Những câu chuyện về một thời oanh liệt

Thứ Ba, 26/01/2010, 09:37
"Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc đã lùi xa, nhưng vẫn khắc sâu trong ký ức tôi niềm thương và nỗi nhớ khôn nguôi đồng đội của mình. Những chiến sĩ An ninh đã sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho cuộc sống thanh bình no ấm và hạnh phúc hôm nay…" - Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Chánh văn phòng Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III, đã trầm ngâm nói với tôi vào một chiều cuối năm mưa rét.

12 năm vào sinh ra tử "nếm mật nằm gai" ở chiến trường Trị Thiên - Huế, giờ đây, Thiếu tướng Phan Văn Lai tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng lúc nào ông cũng đau đáu về một thời oanh liệt và về  những kỷ niệm không thể phai mờ…

Lời dặn dò trước lúc hy sinh

Tháng 6 năm 1967, tôi (Phan Văn Lai) được điều động từ Thừa Thiên - Huế về Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế, ở thượng nguồn sông Ô Lâu, chuẩn bị mở đợt "tấn công toàn diện mùa thu 1967". Ngày lên đường về huyện Phú Vang, đồng chí Nguyễn Thành Khiêm (Nguyễn Đình Bẩy), Phó trưởng ban An ninh Khu nắm chặt tay tôi, dặn dò: "Giữ sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ". Tôi xúc động nghẹn ngào và theo giao liên về huyện Hương Thủy. Được gặp lại đồng chí Lê Như Khánh (29 tuổi), là Trưởng ban An ninh huyện. Người bạn nghĩa nặng tình sâu đã cùng công tác ở Công an tỉnh Hà Nam, cùng học lớp B2 ở Trường C500. Sau thời gian xa nhau, bây giờ gặp lại, chúng tôi kể với nhau đủ thứ chuyện.

Câu chuyện giữa hai người đang cuốn hút, chợt Khánh dừng lại và nhìn xa xăm đăm chiêu nói: "Anh Thi (tức đồng chí Phan Văn Lai-PV), công tác ở huyện gian khổ lắm. Nếu em có mệnh hệ gì, anh may mắn còn sống thì hãy cố tìm và đưa em về quê hương nhé!". Tôi sững sờ, cố trấn tĩnh động viên Khánh: "Đừng nói gở thế, anh em mình cao số lắm. Chờ kháng chiến thắng lợi, anh em mình trở về quê hương đấy".

Cuộc chiến đấu ở Thừa Thiên - Huế ngày càng ác liệt. Một lần địch xăm trúng hầm bí mật và kêu gọi đầu hàng, với khí phách anh hùng và tấm lòng kiên trung với Đảng, với dân với nước, đồng chí Khánh đã bật nắp hầm, nhảy lên bắn trả quyết liệt, tiêu diệt kẻ thù và anh dũng hy sinh. Giữ trọn lời hứa, ngay sau ngày Thừa Thiên - Huế được giải phóng (26/3/1975), tôi về ngay nơi đồng chí Khánh đã hy sinh, tìm ngôi mộ Khánh, rồi sau đó cùng gia đình đưa hài cốt Khánh về quê hương thành Nam.

Trở lại lần về Phú Vang. Người đón tôi là đồng chí Lê Văn Trĩ, cán bộ An ninh huyện. Dù chưa một lần gặp nhau nhưng Trĩ đón tôi như người ruột thịt. Sau Tết Mậu Thân 1968, huyện Phú Vang bị địch tấn công khốc liệt, cán bộ An ninh ở lại bám trụ trong dân hy sinh nhiều. Đồng chí Trĩ được đề bạt Phó trưởng ban An ninh huyện và trở thành một biểu tượng về tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất khiến bọn tề ngụy trong vùng phải run sợ. Một lần đồng chí đi sinh hoạt cơ sở, trên đường trở về hầm bí mật bị lọt vào ổ phục kích của địch. Đồng chí đã kiên quyết bắn trả đến viên đạn cuối cùng, diệt 2 tên, làm bị thương 3 tên và anh dũng hy sinh vào đêm 29/4/1970. Đồng chí Lê Văn Trĩ đã xứng đáng được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Về Phú Vang tôi còn được gần gũi với đồng chí Tạo (Bùi Thế Hùng), Trưởng ban An ninh huyện, quê ở Phú Lộc, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Thấy anh nhiều tuổi mà chưa chịu xây tổ ấm, chúng tôi yêu mến "gán ghép", anh chỉ cười: "Muốn đấy nhưng trăn trở lắm. Chiến tranh ác liệt quá, bản thân mình có hy sinh cũng nhẹ nhàng. Có vợ rồi, lỡ mình hy sinh thì để lại đau khổ cho người ta…".

Nào ngờ, sau Tết Mậu Thân 1968, bọn tề ngụy đã triệt phá hết cả thôn Vĩnh Lưu, nơi có nhiều hầm bí mật các chiến sĩ An ninh ẩn náu. Chúng đã xăm trúng hầm anh Tạo. Chúng kêu gọi đầu hàng thì anh đã bật nắp hầm bắn lại và anh đã hy sinh. Đã xa nhau hơn 40 năm, bạn tôi đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng nhưng nỗi nhớ thương và những lời tâm tình của người đồng đội vẫn còn mãi mãi trong trái tim tôi.

Những chiến công giòn giã và  những đau thương

Đầu tháng 1/1968, tôi đang ở Phú Vang thì nhận được mệnh lệnh của đồng chí Nguyễn Thành Khiêm (Bẩy Khiêm) là phải lên ngay An ninh khu nhận nhiệm vụ mới. Tôi nhận lệnh và thực hiện nhiệm vụ, kịp trở về tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Huế. Chiều mồng 1 Tết, từ căn cứ miền núi Lương Miêu, đoàn quân do đồng chí Nguyễn Thành Khiêm chỉ huy tiến sát bờ sông thuộc địa phận làng Đình Môn (Dương Hòa) thì trời xẩm tối.

Đến mờ sáng mồng 2 Tết, đoàn quân đến địa phận chùa Từ Đàm thì gặp đồng chí Hải Thanh là cán bộ điệp báo thành Huế ra đón, dẫn vào nội thành. Khi vừa đến cầu Bến Ngự, bất ngờ bọn cảnh sát bố phòng ở đây nổ súng, Hải Thanh cùng mấy đồng chí nữa đã hy sinh ngay từ loạt đạn đầu của kẻ thù. Bất chấp nguy hiểm, chúng tôi ào ào xông tới nổ súng khiến bọn cảnh sát khiếp đảm và bỏ chạy tán loạn…

Vượt qua cầu Bến Ngự, chúng tôi tiến vào khu vực đường Nguyễn Hoàng, nhà số 3 có gia đình Phó Tỉnh trưởng, kêu gọi đầu hàng nhưng hắn đã ném lựu đạn chống trả. Ngay lập tức hắn bị tiêu diệt. Với khí thế cách mạng sục sôi và thế tiến công như chẻ tre, quân ta xông lên, giải thoát cho 2.300 cán bộ đảng viên, cơ sở cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Thừa Phủ. Đồng chí Bảy Khiêm chỉ đạo tôi và các cán bộ An ninh xông vào các cơ quan địch, thu được nhiều tài liệu tối mật, bắt được một số đối tượng quan trọng đang lẩn trốn.

Giữa tháng 5/1968, đồng chí Bẩy Khiêm về lại Phú Vang. Chúng tôi được bà Lê Thị Giáng, bà Lê Thị Hạnh nuôi dưỡng và che giấu dưới hầm bí mật. Sau bữa ăn sáng, bỗng pháo bắn dữ dội, theo quy luật thì địch sẽ càn vùng này. Đồng chí Bẩy Khiêm và tôi được đưa đến hầm bí mật ở Rú Hà Thượng. Sang ngày thứ 6, qua lỗ thông hơi, chúng tôi nghe thấy tiếng gọi: "Chú Khiêm, chú Thi lên ngay đi". Nghe rõ người của mình, tôi bật nắp hầm và chúng tôi lên khỏi mặt đất vào nhà ông Hoàng Sa. Thì ra, mấy ngày qua, những người gia đình ông đã phải chịu những trận đòn tra khảo đánh đập dã man của bọn địch. Chúng còn hăm dọa đốt nhà nếu không chịu chỉ hầm bí mật nuôi giấu "Việt cộng". Nhưng gia đình ông vẫn một lòng một dạ, cam chịu cực hình để bảo vệ những cán bộ An ninh chúng tôi…

Sau 12 năm được chi viện vào chiến trường Trị Thiên - Huế, tôi được về công tác ở Bộ Công an... Tôi kể lại những kỷ niệm một thời ở chiến trường mà tôi không thể nào quên, chính là sự tri ân, nhớ tới các anh, các chị đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Lai)

Quý Kim
.
.