Người ở lại với vùng cao Tây Bắc

Thứ Bảy, 15/08/2015, 07:28
Nước da bánh mật, dáng người chắc khỏe, leo rừng thoăn thoắt là đặc điểm dễ thấy khi tiếp xúc với Thiếu tá Vi Văn Phanh, Đội trưởng Đội An ninh, Công an tỉnh Hòa Bình.

Không hổ thẹn là trinh sát cắm bản, chàng kỹ sư nông nghiệp đến từ xứ Thanh thuở nào giờ đã trở thành người con của bản. Nửa đời gắn bó với đồng bào dân tộc vùng cao, vui buồn cùng với dân bản để giữ ổn định an ninh chính trị vùng cao Tây Bắc, quả không phải ai cũng có thể làm được.

Từ chàng kỹ sư nông nghiệp trở thành chiến sĩ an ninh

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, anh Phanh rời quê Thanh Hóa lên Hòa Bình lập nghiệp. Cái duyên đưa anh vào lực lượng Công an là vào năm 2003, khi ấy anh đang là kỹ sư nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, tình cờ được biết Công an tỉnh Hòa Bình đang tuyển dụng trinh sát an ninh, anh đã nộp đơn dự thi và trúng tuyển.

Là người “ngoại đạo” vào làm nhiệm vụ trinh sát an ninh ở Phòng Bảo vệ an ninh chính trị, công việc hoàn toàn mới mẻ, bỡ ngỡ, buộc anh phải mày mò học hỏi từ những điều căn bản nhất mà những người đi trước chỉ cho. Lãnh đạo đơn vị đã giao anh cho các trinh sát có kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp và họ đều bất ngờ trước sự tiến bộ cũng như trưởng thành nhanh chóng của anh.

Thiếu tá Vi Văn Phanh với những thời gian hiếm hoi có mặt tại đơn vị.

Người có ảnh hưởng sâu sắc trong những ngày đầu anh chập chững “cắp cặp” học hỏi cũng như sau này là Thượng tá Hà Công Dựa. Đồng chí Dựa không chỉ là lãnh đạo, mà còn là người thầy lớn đã truyền đạt cho anh biết bao kinh nghiệm trong quá trình vận dụng vào thực tiễn công việc.

Trò chuyện với chúng tôi, anh cũng nói rằng, hôm nay là ngày các nhà báo có duyên nên gặp được anh ở đơn vị, nếu không thì phải nửa tháng nữa anh mới từ rừng trở về. Con người mộc mạc, chân chất, giọng nói có phần mang âm điệu của trai bản khiến cho người đối diện luôn thấy thiện cảm. Anh Phanh còn nhớ mãi vụ việc đầu tiên khi mới bước chân vào nghề, anh được giao nhiệm vụ nắm tình hình tham mưu giải quyết vụ khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Xi măng Trung Sơn, huyện Lạc Sơn. Anh cùng một số trinh sát đã trực tiếp tiếp cận và vận động những trường hợp đầu đơn, số tích cực, quá khích lôi kéo quần chúng nhân dân tụ tập đông người khiếu kiện cản trở thi công.

Anh bảo, khi tìm được nguyên nhân và gỡ nút thắt bằng cách tham mưu cho Hội đồng giải phóng mặt bằng và chính quyền địa phương giải quyết những thiếu sót liên quan đến chế độ chính sách đền bù thì quần chúng đã đồng tình, ủng hộ khiến công việc rất thuận lợi. Đây là kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc để anh tiếp tục vận dụng vào các vụ việc tiếp theo. “Không con đường học tập nào nhanh nhất là học bằng thực tiễn và học trường đời” – anh Phanh đúc kết lại như vậy.

Gắn bó sâu nặng với vùng cao

Năm 2011, anh Phanh được bổ nhiệm là Đội trưởng Đội An ninh trực tiếp phụ trách vùng đồng bào dân tộc Mông và Dao. Là Đội trưởng nhưng nhiệm vụ của anh vẫn như một trinh sát, anh luôn có mặt trên mọi nẻo đường vùng sâu, vùng cao xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là hai địa bàn hiểm trở và phức tạp về tội phạm ma túy của 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu. Đây là hai xã có địa hình đi lại khó khăn, giáp các huyện có người Mông ở hai tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, chỉ có một con đường độc đạo để ra vào.

Tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em luôn lợi dụng địa bàn này để hoạt động. Nhận nhiệm vụ, anh Phanh dành trọn mỗi tháng 15 ngày cắm bản với vùng cao này. Đôi chân quen với trèo đèo, lội suối đã đành, đến phong tục, tập quán của dân bản anh cũng thành thạo chẳng khác trai bản chính thống.

“Nếu không như thế thì không bao giờ tiếp cận được với đồng bào dân tộc. Họ ăn gì mình ăn nấy, uống gì mình uống nấy, học tiếng Mông nên nói chuyện với dân bản họ rất thích” - anh Phanh cười hiền khô. Còn nhớ, ngày 5/2/2010, sau khi lực lượng Công an vây bắt đối tượng truy nã Vàng A Pua ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia, về tội buôn bán trái phép chất ma túy, tàng trữ vũ khí vật liệu nổ, hắn đã đào hầm cố thủ trong nhà và xả súng vào lực lượng truy bắt làm 3 chiến sĩ Công an hy sinh, quần chúng nhân dân kéo đến vây kín, quá khích đập phá tài sản. Tưởng rằng sau vụ đó lực lượng Công an không vào được địa bàn, lúc này nhiệm vụ của các chiến sĩ an ninh là phải vận động giải tán đám đông để lực lượng Công an vào khám nghiệm hiện trường.

 Anh Phanh kể: “Công việc vận động của chúng tôi phải hết sức kiên trì, phải nắm bắt được tình hình để thuyết phục trên 20 người có uy tín, già làng tuyên truyền, giải thích cho bà con để giải tán đám đông. Một số đối tượng nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật đã tự nguyện rút lui. Đối tượng trốn truy nã đã ra đầu thú, ổn định tình hình để cho các lực lượng Công an trở lại làm công tác điều tra”.

Đôi chân không biết mỏi, ngày ngày công việc thầm lặng của những chiến sỹ an ninh trên miền cao Tây Bắc vẫn trải dài trên mỗi nương ngô, qua mỗi nóc nhà thơm mùi cơm nếp. An ninh vùng dân tộc luôn được ổn định và giữ vững, bản làng được bình yên chính là nhờ vào sự tận tâm, trách nhiệm, cống hiến hết mình của những trinh sát an ninh như anh Phanh. Nửa đời người gắn bó sâu nặng với bà con dân tộc vùng cao, Thiếu tá Vi Văn Phanh đúc kết rằng: “Phải hòa nhập thì dân bản mới nhớ tới mình, mới giúp mình hoàn thành nhiệm vụ”.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.