Phùng Thị Thận – Anh dũng thời chiến, nghị lực thời bình

Thứ Tư, 19/08/2015, 10:39
Ngay từ thời còn là sinh viên, ít nhất hơn một lần tôi đã được nghe các thế hệ cha anh kể về người nữ chiến sỹ Trinh sát vũ trang mật Thị xã Long Khánh, Phùng Thị Thận với tấm gương anh dũng trong chiến đấu.

Nay được gặp, được nghe Cô kể về những thời khắc sinh tử, những kỷ niệm bi thương, oanh liệt và cả những tháng ngày cơ cực buổi đầu khởi nghiệp kinh doanh mới thấy được Phùng Thị Thận không chỉ là người nữ trinh sát vũ trang anh dũng mà còn là nữ doanh nhân giàu nghị lực, một tấm gương điển hình của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến và cả thời bình.

Phùng Thị Thận sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Hoài Nhơn (Bình Định). Năm 1960, khi chưa đầy 5 tuổi, Cô đã chịu cảnh gia đình ly tán, bố và anh cả tập kết ra Bắc, sáu mẹ con dắt díu nhau vào Nam sinh sống, lập nghiệp và tiếp tục hoạt động cách mạng ở vùng đất Long Khánh.

Tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1968, mới 13 tuổi, Phùng Thị Thận đã trở thành giao liên, thực hiện nhiệm vụ liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo Thị ủy Long Khánh.

Vợ chồng cô Phùng Thị Thận và tác giả.

Năm 1971, khi mới 16 tuổi, Phùng Thị Thận đã chính thức gia nhập lực lượng trinh sát vũ trang mật Thị xã Long Khánh và được kết nạp Đảng một năm sau đó sau khi cùng đồng đội lập một chiến công hiển hách (đánh bom làm thương vong gần chục sỹ quan Mỹ ngụy ở Câu lạc bộ sỹ quan Sư đoàn 52, Long Khánh).

Hồi tưởng lại giai đoạn đầu khi mới gia nhập lực lượng trinh sát vũ trang mật Thị xã Long Khánh, bằng chất giọng nhẹ nhàng, sâu lắng, cô kể: Tổ trinh sát vũ trang gồm 3 người (Hồ Thị Hương, tổ trưởng bí danh H25; Phùng Thị Thận, tổ viên, bí danh C8T; Lê Thị Lệ, tổ viên, bí danh X120) hoạt động độc lập, chịu sự chỉ đạo trực tiếp, đơn tuyến của đồng chí Sáu Huệ (Phó ban an ninh tỉnh Long Khánh cũ).

Tổ nữ biệt động trinh sát của Phùng Thị Thận là tổ duy nhất được giao nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch tiến hành các hoạt động đánh bom tiêu diệt địch ở nội đô Thị xã Long Khánh. Cô bồi hồi nhớ lại lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của Tổ trinh sát. 

Sau khi lên kế hoạch tác chiến, được cấp trên phê duyệt, khoảng 22h vào một ngày khoảng giữa năm 1971, Thận và Tổ trưởng Hồ Thị Hương phục sẵn bên đường, khi tên Ấp trưởng và một số lính bảo an trên đường kiểm tra, tìm kiếm cơ sở Cách mạng để bắt bớ, Thận rút chốt ném lựu đạn, một tiếng nổ chát chúa vang lên, hai tên chết tại chỗ, vài ba tên bị thương.

Vài ngày sau, khi vào cứ, được lãnh đạo tuyên dương, khen thưởng, cả Tổ đều vui sướng, phấn chấn và càng thêm quyết tâm lập công, tiêu diệt địch.

Cô cũng cho biết, thời điểm ấy cơ sở cách mạng còn mỏng trong khi mạng lưới chỉ điểm dày đặc, vì vậy từng thành viên của Tổ nữ trinh sát biệt động cần phải vỏ bọc hợp lý. Thận và đồng đội thường ăn mặc theo kiểu "hippy", đi xe đạp, la cà đến các tụ điểm vui chơi giải trí, các câu lạc bộ sỹ quan để nắm tình hình, làm quen với bọn sỹ quan. 

Làng xóm, láng giềng thấy cách ăn mặc như vậy đã nhiều lần gặp gia đình phản ảnh và có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Đối với Thận, kỷ niệm không thể nào quên đó là lần thực hiện nhiệm vụ cuối cùng mà Tổ nữ trinh sát biệt động sẽ đánh bom tiêu diệt số sỹ quan Mỹ, ngụy ở quán Song Nga (Thị xã Long Khánh).

Khoảng 21h ngày 18/1/1975, cô và Tổ trưởng Hồ Thị Hương, cài sẵn kíp nổ hẹn giờ với khối thuốc nổ khoảng 1kg, được ngụy trang trong vỏ hộp sữa bột dùng cho trẻ em. Khi hai người chuẩn bị rời khỏi hiện trường, không hiểu vì lý do gì, bọn sỹ quan trong quán Song Nga được lệnh rời khỏi quán. Đây là tình huống ngoài dự kiến, buộc Thận và đồng đội phải nhanh chóng xử lý. Kíp nổ cần phải được gỡ.

Tổ trưởng Hồ Thị Hương nhanh chóng bỏ "hộp sữa" vào giỏ xe đạp, Thận ngồi sau. Khi xe đạp của hai người vừa đi được khoảng 15m thì quả mìn phát nổ, Tổ trưởng Hương hy sinh tại chỗ. Thận bị thương nằm bất tỉnh. Một tên lính nổ súng khiến cô bị thương ở chân phải. Chúng nhanh chóng bỏ cô lên xe Zeep chở thẳng đến nhà thương Chi khu Long Khánh.

Khi được đưa vào phòng mổ cấp cứu, tên sỹ quan cảnh sát đặc biệt theo sát liên tục tra hỏi, vì Thận không khai nên hắn ra lệnh các bác sỹ không được cứu chữa cho cô. Nhưng bác sỹ trưởng ca mổ cấp cứu nói với tên sỹ quan: "Tôi là bác sỹ, tôi có trách nhiệm cứu người, khi tôi chữa trị khỏi, các anh muốn làm gì thì làm".

Bọn chúng bất đắc dĩ phải để cho kíp mổ cấp cứu và chữa trị cho Thận. Có một chi tiết khá thú vị về vị bác sỹ này là khi chữa trị cho Thận, bác sỹ bảo nhỏ, nửa đùa nửa thật: "Khi nào khỏi thì về Thủ Đức ở, đừng ở đây để cộng sản dụ dỗ nữa nhé".

Sau này, gần 40 năm sau, vào tháng 6/2015, cô gặp lại vị bác sỹ này, lúc này vị bác sỹ đã gần 80 tuổi, cô nhắc lại câu nói trên và hỏi ý tứ là gì. Vị bác sỹ này cho biết, ông cũng không nhớ là đã nói câu đó nhưng ông nhớ rất rõ một người nữ cộng sản kiên cường, trẻ tuổi nên chắc ông thương mà nói vậy. Cũng trong thời gian này, mặc dù liên tục bị tra khảo trên giường bệnh nhưng cô kiên quyết không khai, chỉ thừa nhận vô tình đi theo Hương chơi nên bị thương. 

Hơn ba tháng chúng không cho ai thăm nuôi, nhưng cơ sở của ta vẫn tiếp cận được, động viên, thậm chí đã lên kế hoạch để giải cứu Thận. Tuy nhiên, trong thời gian này, cô cũng có một kỷ niệm vui.

Một tên cảnh sát đặc biệt, mặc dù canh gác cô rất gắt gao nhưng cứ vào ca trực của hắn, khi tỉnh dậy, đã thấy một ly sữa pha sẵn để đầu giường, còn hắn thì giả vờ như không biết ra đứng ở hành lang, chờ cô uống cạn ly sữa mới vào.

Cô hiểu rằng: cho dù là 2 chiến tuyến khác nhau thì tình máu mủ, đồng bào, tình người vẫn còn ở những người này, đó là điều rất đáng trân trọng.

Tạm gác lại giai đoạn hoạt động cách mạng hào hùng, anh dũng, trở về với thực tại, với người bạn đời đã gắn bó trên 35 năm, chồng cô, chú Hồ Quốc Châu cũng là một cán bộ Công an, vì cảm phục một người nữ công an anh dũng, một phụ nữ trung hậu, đảm đang mà nên duyên vợ chồng.

Bây giờ, gia đình cô đã có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước, con cái đều được ăn học thành tài, cô con gái đầu hiện là Giám đốc một công ty, hai con trai của cô đều nối bước cha mẹ hiện đều là sỹ quan công an.

Tuy nhiên, để có được mái ấm gia đình, cơ ngơi như hiện nay, vợ chồng cô đã trải qua bao nhiêu khó khăn, cơ cực và điều này càng thể hiện được nghị lực phi thường, vượt lên chính mình.

Thời kỳ những năm 90 khi mới nghỉ hưu, là thương binh đi lại rất khó khăn nhưng cô đã làm đủ mọi nghề để cùng chồng trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Từ việc bán cafe, bán sách báo, vắt sổ... rất vất vả, chạy ăn từng ngày nhưng lúc nào gia đình cũng chàn đầy tiếng cười, khách hàng đến với cô ngày càng đông, làm ăn việc gì cũng thuận lợi.

Cô khiêm tốn cho rằng đó là cái duyên trong làm ăn và sự may mắn nhưng thực sự đó chính là nghị lực phi thường của cô, nỗ lực vượt lên chính mình để làm giàu.

Chú Châu, chồng cô nhớ lại: "Những năm 90, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chú lại công tác xa nhà, một mình cô với cái máy vắt sổ (máy cơ), chỉ đạp được một chân (chân trái bị cưa sau vụ nổ mìn ở quán Song Nga), làm ngày làm đêm để kiếm tiền lo cho gia đình. Khách hàng thấy thương nên giao hàng cho làm nhiều đến nỗi cô phải từ chối vì sức không kham nổi".

Rồi cơ duyên nữa, với số vốn ít ỏi tích cóp được, cô mạnh dạn đầu tư mua một chiếc xe tải chở vật liệu phục vụ các công trình giao thông. Việc làm ăn tiến triển tốt, đầu xe được nhân lên, cô tiếp tục thành lập công ty vận tải và làm ăn rất phát đạt. Sau này, nhận thấy kinh doanh vận tải ngày càng phức tạp, cô chuyển hướng kinh doanh đầu tư thi công cầu đường.

Hiện nay, doanh nghiệp của cô có vài chục công nhân, đội ngũ kỹ sư, đã và đang thực hiện thi công nhiều công trình cấp địa phương, cấp quốc gia, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.

Phùng Thị Thận là một tấm gương điển hình của phụ nữ Việt Nam, tuy bình dị, đời thường nhưng rất xứng đáng để các thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ công an noi theo. Xin cảm ơn cô, cảm ơn người nữ trinh sát vũ trang mật Thị xã Long Khánh, một thương binh, cán bộ hưu trí, anh dũng trong thời chiến, nghị lực trong thời bình.

Mạc Thị Trang
.
.