Những vết thương không mảnh đạn

Thứ Tư, 02/09/2015, 21:24
Có những vết thương không mảnh đạn, không rách thịt, đổ máu nhưng nó ám ảnh số phận con người đến tận cùng. Cho đến thời điểm này, ngoài liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng đã mất, Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ Trại giam Thủ Đức là người duy nhất được chính thức công nhận bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ...

Nhưng thẳm sâu trong anh vẫn là nỗi đau số phận, anh vượt lên, ngẩng cao đầu sống là để “tri ân với đồng đội và những người bên cạnh mình”.

Nỗi đau chưa qua      

Cách đây 14 năm, Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, lúc đó mang quân hàm Trung úy là y sỹ trực tiếp khám bệnh và điều trị bệnh cho phạm nhân tại Trại giam Thủ Đức.

Khoảng 8h15 ngày 6-7-2001, anh Ánh đã trực tiếp cấp cứu phạm nhân Bùi Văn Phú bị nhiễm HIV tại bệnh xá phân trại số 3 -Trại giam Thủ Đức. Trong lúc đang điều trị, đối tượng này đã dùng mảnh sành tự rạch vào động mạch tay, bụng và đùi mình, sau đó dùng ca hứng máu rồi hăm dọa cán bộ và một số phạm nhân khác. 

Trước tình huống như vậy, anh Ánh đã phân tích, giáo dục nhưng Phú không nghe. Hắn còn cầm ca máu nhiễm bệnh của mình hất tung tóe lên người và mặt anh Ánh. Mải cấp cứu cho đối tượng, lại không hề nghĩ đến khả năng bị phơi nhiễm HIV/AIDS, anh Ánh đã không đi xét nghiệm…

Nỗi đau quá khứ vẫn hằn khắc trên gương mặt Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh.

Chẳng ngờ, 3 năm sau, vào giữa tháng 7/2004, anh Ánh đưa vợ vào Bệnh viện 30-4, Bộ Công an để chuẩn bị sinh. Đáng nhẽ đó phải là những ngày hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ khi đón nhận những tiếng khóc đầu đời của đứa con mà họ hằng mong đợi. Thế mà, khi vào làm xét nghiệm để sinh con, Bệnh viện 30-4 đã phát hiện vợ anh nhiễm HIV. Lần đầu tiên bác sỹ Trưởng khoa Sản gọi anh Ánh lên xét nghiệm vì nói vợ nhiễm viêm gan B, anh không nghi ngờ gì. Nhưng 2 hôm sau, bác sỹ lại gọi anh Ánh lên xét nghiệm lần 2. Linh tính nghề y mách bảo anh điều gì đó không lành. Rồi đến lần thứ 3, anh kiên quyết đòi bác sỹ cho xem kết quả: 2 vợ chồng anh đều đã nhiễm HIV.

Vào thời điểm này, quan điểm của mọi người về căn bệnh HIV rất khủng khiếp, bị mắc bệnh đồng nghĩa với án tử. “Lúc đó, mặt tôi tái dại, tôi phải xin 1 điếu thuốc lá rồi ngồi hút để trấn tĩnh ở phòng xét nghiệm. Đến khi tỉnh táo, tôi lao như điên đến Viện Pasteur để xét nghiệm lần nữa với hy vọng Bệnh viện 30-4 đã nhầm. Kết quả vẫn như cũ. Lúc ấy tôi ra đường, xe cộ trên đường phố Sài Gòn như quay cuồng trước mắt. Tôi thất thểu đi, không khóc nổi, chỉ muốn được biến mất trên cõi đời”- khi kể lại những ngày cay đắng và đau khổ nhất của mình, khuôn mặt anh như già thêm mấy tuổi, khắc khổ, nhăn nhúm.

Rồi anh cũng lê bước về đến Bệnh viện 30-4. Nhìn lên tầng 3 thấy vợ đang ngóng xuống chờ chồng, tự nhiên, anh lại bật khóc, khóc như một đứa trẻ. Vợ anh hỏi tại sao, anh vừa khóc vừa nói dối: “Buồn quá vì lúc vợ sanh lại phải về đơn vị”. Sau đó, lấy hết sức lực và bản lĩnh còn lại, anh Ánh đề nghị các bác sỹ, y tá không được cho vợ anh biết kết quả xét nghiệm và làm thủ tục chuyển vợ anh lên Bệnh viện Từ Dũ để mổ đẻ, bắt con luôn, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm từ mẹ sang con.

Mẹ tròn con vuông, tuy nhiên, sau khi sinh, 2 mẹ con theo nguyên tắc bị chuyển ngay sang khoa lây. Thái độ phục vụ của các y tá có thể đã khiến vợ anh nghi ngờ, chị cứ gặng hỏi anh. Anh luôn tìm cớ gạt đi, thậm chí kiếm lý do quay về cơ quan làm việc để không phải đối diện với ánh mắt nghi vấn trong đau khổ của chị…

Rồi 2 mẹ con được về nhà. Một ngày, sau buổi làm, anh trở về, chết lặng khi thấy bên cạnh đứa con nhỏ, vợ anh đã lạnh ngắt với những vỉ thuốc ngủ uống dở và lời trăn trối viết vội. Hóa ra chị đã biết căn bệnh của 2 vợ chồng và không muốn ở trên cõi đời nữa. Như một người vô thức, anh uống nốt những vỉ thuốc còn lại của vợ…

Vợ anh mất, anh chết lâm sàng, tưởng như cũng không thể thoát lưỡi hái tử thần. Bố mẹ anh từ ngoài Bắc vội vã bay vào, cùng bên ngoại lo chôn cất con dâu và chờ lo tiếp cho anh. Đứa con gái nhỏ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Thế nhưng, số phận đã không cho anh chết, buộc anh phải sống, phải đối đầu với thực tại mà sống.

Năm đầu tiên sau khi vợ mất, anh chìm trong đau khổ, anh sống cuộn tròn trong vỏ kén, không tiếp xúc, không nghe điện thoại của bất kỳ ai. “Thời kỳ ấy mình sợ nhất khoảng thời gian 5h chiều, khi các gia đình xung quanh bắt đầu lục tục chuẩn bị bữa cơm tối, vợ chồng con cái sum vầy là mình không chịu được. Mình sống thu hẹp trong bóng tối”- anh Ánh chia sẻ. Và mỗi ngày cuối tuần, anh lại lên thăm con gái, cứ nhìn thấy nó nằm trong cũi, bé tí, đơn côi là anh lại khóc. Lúc nào đi cùng anh cũng có những người bạn cùng đơn vị, họ sợ anh không chịu được…

Đêm 30 Tết năm 2005, khi anh đang đấu điện vào bóng đèn quả nhót trên bàn thờ thì bị giật, ngã lăn ra. Lúc đó, anh đã có ý nghĩ hay cầm vào 2 đầu điện để chết quách đi. Nhưng hình ảnh đứa con bé xíu và bố mẹ già lại hiện lên. “Lúc đó, tôi như người thức tỉnh, tôi nghĩ mình không được chết, mình chết thì bố mẹ già sẽ chết theo, còn đứa con nhỏ ai chăm. Mình phải sống cho 3 người nữa được sống”- anh Ánh quyết tâm.

Sống để tri ân

Ngay sau Tết đó, Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức ngạc nhiên khi thấy anh đến gặp với quyết tâm xin đi làm những công việc khó nhất là quản giáo, quản lý đội trồng rừng. Anh như một con người khác, dẫu vẫn trầm tính, không còn là người cán bộ Đoàn sôi nổi trước đây, nhưng đã bắt tay vào công việc một cách hăng say để quên nỗi buồn quá khứ.

Anh đã vượt lên nỗi đau, tiếp tục làm xuất sắc công việc của người cán bộ y tế tại Trại giam Thủ Đức.

Khi con anh được 24 tháng, anh mừng phát điên khi kết quả xét nghiệm cho thấy cháu đã không nhiễm HIV từ mẹ. Cuối cùng, ông trời cũng không tước hết niềm hy vọng cuối cùng của anh. Anh đón con gái về nhà chăm sóc. “Em không thể tưởng tượng được đâu, con bé sinh ra được 2,5 kg, nhưng 2 tuổi cũng chưa được 4 kg, như một cái dải khoai, mỗi bữa chỉ biết bú một chút sữa. Cứ từ 5h chiều đến 5h sáng hôm sau là nó khóc ngằn ngặt, anh cứ phải bế trên tay, đi lại trong nhà” - anh Ánh hồi tưởng. Những người đồng đội xung quanh muốn trợ giúp nhưng anh chỉ nhờ họ chuyện cơm nước, giặt giũ cho con, còn việc bế ẵm, chăm sóc nó, anh muốn tự mình, anh muốn mình vừa làm cha, vừa làm mẹ cho đứa con gái nhỏ vơi bớt thiệt thòi. Anh cặm cụi rèn cho con uống từng ngụm nước, bắt đầu ăn những thìa bột đầu tiên…     

Yêu con đến tột cùng, nhưng khi con bé gần 5 tuổi, cân nặng nhích đến gần chục ký thì anh quyết định chuyển cháu ra sống cùng ông bà nội ngoài Bắc. Anh nhớ con bé lắm, ngày nào cũng phải gọi điện cho nó. Nhưng anh không thể để con gái ở trong này với bố, bởi anh sợ, một nỗi sợ rất mơ hồ, sẽ chẳng may lây căn bệnh chết người mình đang mang sang con gái…

Dù theo quy định, những người nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp như anh được miễn phí khám, chữa bệnh, nhưng có những xét nghiệm đắt tiền không thể được thanh toán, rồi “có bệnh vái tứ phương”, nghe đâu mách anh đều tìm đến lấy thuốc điều trị. Khoảng 3 năm nay, anh mới được thanh toán chi phí điều trị bệnh…

Hiện nay, anh vẫn đang phải điều trị theo phác đồ để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều khi mệt rã người vì tác dụng phụ của thuốc. Nhưng hằng ngày, anh vẫn cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Từ cán bộ quản giáo, anh lại trở về làm cán bộ y tế của Phân trại K3 của Trại giam Thủ Đức. Cuộc đời và căn bệnh đang mang khiến anh gần gũi, giáo dục tốt hơn với các phạm nhân cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ dẫn đến các hành vi quậy phá. Khu anh phụ trách toàn nhóm phạm nhân thuộc diện giang hồ, cộm cán như Oanh “Hà”, Hải “bánh”…, nhưng họ đã bị thuần phục bởi những người cán bộ trại giam biết dùng nhân tâm để khơi dậy cái thiện.

Trò chuyện với anh, chúng tôi vẫn thấy niềm đam mê công việc cháy bỏng trong từng câu chuyện giáo dục phạm nhân, trong từng trăn trở với nghề nghiệp. 4 năm (2008-2012), anh vẫn nỗ lực đi học và đã hoàn thành chương trình Đại học của Đại học Luật. Anh có thể nghỉ ngơi, không ai trách anh, nhưng anh không muốn. “Bây giờ, mình sống để tri ân, với gia đình, với những người đồng đội của mình ở Trại giam Thủ đức. Mọi người luôn bên mình những lúc khốn cùng nhất, đã tin tưởng và tiếp tục giao cho mình những công việc mình đang làm. Trước khi ra tham dự Đại hội Thi đua lần này, Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam cũng động viên mình ra đó để nói lên tiếng nói của lực lượng, những vất vả, gian khổ và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ của người lính trại giam”

Tôi biết ám ảnh quá khứ vẫn không thể rời xa anh. Trong nhạc chờ điện thoại, anh vẫn đặt bài hát “Nhật ký của mẹ”. Những lời hát da diết: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời. Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần…” cứ ám ảnh đến ứa nước mắt người nghe. Không quên quá khứ, nhưng với nghị lực phi thường của một cán bộ Công an, anh vẫn đang vững tiếp trên con đường đã chọn...

T. Hòa
.
.