Nỗ lực nâng cao chất lượng sự nghiệp “trồng người”

Thứ Tư, 27/07/2011, 11:06
Đã 35 năm trôi qua, trải qua những thăng trầm, có những thời điểm khó khăn gian khổ, nhưng bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của thầy trò Trường Văn hoá I, bằng tình yêu nghề, gắn bó tha thiết, sự kiên nhẫn bền bỉ, các thầy cô giáo của trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Bộ Công an giao cho, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số cho lực lượng CAND.

Trường Văn hoá I, Bộ Công an - tiền thân là Trường Hạ sỹ quan Công an các dân tộc ít người (Trường Hạ sỹ quan Công an III) được thành lập ngày 30/7/1976, trên cơ sở hợp nhất trường đào tạo cán bộ Công an Tây Bắc và trường đào tạo cán bộ Công an Việt Bắc.

Tâm sự với chúng tôi, Đại tá Ma Khánh Bào, Hiệu trưởng Trường Văn hoá I, (một trong những người có thâm niên làm hiệu trưởng lâu nhất của Trường Văn hoá I) cho hay, trong niềm vui của ngày truyền thống hôm nay, mỗi cán bộ giáo viên đều có những cảm xúc rất riêng, nhớ về những ngày cùng nhau vượt mọi khó khăn "vững tay chèo" với sự nghiệp đào tạo, dạy dỗ con em đồng bào các dân tộc.

Đại tá Ma Khánh Bào tâm niệm, nếu không có một tình yêu nghề đủ lớn, không có tình thương yêu học trò và không có cả sự nhẫn nại dẻo dai thì rất có thể, nhiều giáo viên của trường ông đã xin đi. Vậy nên, những người thầy cô, những cán bộ quản lý của nhà trường qua các thời kỳ chính là những người "dệt nên trang vàng truyền thống" của nhà trường.

Còn Đại tá, Nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Long, Phó Hiệu trưởng Trường Văn hoá I, người có thâm niên 35 năm gắn bó với nhà trường kể lại rằng, thời kỳ đầu xây dựng nhà trường vất vả vô cùng, gần như bắt đầu từ con số 0, đội ngũ giáo viên mỏng, tài liệu giáo trình khan hiếm, cơ sở vật chất nhà trường hầu như không có gì. Ông cùng với các thầy phải đi đến nhiều tỉnh để tuyển chọn giáo viên, đi đến đâu cũng luôn ý thức cao độ việc sưu tầm tài liệu mang về soạn thành bài giảng. Sau mỗi giờ lên lớp, cả thầy và trò cùng đi lao động, tăng gia sản xuất, trồng sắn, đào ao thả cá, tự đóng gạch để dựng nhà ở.

Giờ học tin học tại Trường Văn hóa I.

Nhắc đến một môi trường giáo dục chỉ chuyên đào tạo con em các dân tộc thiểu số, nhiều người sẽ dễ hình dung ra những khó khăn của Trường Văn hoá I. Đó là đối tượng học sinh dân tộc rất đa dạng về trình độ, kiến thức không đồng đều, khả năng nhận thức còn hạn chế.

Trước đây, có những em vào trường, dù đã hơn 10 tuổi nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo, chưa thuộc bảng cửu chương; dường như việc để các em tiếp cận với chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT xem ra là quá sức. Do đó, ở rất nhiều thời điểm, nhà trường phải tổ chức các lớp học "đặc biệt" để "trám" lại những lỗ hổng kiến thức cho học trò, có khi chỉ 2 - 3 học sinh làm thành một lớp, một thầy, cô tận tình, miệt mài dạy dỗ. Do đội ngũ giáo viên còn thiếu nên nhiều giáo viên vừa dạy Toán, kiêm cả dạy Lý, có giáo viên Văn nhưng phụ trách cả Sử.

Đại tá Ma Khánh Bào còn cho hay, nhà trường luôn đặt ra cái đích là làm sao phấn đấu tạo mặt bằng kiến thức cho học sinh Trường Văn hoá I đuổi kịp với học sinh của TP Thái Nguyên. Năm tháng miệt mài của cả thầy và trò Trường Văn hoá I đã rút ngắn khoảng cách về trình độ, song song với việc phụ đạo cho học sinh yếu kém, nhà trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi, tổ chức ôn thi cho số học sinh thi vào đại học, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, thi tốt nghiệp trung bình hằng năm đều đạt trên 90%, trong đó có những năm học sinh của trường đỗ tốt nghiệp THPT 100%...

Ba mươi lăm năm qua, đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường đã trưởng thành về mọi mặt, luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu ngành yêu nghề, tận tình giúp đỡ học sinh. Đội ngũ giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia phong trào dạy giỏi. 100% giáo viên của nhà trường có trình độ đại học trở lên, trong đó trình độ thạc sỹ chiếm tới hơn 30%.

Một giáo viên của nhà trường cho chúng tôi biết, do học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên vấn đề xây dựng nội dung giáo án được các thầy cô đặc biệt coi trọng, giáo án phải hết sức cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ. Khi giảng bài cho các em, phải chọn ngôn từ gần gũi với cách hiểu của học sinh. Khi thảo luận, phải có phương pháp động viên khuyến khích các em để các em không còn cảm giác tự ti. Nhà trường từng bước thay đổi lối dạy học đọc chép bằng phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy trí sáng tạo của học sinh. Do đó, chất lượng dạy và học ngày càng nâng lên.

Trường đã có 462 sáng kiến kinh nghiệm, 26 đề tài khoa học cấp cơ sở, 372 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, đào tạo được 4.903 học sinh. Số học sinh giỏi có 806 em, trong đó cấp trường có 715 em, cấp thành phố 13 em và cấp tỉnh 78 em. Nhiều học sinh ra trường trở về quê hương công tác, đã phát huy tốt năng lực của mình, trong đó có nhiều đồng chí đã được đề bạt giữ cương vị lãnh đạo từ trưởng, phó phòng đến Ban Giám đốc Công an tỉnh, trưởng, phó Công an huyện và cấp tổ đội (như đồng chí Vừ A Chía, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu; đồng chí Sùng A Hồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, đại biểu Quốc hội khóa XIII, đồng chí Hầu Văn Lý, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang…).

Hiện nay, nhà trường còn đào tạo 79 học sinh của nước CHDCND Lào, góp phần thắt chặt tình hữu nghị hai nước Việt - Lào nói chung và hai Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào nói riêng.

Đại tá, Hiệu trưởng Ma Khánh Bào chia sẻ, kinh nghiệm quý báu mà ông và các thế hệ quản lý nhà trường đúc kết được chính là bài học phải hiểu và quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và nhiệm vụ của Bộ Công an giao cho nhà trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ Công an người dân tộc thiểu số, làm công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn TTATXH các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc. Bài học này không bao giờ là lý thuyết suông, không bao giờ cũ…

Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, trường có sự thay đổi về tên gọi cũng như nhiệm vụ và quy mô đào tạo qua 3 giai đoạn: Trường Hạ sỹ quan Công an III (từ năm 1976 - 1985), Trường Trung học ANND I (từ năm 1985 - 1989) và Trường Văn hoá I, Bộ Công an (từ năm 1989 đến nay). 35 năm qua, trường đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, 4 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an, nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên và của Bộ Công an; hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên được các cấp tặng bằng khen, giấy khen. Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống, Trường Văn hoá I đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

Thu Phương
.
.