các anh mỗi khi vác ba lô ngược đường 7 "về rừng", về với bản làng ruột thịt…

Trong 11 năm, tuổi trẻ PC 17 Công an Nghệ An triệt phá 58 đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý lớn, bắt giữ 439 vụ với 643 đối tượng, thu 211kg thuốc phiện, 42,3kg heroin… Những vụ án lớn gắn với vai trò tuổi trẻ PC17 như triệt phá đường dây do Vi Văn Thoong, Vi Văn Khăm cầm đầu; vụ bắt tên Nguyễn Thạc Hưng; vụ Trần Văn Hợi; vụ Vi Văn May và vợ là Vi Thị Khăm; vụ Nguyễn Trọng Điệp; vụ Vi Quang Kỷ…

Kỳ sau: Tình nhân và họng súng

Đăng Trường
.
.