Phải đồng cảm với nạn nhân và ở vào vị trí kẻ phạm tội

Thứ Bảy, 15/12/2007, 09:51
31 năm trong nghề, Trung tá Phan Ngọc Công tâm niệm rằng, người Công an khi phá án là phải đặt mình vào vị trí kẻ phạm tội để biết vì sao chúng gây án, gây án rồi làm sao để tránh bị phát hiện. Và phải đặt mình vào nạn nhân để đồng cảm được nỗi đau của họ, từ đó mới trăn trở, quyết tâm phá án, tìm lại sự công bằng cho họ…

Với mái tóc đã điểm bạc và nụ cười luôn thường trực trên môi, Trung tá Phan Ngọc Công - Đội trưởng Đội trọng án Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Lâm Đồng nói về công việc của mình khi chuẩn bị chia tay với nghề.

Anh kể: 31 năm trước, anh vào lực lượng Công an và làm cảnh sát điều tra luôn từ đó đến nay… 31 năm, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra hàng ngàn vụ án, trong đó rất nhiều vụ có anh tham gia điều tra phá án. Nhiều kỷ niệm về tình đồng đội, về những vụ án lớn sẽ mãi luôn ở trong tâm trí anh.

Sinh ra và lớn lên tại TP Đà Lạt, đúng năm 1975 chàng trai 19 tuổi Phan Ngọc Công trở thành một chiến sĩ Công an và được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự (nay là Phòng CSĐT tội phạm về TTXH) Công an Lâm Đồng.

Từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh đã gặp không ít khó khăn bởi công việc của người lính Công an ở một địa bàn có địa hình khá trắc trở, nhiều rừng núi, tội phạm phức tạp. Với tình yêu nghề, được cấp trên quan tâm tin tưởng, anh nhanh chóng trở thành một điều tra viên năng nổ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Công việc của người chiến sĩ Công an không chỉ đấu tranh trực diện với nhiều loại tội phạm hình sự nguy hiểm mà các anh còn phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường công tác dễ bị cám dỗ. Các đồng sự nhận xét anh là một chiến sĩ, một người chỉ huy dễ mến, chịu khó học hỏi, nhạy bén, nhiệt tâm với nghề.

Tâm sự với tôi, anh bảo rằng, là CSĐT phải biết cay cú, tự ái với nghề nghiệp. Không phải bất kỳ vụ án nào các cũng làm ra, nhưng nếu ngày nào mà kẻ phạm tội chưa bị pháp luật trừng trị thì ngày đó các anh chưa thể an tâm.

Hầu hết những vụ án có các đối tượng sừng sỏ, nguy hiểm đều do anh Công hỏi cung. Anh được xem là người có năng khiếu lấy lời khai các bị can. Tội phạm dù cứng đầu đến mấy cũng phải "tâm phục khẩu phục" khai nhận tội lỗi.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề điều tra của mình, anh tâm niệm rằng, công việc của người Công an khi phá án là phải đặt mình vào vị trí kẻ phạm tội để biết vì sao chúng gây án, gây án rồi làm sao để tránh bị phát hiện. Và phải đặt mình vào nạn nhân để đồng cảm được nỗi đau của họ, từ đó mới trăn trở, quyết tâm phá án, tìm lại sự công bằng cho họ.

Mới đây nhất là vụ án giết người, cướp ôtô do ba hung thủ thực hiện xảy ra tại đèo Prenn - TP Đà Lạt. Chính Trung tá Công đã cùng các đồng sự của mình theo sát vụ án và nhanh chóng bắt được ba hung thủ chỉ trong bốn ngày điều tra, được Bộ Công an tặng bằng khen.

Với 21 năm tuổi Đảng, 31 năm tuổi nghề, sắp đến lúc Trung tá Công phải về hưu. Dường như anh còn có điều gì lưu luyến lắm. Lưu luyến với đồng đội, với công việc bao năm anh gắn bó và rồi lại trăn trở với những điều anh chưa kịp làm…

Hải Nam
.
.