Những “cảm tử quân” cứu hộ, cứu nạn

Thứ Hai, 09/07/2007, 11:48
Để tìm vật chứng vụ ám sát NS Thanh Nga, Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Hà (Tổ cứu hộ, cứu nạn, Công an TP HCM) ôm dây bảo hiểm lặn xuống sông Sài Gòn ngay phía chân cầu Bình Lợi. Không may, chất nổ của địch gài dưới chân cầu đã phát nổ. Các anh hy sinh chỉ vì lời khai giả của thủ phạm.

Ngay từ khi thành lập Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM, quân số của tổ cứu hộ, cứu nạn (CHCN) luôn chỉ có trên dưới 10 người. Vậy mà hàng chục năm qua, lực lượng CHCN đã viết nên những sự tích thần kỳ. Những chiến sĩ bình dị ấy vẫn lặng lẽ "có lệnh là đi", rất ít ai muốn nói về mình.

Họ đã nhiều lần lao vào lửa cứu người; rất nhiều lần ngụp lặn tìm kiếm hung khí, vật chứng của các vụ trọng án, lặn tìm cứu người và mò mẫm kiếm tìm xác chết ở những vùng lũ xoáy, cảng sâu… Trong tháng ngày gian nan khổ cực ấy, đã có 2 đồng chí thuộc tổ CHCN anh dũng hy sinh…

Nhớ mãi tiếng nổ dưới chân cầu Bình Lợi

Đầu tháng 7/2007, đến làm việc với Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, Đại tá Trần Triều Dương, Giám đốc Sở kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động về Đội CHCN: "Nhiều người vốn chỉ biết đến lực lượng PCCC qua những cuộc chiến đối đầu với giặc lửa, song còn một lực lượng khác đó chính là những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn.

Có thể khẳng định, họ là những người dũng cảm và chịu nhiều khổ cực nhất. Nhân kỷ niệm lần thứ 45 Ngày Truyền thống của lực lượng CSND, nếu được, Báo CAND nên tìm hiểu viết về những chiến công của họ…".

Nói đoạn, Đại tá Trần Triều Dương dẫn tôi đến tận nơi, để gặp những con người bình dị mà làm được những việc thật phi thường.

Điều đầu tiên dễ nhận ra là tất cả anh em trong Đội CHCN nét mặt ai cũng hiền lành. Trước khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC, Đội CHCN chỉ là 1 tổ công tác trực thuộc Đội PCCC trung tâm. Người cao tuổi nhất và cũng gắn bó với nghề "ngụp lặn" lâu nhất chính là anh Nguyễn Ngọc Tốt, 51 tuổi. Anh Tốt không phải là lực lượng Công an chính quy, mà anh là nhân viên Công an nhân dân (bậc lương 7/7).

Theo như anh Tốt nói thì anh về đầu quân cho lực lượng CHCN thuộc Phòng Cảnh sát PCCC ngay từ khi đơn vị này mới thành lập. Số cũ hiện nay còn lại chỉ có 2 người là anh và anh Ngô Văn Út.

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về công việc gian khó mà các anh đã làm, anh chỉ tay sang chỗ Đội phó Huỳnh Văn Tuấn: "Chúng tôi làm thì nhiều lắm nhưng chẳng ai nhớ đâu. Tuấn là lớp sau này nhưng thuộc lính "sành điệu và chiến đấu" của Đội CHCN đấy. Còn chuyện lặn tìm xác chết thì rõ là "chuyện thường ngày" rồi.

Nhưng muốn nói về lính CHCN, nhà báo hãy dành nhiều đến sự hy sinh dũng cảm của lính CHCN, mà điển hình phải kể về sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Hà… Câu chuyện thật dài nhưng bây giờ cứ mỗi lần có ai đó nhắc đến "Vụ án Thanh Nga" là chúng tôi lại bùi ngùi nghĩ về đồng đội. Cũng chính từ vụ án này mà Bảy và Hà đã phải hy sinh ngay tại dòng sông, trụ cầu Bình Lợi".

Được biết, ngay sau khi nghệ sĩ (NS) Thanh Nga bị giết hại (23h ngày 26/11/1978, tại nhà riêng số 114 Ngô Tùng Châu, quận 1, TP HCM), tại TP HCM liên tiếp xảy ra 2 vụ án bắt cóc tống tiền gia đình NS Kim Cương và vợ chồng bác sĩ Nguyễn Lã Hỉ.

Bọn bắt cóc con NS Kim Cương và con bác sĩ Lã Hỉ đều buộc mỗi gia đình phải nộp đủ 20 lượng vàng thì con của họ mới bảo toàn tính mạng. Tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các vụ án đã làm cho nhiều người dân thành phố lúc bấy giờ hết sức hoang mang lo sợ.

Ngay sau vụ sát hại NS Thanh Nga, dư luận đã có nhiều hung tin đồn thổi khác nhau. Đối với lực lượng tham gia phá án, Bộ Công an và Công an TP đã tuyển chọn một lực lượng có nhiều kinh nghiệm chỉ huy cùng với Phòng CSHS trực tiếp phá án.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ với quyết tâm cao độ, sau nhiều tháng ròng tầm nã gắt gao, cuối cùng Nguyễn Thanh Tân, thủ phạm chính của vụ án cùng đồng phạm liên quan đều bị bắt.

Trở lại vụ án NS Thanh Nga, trong những bản cung đầu tiên, với bản chất của một tên tội phạm lì lợm và gian ác, trước sau Tân chỉ khai rằng: Khi đồng phạm của hắn là Nguyễn Văn Hóa, đi nhận vàng theo nội dung bắt cóc tống tiền… đã bị lực lượng Công an bao vây, truy đuổi… Hóa bị bắn trọng thương.

Lúc chở Hóa trên xe Honda 67… chạy trên cầu Bình Lợi, sợ bị bắt nên Tân đã móc khẩu súng P38 (nghi là khẩu súng gây án) vứt xuống cầu Bình Lợi.

Theo Ban Chuyên án, muốn đấu tranh đánh gục được Tân, làm rõ thủ phạm đã giết NS Thanh Nga, bằng mọi cách phải mò tìm bằng được khẩu súng P38 mà tên Tân khai đã "quăng xuống cầu Bình Lợi".

Nhận lệnh của Ban Chuyên án, Ban Chỉ huy Phòng CSHS đề nghị Phòng CS PCCC tuyển chọn lực lượng giỏi nghề lặn đến cầu Bình Lợi mò tìm khẩu súng P38… Tổ CHCN nhận lệnh lên đường.

Sau hơn 3 giờ ngụp lặn dưới lòng sông, có đoạn sâu tới 30m, các anh Nguyễn Ngọc Tốt; Ngô Văn Út; Nguyễn Văn Bảy, Võ Văn Hà… đã thay phiên nhau ngụp lặn dưới dòng sông sâu, nước đang cuộn dâng chảy xiết… Cái đói, rét nhức nhối đến bầm da, buốt óc các anh không nản chí… Nhưng nỗi ám ảnh về bom mìn địch gài chống đặc công ta phá cầu trước giải phóng đã khiến không ít người lo lắng từng giây…

Cuộc lặn tìm khẩu súng P38 đã bước sang ngày thứ 2. Trong ca lặn cuối cùng trong ngày này Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Hà ôm dây bảo hiểm lặn xuống sông ngay phía chân cầu Bình Lợi (vị trí mà tên Tân chỉ nơi hắn vứt khẩu P38 xuống sông). 5 phút, rồi 10 phút trôi qua, hàng chục người dõi theo, hồi hộp chờ đợi... Và 20 phút, 25 phút… vẫn không thấy Bảy và Hà nhô lên mặt nước…

Chờ mãi đến 30 phút, đồng đội của các anh đã nhắc thử đoạn dây bảo hiểm… Tiếng anh Tốt hét lên: "Hà ơi, Bảy ơi… sao lại thế này?". Đầu dây bảo hiểm nhẹ tênh.

Không ai tin được dưới độ sâu tới 30m ấy, chất nổ của địch gài dưới chân cầu đã phát nổ. Choáng váng vì sức ép của nước do chất nổ gây nên,  cả 2 thợ lặn đã buông bình hơi…

Các anh đã hy sinh, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng đội. Và càng căm phẫn Tân hơn khi biết được lời hắn khai vứt súng xuống cầu Bình Lợi là giả dối. Sau này, Ban Chuyên án đã thu được khẩu súng P38 ngay dưới hầm cầu nhà em của Nguyễn Thanh Tân.

Vụ án đã kết thúc thắng lợi, Nguyễn Thanh Tân và đồng bọn của hắn đã phải đền tội nhưng đối với những cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án, cũng như lực lượng CS PCCC thì không bao giờ quên được tấm gương anh dũng hy sinh của 2 anh Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Hà ngay khúc sông chân cầu Bình Lợi hôm nay

(Còn nữa)

Xuân Xe
.
.