Nữ quản giáo duy nhất ở Trại giam Hòa Sơn

Thứ Hai, 21/09/2009, 20:37
Nghe nói Trại tạm giam Hòa Sơn (Đà Nẵng) chỉ có một nữ quản tù duy nhất, quản tất cả các nữ tù nhân đang thi hành án tại trại, chúng tôi mường tượng một nữ chiến sĩ Công an nhân dân đứng tuổi với vẻ nghiêm khắc.

Nhưng thật bất ngờ, nữ quản tù duy nhất ở Trại tạm giam Hòa Sơn lại là một cô gái rất xinh và chỉ mới hơn hai mươi tuổi. Bất ngờ hơn nữa là trước một cô gái trẻ như vậy, trong ánh mắt của những nữ tù nhân, chúng tôi đọc được sự cảm phục của họ đối với nữ quản giáo này.

Khó nhất là qua cửa "trấn an tâm lý"

Một cô gái trẻ như vậy làm sao có thể quản nổi những nữ tù nhân từ những cô gái trẻ lỡ lầm ít tuổi đời, nhiều tuổi nghề "tệ nạn xã hội" đến những nữ tù nhân chịu mức án nặng với sớ tội "lẫy lừng" trước khi vào trại?

Thượng sĩ Lê Thị Hải Quỳnh, nữ quản giáo duy nhất tại Trại tạm giam Hòa Sơn nở nụ cười hiền lành tâm sự: "Khó nhất là qua cửa "trấn an tâm lý". Hầu như nữ tù nhân nào vừa bước chân vào trại đều kêu khóc mình là người vô tội, bị bắt oan và việc của mình là khéo léo tâm sự, động viên, nói cho họ nghe mình và phân tích hành vi trái pháp luật của họ dẫn đến án tù, từ đó ổn định tư tưởng phạm nhân. Có trường hợp nữ phạm nhân từ khi bước chân vào trại đến hơn nửa tháng vẫn chưa thông tư tưởng, cứ đến chiều lại kêu khóc thảm thiết.

Và mình, từng ngày tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nữ tù này, phần nào đó tìm hiểu họ, hiểu được mới có lời lẽ cảm hóa được họ. Mỗi người vào đây mỗi tội danh nhẹ có, nặng có. Có những người đàn bà là chủ chốt trong những vụ siêu lừa đảo, cũng có những cô gái còn rất trẻ vì lỡ lầm nhất thời mà phạm tội. Mình phải tìm hiểu để có giải pháp "trấn an tâm lý".

Ổn định tư tưởng rồi, "thông" rồi, họ mới dễ dàng hoà nhập cuộc sống trong trại và yên tâm thi hành án, phấn đấu nhận thức lỗi lầm và hoàn thiện". Nếu không cảm nhận ánh mắt tuân mệnh tự nguyện, cùng sự thân thiện giữa quản giáo và tù nhân, chúng tôi thật không tin được Quỳnh đã hoàn thành nhiệm vụ khá "xương" với một cô gái trẻ mà hầu như không để xảy ra bất cứ sơ sẩy nào.

Tin rằng "trong con người ta, ai cũng có phần thiện"

Thượng tá Trần Thanh Thảo - Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn, người có thâm niên công tác ở trại này vẫn luôn chia sẻ với anh em cán bộ, chiến sĩ công tác tại trại: "Phạm nhân không hẳn là người xấu cả, có người phạm tội do lười biếng lao động, nhưng có người phạm tội do bức xúc bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó trong cuộc sống hằng ngày, cũng có người do làm ăn thua lỗ mà dẫn đến phạm tội... Căn bản, trong con người họ luôn có phần thiện. Nếu chúng ta biết cách khơi dậy tính thiện đó, họ sẽ trở thành một người có ích".

Trong công tác tại Trại tạm giam Hoà Sơn, từ hơn một năm nay, Quỳnh vẫn tâm niệm và tin như vậy, càng trải qua công tác thực tế ở trại, càng tin. Các chị em nữ tù nhân ở đây, một khi họ đã hiểu luật, ổn định tư tưởng thụ án, càng chuyên tâm vào lao động, phấn đấu thi đua hoàn thiện với khát vọng tái hoà nhập cuộc sống, được "làm lại từ đầu" thành một con người lương thiện và có ích.

Có lúc cao điểm, Thượng sĩ Lê Thị Hải Quỳnh quản đến hơn 40 tù nhân nữ nhưng chưa bao giờ Quỳnh cảm thấy đó là áp lực. "Mình được công tác đúng chuyên ngành được đào tạo và mình có niềm tin vào hiệu quả công việc, góp một phần bé nhỏ khơi lên phần thiện trong những con người đã một thời lầm lỗi". Chính những chị em tù nhân vào trước đã góp sức giúp nữ quản giáo Quỳnh tìm hiểu và "trấn an tâm lý" những nữ tù mới vào, động viên nhau cùng miệt mài lao động, thi hành án để sớm ngày trở lại với cuộc sống tự do

Khánh Dân
.
.