Nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS:

Những bác sỹ đặc biệt ở trại giam

Thứ Năm, 02/12/2010, 10:53
Nhiều lần đến các trại cải tạo, chúng tôi có những cuộc tiếp xúc với các nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc phạm nhân có AIDS và không khỏi xúc động bởi sự hy sinh, quên mình vì người bệnh của các anh chị.

1. Xuân Nguyên là trại giam loại I nên trong số những phạm nhân đang thụ án tại đây có không ít đối tượng từng gây nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Điều đáng nói là trong số những phạm nhân đang thụ án tại đây, có một số lượng khá lớn những phạm nhân có HIV/AIDS trước khi đưa vào trại. Những ai từng đến đây vài lần đã không xa lạ gì với những tiếng rên đau đớn của bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối với ánh mắt đờ đẫn, tuyệt vọng.

Thấp thoáng trong căn phòng điều trị, Thượng úy, bác sỹ  Phan Thị Hải, phụ trách Bệnh xá Phân trại số 2 đang  khám bệnh cho các phạm nhân AIDS giai đoạn cuối. Hơn 10 bệnh nhân nằm chật kín các giường trong căn phòng chừng 20m2. Thân thể họ gầy quắt, chỉ còn da bọc xương với những vết lở loét… Nhìn bàn tay mảnh dẻ cẩn trọng tiêm thuốc cho bệnh nhân của Hải, những lời thuyết phục bệnh nhân uống thuốc của cô mới thấy hết sự kiên nhẫn và nghị lực của các bác sỹ mang hai màu áo khi phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề, đặc biệt là khả năng phơi nhiễm.

Khám bệnh cho phạm nhân ở Trại giam số 2 - Công an TP Hà Nội.

Vất vả nhất đối với các thầy thuốc chăm sóc phạm nhân mang bệnh AIDS ở các trại giam là hằng ngày phải đối mặt các phạm nhân  không muốn được chữa trị vì tuyệt vọng. Nhiều khi phạm nhân sắp mất, cán bộ Trại báo về gia đình, nhưng gia đình các phạm nhân này nhất quyết không nhận về, họ còn gọi điện nhờ trại lo giúp. Với  những trường hợp ấy, bác sỹ Hải và các đồng nghiệp phải động viên, an ủi để họ không bi quan, tích cực chữa trị.

Tiếp xúc với chúng tôi, bác sỹ Hải bảo: Cơ duyên đưa cô gắn bó với các bệnh nhân trong trại giam bắt nguồn từ việc thấu hiểu công việc của bố mẹ đều là quản giáo ở trại giam. Từ tấm gương sáng của cha mẹ, khiến Hải hiểu và yêu nghề quản giáo. Do vậy sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Thanh Hóa, cô xin vào Trại cải tạo Xuân Nguyên làm công tác y tế. Công tác ở đây được một thời gian, cô được Trại cử đi học Đại học Quân y. Tốt nghiệp, cô lại về công tác tại trại. Với Hải, trạm xá của trại như một bệnh viện đa khoa nhỏ và thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình...

Bác sỹ Phan Thị Hải cho biết, những người bị nặng thường bị lở loét. Bây giờ có trang thiết bị còn đỡ, trước đây trạm xá phải khoét giường tạo lỗ thủng để cho các mảng mục da thịt có chỗ rơi rụng xuống. Nếu nhìn thấy cảnh tượng ấy, nhiều người có lẽ sẽ bỏ nghề mà chạy… Nhìn người nữ bác sỹ này nhẹ nhàng lau rửa, vệ sinh cho những phạm nhân lở loét đầy mình, bón cho họ từng thìa cháo, chúng tôi chợt nhận ra rằng, nếu không có một trái tim biết yêu thương, nhân hậu, sự hy sinh thầm lặng, hẳn rằng chị và những cán bộ,  nhân viên y tế nơi đây khó có thể thực hiện được những nghĩa cử đó ròng rã nhiều năm trời. 

2. Có mặt tại bệnh xá của Trại tạm giam - Công an Nghệ An vào lúc quá trưa. Vào tới nơi đúng lúc Trung tá Ngô Minh Nghi, y sỹ của bệnh xá đang nựng một bé trai kháu khỉnh. Gặp chúng tôi, anh cho biết: Đây là con của phạm nhân Lang Thị Luân, quê ở Sơn Kim, Quế Phong (Nghệ An). Tính đến nay cháu được 3 tháng tuổi, cháu có tên là Hà Ngọc Thạch.

Có lẽ đây cũng là một trong những trường hợp khá đặc biệt ở bệnh xá này. Mẹ cháu phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy và bị bắt vào hồi đầu năm, khi vào Trại đã mang thai tháng thứ 6. Mẹ phạm tội nhưng con trẻ thì vô can, nên các bác sỹ tại đây phải dành một "chế độ đặc biệt" cho Lang Thị Luân.

Đọc được vẻ tò mò qua ánh mắt của chúng tôi, Trung tá Nghi - người đã có hơn chục năm công tác tại đây cho biết: Tính đến nay, anh và các đồng nghiệp đã trực tiếp làm bà đỡ cho hàng chục đứa trẻ ra đời trong khuôn viên của Trại.  Chăm sóc các phụ sản ở trại giam được coi là công việc "nhàn nhã" nhất vì ở trại giam có cả ngàn phạm nhân này mang đủ các loại bệnh nên công việc của các anh vất vả gấp bội. Được biết tại đây do số phạm nhân đông, trong đó tỷ lệ phạm nhân liên quan đến ma túy chiếm 40-50%, nên lượng bệnh nhân tại đây cũng rất lớn.

Bệnh xá quy mô có 25 giường nhưng hiện đã phải kê tới 32 giường cho các bệnh nhân. Không thiếu một thứ bệnh gì, từ viêm dạ dày, viêm gan B, viêm phế quản, đường tiết niệu, tim mạch... nan giải nhất vẫn là căn bệnh HIV/AIDS. Người ít, việc nhiều nên anh em phải làm quần quật, hầu như không bao giờ được nghỉ theo chế độ quy định. Thậm chí, chuyện được nghỉ bù, nghỉ phép là chuyện rất hiếm hoi…

Dạo một vòng quanh các phòng bệnh nhân chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả của những  chiến sỹ Công an mặc áo blu trắng tại đây. Cũng như Trại giam Xuân Nguyên, bệnh nhân có HIV/AIDS giai đoạn cuối ở đây thường bùng phát đủ các loại bệnh. Nhiều trường hợp nặng chuyển đến bệnh viện chuyên ngành nhưng do hết chỗ nên các anh em y tế đành phải để lại và tiếp tục chăm sóc.

Hôm chúng tôi đến, phạm nhân N.T.L., một trường hợp có HIV khá nặng vừa được đưa từ bệnh viện tỉnh trở về. Phạm nhân này có AIDS kéo theo tình trạng ho ra máu, đi ngoài, viêm phổi... Từng giờ, từng ngày tiếp xúc với bệnh nhân như thế, các nhân viên y tế thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.

Không giống như những bệnh nhân ngoài xã hội, những bệnh nhân ở đây lại là những phạm nhân nên có những trường hợp rất bướng bỉnh. Có trường hợp một phạm nhân có HIV chán đời đã rạch tay cho chảy máu để… dọa các y, bác sỹ, không cho khám chữa bệnh… Ngoài những bệnh nhân nặng thường xuyên nằm tại bệnh xá, các y, bác sỹ tại đây phải chăm sóc các bệnh nhân khác tại phòng giam giữ. Vất vả là vậy nhưng những y, bác sỹ tại đây vẫn ngày đêm lặng lẽ đảm nhận các công việc mà Ban Giám thị trại giam giao cho.

3. Đến nhiều cơ sở giam giữ thuộc lực lượng Công an như Trại cải tạo Xuân Nguyên, Trại tạm giam - Công an Nghệ An, Trại tạm giam số 3 - Công an TP Hà Nội… chúng tôi được chứng kiến, được nghe nhiều trường hợp, nhiều câu chuyện thật cảm động về những chiến sỹ - bác sỹ đang làm việc tại các bệnh xá nơi đây.

Làm việc trong môi trường và điều kiện còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc nhiều, những tai nạn nghề nghiệp vẫn luôn rình rập, khả năng phơi nhiễm cao… đang là những thực tế mà các y, bác sỹ mang  hai màu áo tại các trại tạm giam, trại cải tạo thuộc lực lượng Công an trên toàn quốc vẫn đang phải đối mặt.

Vượt lên trên những khó khăn, vất vả họ vẫn đang từng ngày, từng giờ thực hiện tròn hai vai trách nhiệm của mình đối với những bệnh nhân cũng là phạm nhân trong trại. Phải có một tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và y đức đối với người bệnh, những cán bộ, chiến sỹ mang trên mình hai màu áo đó mới có thể vượt qua những khó khăn, vất vả

.
.