60 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam (12/7/1946 – 12/7/2006)

Những chặng đường vẻ vang

Thứ Hai, 10/07/2006, 13:34

Ngày 12/7/1946, lực lượng An ninh trên cả nước đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và được sự hỗ trợ đắc lực của nhân dân, đồng loạt mở cuộc tấn công trấn áp bọn phản cách mạng, đập tan cuộc đảo chính do Quốc dân Đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành trong hoàn cảnh chính quyền cách mạng đang còn non trẻ.

Chiến công vẻ vang đó là mốc son chói lọi, là đỉnh cao của thời kỳ đấu tranh chống thù trong giặc ngoài đầy cam go thử thách của lực lượng An ninh nhân dân (ANND) Việt Nam. Ngày 12/7/1946 trở thành mốc lịch sử vẻ vang - ngày truyền thống của lực lượng ANND Việt Nam Anh hùng.

Sự kiện ngày 12/7/1946 - mốc lịch sử vẻ vang

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 8/1945, dân tộc ta tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ trong bão táp của cuộc cách mạng vĩ đại đó, lực lượng ANND ra đời và được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân.

Vừa mới thành lập, quân số còn rất mỏng, trình độ nghiệp vụ còn non yếu, nhưng lực lượng ANND Việt Nam đã phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Chúng núp dưới danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật nhưng thực chất để thực hiện dã tâm xâm lược nước ta. Các cơ quan tình báo, gián điệp của các thế lực ngoại xâm câu kết với các tổ chức, đảng phái phản động ở trong nước thành liên minh phản cách mạng cực kỳ nguy hiểm. Tình hình đó đã đặt chính quyền cách mạng vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Lực lượng An ninh đã dựa hẳn vào nhân dân, khéo léo vận dụng pháp luật, trấn áp nhiều tổ chức phản động manh động chống chính quyền, bắt và trừng trị nhiều tay sai chỉ điểm, từng bước vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các thế lực nội phản câu kết với ngoại xâm, góp phần tạo thế và lực cho cách mạng, đưa chính quyền thoát khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Bọn Quốc dân Đảng luôn có dã tâm lật đổ chính quyền cách mạng. Được quân Pháp giúp đỡ, Quốc dân Đảng vạch kế hoạch: Lợi dụng quân Pháp tổ chức diễu binh mừng ngày quốc khánh Pháp (14/7), khi đi qua Bắc Bộ Phủ sẽ ném lựu đạn để gây đổ máu. Với lý do này, Pháp đổ lỗi cho ta, kéo ngay vào Bắc Bộ Phủ bắt các thành viên Chính phủ, tuyên bố chính quyền mới của Quốc dân Đảng.

Trinh sát Chính trị của Bắc Bộ Phủ và Nha Công an theo dõi, bí mật bắt một số tên khai thác và nắm được âm mưu đảo chính của Quốc dân Đảng. Đêm 11/7, lãnh đạo Nha Công an và Sở Công an Bắc Bộ quyết định: Phải đột kích vào trụ sở Đuy vi nhô (Bùi Thị Xuân ngày nay), thu chứng cứ trình Chính phủ để được mở cuộc trấn áp Quốc dân Đảng.

Mờ sáng 12/7, một tiểu đội Công an xung phong và trinh sát chính trị bất ngờ đột kích vào 132 Đuy vi nhô. Khi ấy hơn 20 tên Quốc dân Đảng đang nằm ngủ la liệt trên sàn nhà, bên những đống truyền đơn, tài liệu đã đóng gói. Cuộc đột kích thắng lợi. Nhờ có bằng chứng rõ ràng, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng lập tức ra lệnh cho phép lực lượng An ninh mở cuộc trấn áp tất cả các trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân Đảng.

Được nhân dân ủng hộ, trong 2 ngày 12 và 13/7, ta khám xét 41 điểm là trụ sở công khai và bí mật của bọn phản động, bắt hơn 300 tên, trong đó có Phan Kích Nam là Bí thư đệ nhất khu; y còn có chân trong Quốc hội. Trong khi trấn áp, ta còn mở một cuộc triển lãm về tội ác của chúng tại số 7 Ôn Như Hầu, hàng vạn đồng bào ta ở Hà Nội đến xem, càng nhận rõ bộ mặt quốc gia giả hiệu của Quốc dân Đảng. Vì thế, đồng bào càng tích cực giúp đỡ, tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ, làm cho quân đội Pháp không dám can thiệp.

Cuộc trấn áp không chỉ được tiến hành ở Hà Nội, mà nhân cơ hội đó, Nha Công an chỉ đạo các tỉnh đồng loạt mở cuộc trấn áp Quốc dân Đảng. Đây là quyết định sáng suốt, có tác dụng to lớn vì qua đó chúng ta công khai trấn áp trên toàn quốc, làm tan rã lực lượng của một đảng chính trị phản động nhất lúc bấy giờ.

Cuộc tổng trấn áp Quốc dân Đảng thắng lợi, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do chúng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp trước 48 giờ, xứng đáng là một mốc lịch sử vẻ vang, là đỉnh cao sau gần 1 năm chiến đấu liên tục để góp phần củng cố chính quyền cách mạng, đưa chính quyền thoát khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Lực lượng ANND đấu tranh chống phản cách mạng, góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược

Trong kháng chiến chống Pháp, ở vùng địch kiểm soát, lực lượng An ninh đã đưa hàng trăm cơ sở thâm nhập vào các cơ quan đầu não của địch để thu thập tin tức. Ngoài ra, cơ sở của ta còn tác động, làm tan rã hoặc đưa cả trung đội địch về với cách mạng, nhất là ở chiến trường Nam Bộ. Những tấm gương hy sinh của 24 anh hùng liệt sỹ như Võ Thị Sáu, Lê Bình, Tôn Thất Cảnh, Bùi Thị Cúc, Trần Quý Lý... mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ ANND noi theo.

Lực lượng ANND vùng tự do luôn là nòng cốt tổ chức và chỉ đạo các phong trào "Ngũ gia liên bảo", "Thập gia liên bảo", "Bảo mật phòng gian" nhằm củng cố vững chắc chính quyền. Nhờ có phong trào rộng khắp và thiết thực nên đồng bào ta không chỉ cảnh giác bảo vệ xóm làng mà còn tạo thành thế trận thiên la địa võng, bịt tai che mắt kẻ thù. Lực lượng ANND mưu trí, dũng cảm đánh bại mọi kế hoạch thâm độc của các cơ quan gián điệp Pháp, bắt hàng trăm ổ, nhóm gián điệp và diệt hàng nghìn tên gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù, đồng thời còn dùng điệp viên của chúng để đánh bại chúng.

Tiêu biểu như Chuyên án TN25 kéo dài 6 năm (1953-1958), đã bắt được 3 điệp viên và sử dụng chúng để buộc cơ quan gián điệp Pháp hoạt động theo sự sắp đặt của ta. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, lực lượng An ninh của ta còn tiếp tục sử dụng 3 điệp viên này để bóc gỡ các đầu mối gián điệp cài lại mà kẻ thù không biết.

Chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong đó có lực lượng An ninh góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới.

(Còn nữa)

Trọng Bình - Phương Thảo
.
.