Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân 12/7:

Người về sau những chiến công

Thứ Hai, 11/07/2005, 06:36
Gần 60 năm qua, lực lượng An ninh nhân dân trở thành một đội ngũ hùng hậu ngày càng tô thắm thêm truyền thống anh hùng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân.

Trên trận tuyến thầm lặng không tiếng súng, các thế hệ An ninh nhân dân có mặt ở hầu hết các địa bàn từ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thành phố, nông thôn, biên giới, hải đảo và ngoài phạm vi đất nước mình. Họ làm nên chiến công, nhưng không bao giờ có mặt trong thời khắc tuyên dương công trạng. Trong thế trận an ninh nhân dân, các chiến sĩ An ninh hòa mình vào nhân dân, bao giờ cũng về sau chiến công bởi họ tâm niệm một lẽ sống "Chỉ biết còn Đảng là còn mình"!

Có một nhà văn đã dành câu văn đẹp như thế để diễn đạt về sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của lực lượng An ninh nhân dân nhân ngày truyền thống của lực lượng này (12/7/1946 - 12/7/2005).

Nhớ lại giữa năm 1946 ấy, cách đây gần 60 năm, hẳn mỗi người Việt Nam đang sống trong tự do và độc lập bây giờ sẽ còn nhớ mãi cái thuở vận nước như ngàn cân treo trên sợi tóc! Chưa đầy một năm, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn lịch sử tại Quảng trường Ba Đình, chính thức tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á, thù trong giặc ngoài tứ phía bao vây hòng tiêu diệt chính quyền nhân dân non trẻ của chúng ta.

Còn nhớ tháng 6/1946 ấy, theo Hiệp ước Hoa - Pháp, quân Tưởng sẽ rút về nước, quân Pháp được vào miền Bắc thay thế. Vì thế mà bọn phản động tay sai của Tưởng, một số thì chạy theo về Trung Quốc, số khác ở lại cam tâm làm tay sai cho Pháp. Chúng tập hợp tàn quân lập ra Quốc dân Đảng Việt Nam do Vũ Hồng Khanh làm Đảng trưởng, Trương Tử Anh làm thường vụ. Dựa vào Pháp, bọn phản động đã ráo riết hoạt động chống phá cách mạng rất quyết liệt.

Qua nhiều nguồn tin, cuối tháng 6/1946, Nha Công an Trung ương đã phát hiện sự câu kết giữa Pháp với bọn phản động Quốc dân đảng Việt Nam nhưng vẫn chưa rõ ý đồ của chúng. Nha Công an họp bàn kế hoạch phải làm sao quét tất cả trụ sở của bọn Quốc dân đảng Việt Nam để khám phá âm mưu, thủ đoạn cụ thể; nhưng Trung ương chỉ đạo không thể manh động, việc trấn áp phải có chứng cứ cụ thể, nếu không ta sẽ mắc vào âm mưu "câu nhử" của chúng. Mấy ngày sau, các trinh sát Nha Công an phát hiện được nguồn tin, bọn Quốc dân đảng Việt Nam đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động ở trụ sở 132 phố Duy-vi-nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội).

Đêm 12/7/1946, Nha Công an quyết định sử dụng biện pháp trinh sát bí mật đột nhập vào trụ sở trên để thu thập chứng cứ. Bí mật, bất ngờ, lực lượng Công an đã bắt toàn bộ bọn phản động, tịch thu nhiều tài liệu phản động như truyền đơn, khẩu hiệu, thông cáo của chúng vừa in xong. Trong đó có một tài liệu đặc biệt mà các chiến sĩ Công an thu được do tên Trương Tử Anh  soạn thảo có tên là "Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí  Minh". Theo kế hoạch này, đến kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp (14/7/1946), thực dân Pháp sẽ đề nghị Chính phủ Việt Nam cho được diễu binh trên một số đường phố Hà Nội, trong lúc "hỗn canh hỗn cư", bọn Quốc dân đảng Việt Nam sẽ ném lựu đạn vào quân lính da đen gây đổ máu.

Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh, trật tự, chống lại đồng minh và quân Pháp sẽ kéo quân ập ngay vào Bắc Bộ phủ bắt giữ các thành viên Chính phủ ta, tuyên bố đảo chính, lập ra một chính phủ của Quốc dân đảng Việt Nam. Như thế, đương nhiên tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn Chính phủ ta đang thăm và hội đàm với Pháp sẽ bị bắt giữ.

Như chúng ta đều biết, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Người đã trao Quyền Chủ tịch nước cho nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Khi được nghe báo cáo về những chứng cứ rõ ràng, với những âm mưu thâm độc của bọn Quốc dân đảng, một nhà nho như cụ Huỳnh Thúc Kháng mà đã giận dữ nện ba toong xuống nền nhà, ra lệnh cho lực lượng Công an: "Phải quét sạch bọn phản động".

Nhận lệnh, lực lượng Công an đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng khác tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại 40 trụ sở của chúng ở địa bàn Hà Nội. Tại trụ sở số 7, phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), ta đã bắt tên Phan Kích Nam và đồng bọn, giải thoát nhiều người dân yêu nước bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, thu nhiều tài liệu phản động, dụng cụ tra tấn, dụng cụ làm bạc giả, thuốc mê và tìm được 6 xác người dân vô tội bị chúng giết hại chôn ngay trong vườn...

Đây trở thành chứng cứ quan trọng dấy lên phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, buộc thực dân Pháp ở Hà Nội phải rút lui. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ta thời đó đã đánh giá: Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân...

Chỉ chậm một ngày, vận nước sẽ khác. Những biện pháp kịp thời, mưu trí, bí mật, bất ngờ và lòng quả cảm vô song của các chiến sĩ Công an Việt Nam đã đập tan âm mưu xảo trá của bọn thực dân và Quốc dân đảng, bảo vệ an toàn chính quyền nhân dân trong thế ngàn cân treo sợi tóc. Ngày 12/7/1946 đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân.

Gần 60 năm qua, An ninh nhân dân trở thành một đội ngũ hùng hậu, ngày càng tô thắm thêm truyền thống anh hùng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân mình. Trên trận tuyến thầm lặng không tiếng súng, các thế hệ An ninh nhân dân có mặt ở hầu hết các địa bàn từ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thành phố, nông thôn, biên giới, hải đảo và ngoài phạm vi đất nước mình. Họ làm nên chiến công, nhưng không bao giờ có mặt trong thời khắc tuyên dương công trạng. Trong thế trận an ninh nhân dân, các chiến sĩ An ninh hòa mình vào nhân dân, bao giờ cũng về sau chiến công, bởi họ tâm niệm một lẽ sống "Chỉ biết còn Đảng là còn mình"!

Thái Hồng
.
.