Những bản mật mã góp phần làm nên chiến công

Thứ Năm, 01/04/2010, 08:51

Trong chiến thắng của dân tộc ngày 30/4/1975 có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cơ yếu CAND. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội quân này đã thầm lặng phục vụ chiến đấu, công tác, viết nên trang sử đáng tự hào..

Tham gia chống gián điệp, biệt kích

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi Mỹ- ngụy ráo riết triển khai hoạt động gián điệp biệt kích (GĐBK), công tác đấu tranh chống GĐBK là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong đấu tranh chống phản cách mạng của nhân dân ta. Trong 12 năm (1962-1973), địch đã tung ra miền Bắc 78 toán, gồm 463 tên và đều bị ta tóm gọn.

Để đập tan âm mưu của chúng, Bộ Công an phải mở nhiều chuyên án cùng lúc, tại nhiều địa bàn. Khi ta đã khống chế được bọn GĐBK, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải tìm hiểu được luật mật mã và điện đài địch sử dụng, nhằm khống chế, điều khiển nội dung các phiên liên lạc giữa các toán GĐBK với Trung tâm chỉ huy của chúng ở miền Nam, tạo điều kiện để an ninh ta đối phó với những âm mưu lâu dài của chúng. Được xác định là một trong những khâu quyết định thắng lợi của "trò chơi nghiệp vụ", nên trách nhiệm đặt lên vai lực lượng Cơ yếu trong những năm tháng chiến tranh là hết sức nặng nề.

Công trình "Phương Đông" phục vụ yêu cầu thông tin liên lạc.

Không chỉ sử dụng luật mật mã của ta để phục vụ công tác chỉ đạo của Ban chuyên án, cán bộ Cơ yếu tham gia chuyên án còn phải nghiên cứu, nắm và sử dụng luật mật mã của địch, để bắt liên lạc với Trung tâm chỉ huy của chúng. Cuộc đấu tranh này luôn diễn ra thầm lặng, tuyệt đối bí mật, nhưng cũng vô cùng cam go, quyết liệt. Chỉ cần một sai sót nhỏ nhất của bản điện mã, cũng có thể gây thất bại cho chuyên án, thậm chí, lộ hết ý đồ nghiệp vụ và đối sách đấu tranh của nhiều chuyên án khác. Vì thế, yêu cầu thận trọng, tỉ mỉ, chính xác và khẩn trương được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi cơ yếu tổ chuyên án thường phải làm việc suốt đêm, lại phải thường xuyên di chuyển địa điểm theo "mệnh lệnh" của địch. Ròng rã 12 năm liên tục, gần 200 lượt CBCS Cơ yếu đã vượt qua mọi gian khó, hy sinh trực tiếp tham gia các chuyên án. 

Những bức điện lịch sử

Không chỉ góp phần hoàn thành nhiệm vụ ở hậu phương lớn miền Bắc, hàng trăm cán bộ Cơ yếu đã lên đường vào Nam, mang theo hàng trăm ngàn tài liệu mật mã, chi viện cho chiến trường đánh giặc. Vừa chiến đấu, lực lượng Cơ yếu CAND vừa nỗ lực hết mình để bố trí đầy đủ mạng liên lạc mật mã, đảm bảo thông suốt giữa Bộ Công an với An ninh TƯ Cục, An ninh các tỉnh và các đơn vị đặc biệt. Có mặt ở tất cả các địa bàn, từ căn cứ cách mạng đến sào huyệt của kẻ thù, các cán bộ Cơ yếu luôn dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, để bảo vệ an toàn tài liệu mật mã và chuyển ra Bộ Công an hàng ngàn nguồn tin có giá trị chiến lược, giúp Bộ Chính trị, Bộ Công an kịp thời đánh giá tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng.

Bức điện lịch sử mà lực lượng Cơ yếu An ninh TƯ Cục vinh dự được giải mã vào tháng 12/1967, phải kể đến là "Kế hoạch Mậu Thân 1968" với ngày, giờ tấn công và nổi dậy của quân, dân miền Nam. Nội dung bức điện không chỉ đươc giải mã nhanh chóng, mà còn đảm bảo tuyệt đối an toàn, giúp Ban An ninh TƯ Cục chỉ đạo kịp thời, thống nhất các lực lượng An ninh hiệp đồng chiến đấu.

Tháng 9/1972, một bức điện tuyệt mật về cuộc họp giữa Bun-ke, Nguyễn Văn Thiệu và 2 cố vấn của Thiệu với Kitsingiơ về việc "chuẩn bị một Chính phủ 2 thành phần (chứ không phải 3 thành phần), phe Mỹ đa số, ta là thiểu số. Mỹ có thể bỏ Thiệu, Thiệu đã bất bình với Kitsingiơ" đã đươc Cơ yếu An ninh TƯ Cục chuyển mã về Bộ Công an. Nguồn tin cực kỳ quan trọng này được thông báo kịp thời, đã giúp Bộ Chính trị nghiên cứu và có hướng chỉ đạo phù hợp, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Tháng 3/1973, Cơ yếu Bộ Công an lại được mã một tài liệu quan trọng, chỉ đạo An ninh khu Sài Gòn - Gia Định thông báo bí số danh sách tuyệt mật của 110 tên chóp bu chính quyền Sài Gòn, 224 tên cầm đầu các đảng phái, tôn giáo, tổ chức phản động ở miền Nam, mà ta cần có đối sách chiến lược hay phải bắt sống một số tên. Những tin tức nóng hổi về hơn 10.000 tù chính trị cốt cán của ta bị địch đưa đi giam giữ ở nhiều nhà tù và không trao trả cho ta, cũng được Cơ yếu An ninh miền Nam mã gửi báo cáo Bộ Công an, để Bộ chính trị chủ động có đối sách bảo vệ cán bộ ta và đấu tranh hiệu quả với địch.

Đặc biệt, ngày 4/1/1975, bức điện mật về một cuộc họp nội các Sài Gòn do Thủ tướng Trần Thiện Khiêm của chính quyên Sài Gòn chủ trì, đã được Cơ yếu An ninh Sài Gòn - Gia Định mã hóa, gửi hỏa tốc về Bộ Công an. Những nhận định của địch về ta tại cuộc họp này và thông tin "Trần Văn Hương có ý tách khỏi Nguyễn Văn Thiệu" là những thông tin chiến lược rất giá trị được chuyển kịp thời.

Hơn 2 thập kỷ chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, đã có gần 500 CBCS Cơ yếu từ miền Bắc chi viện miền Nam, trong đó, 24 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Ghi nhận chiến công sáng chói của lực lượng Cơ yếu CAND, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng ba cho lực lượng cơ yếu CAND. 2 đơn vị trực thuộc Cục Cơ yếu CAND được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND

Thanh Hằng
.
.