‘Người thầy’ mong ‘học viên’ tốt nghiệp không quay lại ‘trường’

Chủ Nhật, 30/08/2015, 10:09
Làm việc ở trại giam, nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhàn nhã bởi lẽ đã có cơ sở vật chất giam giữ những người phạm tội. Nhưng thực tế không hề đơn giản, ngoài cán bộ quản giáo, cán bộ giáo dục, cán bộ trực trại, để một trại giam hoạt động thông suốt, không xảy ra các vấn đề phức tạp có vai trò quan trọng của các cán bộ trinh sát. Đặc biệt khi trại xảy ra hiện tượng phạm nhân bỏ trốn, gánh nặng lại dồn lên vai đội ngũ này. Trong chuyến công tác tại Trại giam số 6 – Bộ Công an (Thanh Chương, Nghệ An), tôi đã được Đại uý Nguyễn Văn Du, Phó Đội trưởng Đội Trinh sát kể những câu chuyện nghề đặc biệt.


Đại uý Du quê ở Yên Khánh, Ninh Bình, từng học Trung cấp Cảnh sát nhân dân I, sau đó được phân công về Trại giam số 6 làm quản giáo. Là trai đất Bắc nhưng anh nhanh chóng thích nghi và bén duyên với mảnh đất nơi đây, lập gia đình với một cô giáo cấp 3 người bản địa. Năm 2006 anh được điều chuyển sang đội trinh sát và gắn bó với nghiệp trinh sát đến nay đã gần chục năm. Đặc thù công việc của anh là phân loại, bố trí nơi ở, buồng giam cho phạm nhân, bố trí đội phạm nhân đi lao động.
Đại uý Nguyễn Văn Du (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội trao đổi thông tin trước giờ tuần tra.

Đã thành nếp, sáng nào cũng vậy anh thức giấc từ 4h45 tập thể dục, vệ sinh cá nhân, đến 5h45 đi kiểm tra nơi ăn nơi ở, chỗ lao động của phạm nhân, thu thập thông tin nắm bắt tình hình ở hiện trường lao động cũng như trong buồng giam. Đến 11h nghỉ ăn trưa, 14h lại bắt đầu công việc. Đối với những phạm nhân mới đến, anh còn nghiên cứu thêm hồ sơ để phân loại, bố trí nơi ăn chốn ở cho phạm nhân một cách hợp lý. Ngoài ra còn tiến hành tuần tra ban đêm, xử lý những nhiệm vụ đột xuất nên công việc của một đội phó trinh sát hầu như khép kín thời gian. Nhà cách trại 2km nhưng mỗi tuần anh chỉ về nhà 2-3 ngày, còn lại trực 24/24h ở trại, ăn ngủ và gói gọn sinh hoạt trong trại giam cùng với cán bộ và phạm nhân. Nhiều hôm đang đêm ngon giấc anh phải thức dậy đi kiểm tra các mục tiêu, phân trại, bốt gác, buồng giam…; đó là chưa kể những đợt đi công tác đột xuất 10-15 ngày hoặc cả tháng.

“Khó khăn đối với cán bộ trại giam nói chung nhiều, ở địa bàn vùng sâu vùng xa, sống và tiếp xúc với những người phạm tội, bị bệnh truyền nhiễm ngoài xã hội đã là một điều mà nhắc đến không ai yêu thích cả rồi, nhưng đây là nghề mình đã chọn thì mình phải gắn bó đến cùng thôi” – Đại uý Du trải lòng. Được biết, Trại giam số 6 chưa có hệ thống giám sát, buồng giam chật hẹp, cơ sở vật chất xây lâu, xuống cấp đã gây khó khăn cho công tác giam giữ…

Tâm sự về những khó khăn cụ thể trong công tác trinh sát, anh cho rằng đó là khi đấu tranh với các phạm nhân có tư tưởng chống đối, lì lợm… Nhiều đêm anh mất ngủ để nghiên cứu tài liệu, nghĩ cách giải quyết các tình huống, nắm bắt tình hình sao cho hiệu quả nhất. Và rốt cuộc, thường đối với những phạm nhân ương bướng, cứng đầu cứng cổ anh rút hồ sơ, đi sâu nghiên cứu về con người, bản thân, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội, hoàn cảnh đưa đẩy, tâm sinh lý… “Từ thông tin trong hồ sơ mình so sánh với con người thật sẽ tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, tìm được thứ “uẩn khúc” để khơi dậy người ta nói ra, bộc lộ quan điểm…” – nêu bí quyết nắm bắt tâm lý phạm nhân, anh cũng nhấn mạnh những yếu tố mà một trinh sát cần có, đó là am hiểu pháp luật, sắc bén trong nghiệp vụ và trách nhiệm với công việc. Đặc biệt phải nắm chắc nghiệp vụ mới xử lý tình huống được.

Rồi anh kể về kỷ niệm đáng nhớ, gắn liền với dấu ấn xử lý nghiệp vụ khéo léo của mình. Đó là vào năm 2013, phạm nhân P.Đ.H., quê Thạch Thành, Thanh Hoá chịu án phạt 45 tháng nhưng không tu chí cải tạo mà lợi dụng trời mưa để bỏ trốn. Ngay khi nhận được tin, anh và đồng đội đã phải lên đường truy bắt, men theo quốc lộ 1A. Khổ nỗi năm đó trời mưa lụt, vỡ đập Vực Mấu (Quỳnh Lưu), đường sá ngập hết, suốt từ tối hôm nay đến trưa ngày mai các anh vẫn chưa ra được khỏi đất Hoàng Mai, đành nhịn đói, chịu rét trên xe ôtô. Đến 5h chiều nước rút, tổ công tác mới ngược đường mòn đi Thanh Hoá, 2h sáng hôm sau thì về đến quê đối tượng.

H. sau khi về quê đã đi tìm người yêu, hẹn nhau tại nhà nghỉ ở Thạch Thành, rồi cùng người yêu quay về TP Thanh Hoá, định bỏ trốn đi Quảng Ninh. Nhờ việc nghiên cứu kỹ hồ sơ đối tượng, nắm bắt nhanh tình hình, suy đoán chính xác tâm lý đối tượng và từ nguồn tin tố giác của quần chúng nhân dân, Đại uý Nguyễn Văn Du và đồng đội đã phát hiện, bắt giữ H. khi hắn đang lẩn trốn ở TP Thanh Hoá…

Có thực sự quý phạm nhân, vì phạm nhân thì những người như Đại úy Nguyễn Văn Du mới tận tụy giáo dục, giúp lớp lớp phạm nhân sửa chữa lỗi lầm, để thi thoảng họ lại nhận được những tin nhắn hỏi thăm “thầy có khoẻ không, công việc dạo này thế nào?”. Anh nói, vợ anh là giáo viên ở môi trường sư phạm, còn anh là “người thầy” ở môi trường đặc biệt, “người thầy” luôn xúc động khi nhận được tin nhắn chúc mừng, cuộc điện thoại cảm ơn của những “học viên” tốt nghiệp và vĩnh viễn không quay lại “trường”…

Quỳnh Vinh
.
.