Nơi góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Thứ Năm, 27/10/2011, 15:03
Ngày 29/10/1971, E1171 làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ an ninh miền Nam và cán bộ Công an miền Bắc chi viện miền Nam được thành lập tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Trải qua nhiều năm tháng hoạt động, E1171 đã trở thành Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân, đóng tại Đông Ngạc (Từ Liêm - Hà Nội) và đã liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với những cán bộ an ninh miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ngày trở về vùng đất đầy kỷ niệm Vĩnh Phúc, trong ký ức lại dội về một thời kỳ gian khó, vừa học vừa lao động chiến đấu, dù ở lĩnh vực công tác nào cũng đều rưng rưng xúc động.

Từ mái trường này, nhiều học sinh đã lên đường vào miền Nam chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sau ngày thống nhất đã trở thành những cán bộ, hạt nhân lãnh đạo của Công an một số địa phương. Nhiều đồng chí tham gia lãnh đạo Công an cấp tỉnh, cấp huyện và có đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền ở một số địa phương.

Những tên tuổi đã gắn với Trường E1171 như: đồng chí K'Soh Phước, học viên khóa E51, đã từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Bộ trưởng - Chủ nhiệm ủy ban dân tộc của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa XIII; đồng chí Trương Hòa Bình, học viên khóa E52, nay là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; đồng chí Trung tướng Bùi Quang Bền, học viên khóa E51, nay là ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an;...

Trong ký ức của Trung tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an, cựu học viên của Trường, vẫn còn in đậm những ngày gian khổ do máy bay Mỹ ném bom ác liệt trong đợt "Điện Biên Phủ trên không", học viên phải sơ tán ở nhờ nhà dân.

"Cứ 1, 2 học viên phải vào một nhà dân để ở nhờ. Dù trong tình cảnh phải sơ tán nhưng các thầy cô giáo đã chia nhau, đi đến từng nhà để dạy cho học sinh. Sau khi học xong, chúng tôi về khắp các chiến trường miền Nam để công tác. Đến sau này, chúng tôi mới thấy được tầm nhìn của Đảng và Nhà nước cho đào tạo đáp ứng yêu cầu chiến đấu ở miền Nam. Cán bộ trưởng thành hầu hết đều còn rất trẻ và đáp ứng được yêu cầu công tác", Trung tướng Bùi Quang Bền xúc động nói.

Một giai đoạn lịch sử của trường từ ngày đầu thành lập, ngày 29/10/1971, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn lúc bấy giờ, cho đến năm 1975, trường đã hoàn thành một khối lượng lớn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ an ninh miền Nam theo chương trình đào tạo 12 tháng, các chương trình bổ túc 6 tháng, 9 tháng, chương trình bồi dưỡng cán bộ Công an chi viện an ninh miền Nam 3 tháng. Tổng số 5.424 lượt học viên đã tốt nghiệp, trong đó có 1.684 cán bộ an ninh miền Nam đã lên đường vào Nam chiến đấu từ 1971 đến 1974; 1.012 cán bộ Công an miền Bắc chi viện an ninh miền Nam trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Hiệu trưởng, Đại tá Hồ Sỹ Long trao bằng chứng nhận cho học viên tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ.

Đáp ứng nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ, từ năm 1978 đến 1995, Trường E1171 được đổi tên thành Trường Hậu cần CAND, đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Hậu cần. Đến năm 1996, Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân chính thức được thành lập trên cơ sở bộ máy, tổ chức cán bộ và địa điểm của Trường Hậu cần CAND, do Đại tá Hồ Sỹ Long làm Hiệu trưởng.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND… Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì; ba năm liên tục được tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an (2009, 2010, 2011).

Kế thừa và phát huy truyền thống của một ngôi trường có bề dày truyền thống 40 năm xây dựng, trưởng thành là một trách nhiệm lớn, Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Bộ Công an đang từng bước đổi mới hoạt động nhằm góp phần bồi dưỡng đào tạo nên đội ngũ cán bộ chỉ huy của lực lượng Công an các cấp ngày càng vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá Hồ Sỹ Long, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ CAND

Chương trình phát triển giáo dục đào tạo trong CAND 2011-2015, đã thể hiện rõ quan điểm của Bộ Công an về việc kiện toàn bộ máy, tổ chức, hoàn thiện về chức năng của nhà trường và giao cho trường từng bước nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Học viện XDLL CAND. Đây là nhiệm vụ quan trọng và có tính lâu dài.

Trước mắt, trong giai đoạn hiện nay, nhà trường đang tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, chức năng, trở thành cơ sở đào tạo bồi dưỡng chuyên trách đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp (điều tra viên). Đổi mới phương pháp bồi dưỡng theo hướng giảm thời gian lý thuyết; tăng cường trao đổi, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng lãnh đạo chỉ huy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ là những hoạt động đang được nhà trường triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Nhà trường đang từng bước nghiên cứu để tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chỉ huy để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới.

Thu Uyên - Minh Tâm
.
.