Người "làm việc" với... tử thi

Thứ Sáu, 20/03/2009, 09:07
Buổi trưa định mệnh ấy, một người đàn ông đẩy cánh cửa quán karaoke H.N, bước vào nhà với ý định thăm người bạn cũ của mình. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt. Trên chiếc ghế xa-lông cũ, bạn của ông, cũng là bà chủ quán, chết trong tư thế nằm ngửa với rất nhiều vết máu. Một vụ giết người thảm khốc.

"Giải mã" những vụ án mạng bí ẩn

Khi Đại úy Lê Việt Dũng (ngày đó mới là Trung úy) cùng đồng đội trong tổ khám nghiệm hiện trường (KNHT) của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) - Công an Hà Nội có mặt tại quán karaoke H.N, hiện trường vụ án đã bị xáo trộn. Không có nhân chứng và cũng chẳng có thông tin ban đầu nào về vụ thảm án.

Nhân vật duy nhất cung cấp lời khai liên quan đến vụ án vào thời điểm đó là người giúp việc cho chủ quán, Đồng Minh Chiến. Nhưng trước sau Chiến cũng chỉ nhất mực khai rằng, khi anh ta rời quán là lúc 23h30' hôm trước, bà N. vẫn còn khỏe mạnh, mọi việc sau đó thế nào anh ta không biết.

Nhưng rồi, mọi nỗ lực của tổ khám nghiệm cũng đã được đền đáp. Trong số rất nhiều dấu vết thu thập ở hiện trường, Lê Việt Dũng cùng các đồng đội đã tìm thấy một dấu vân chân dính máu ở cửa phòng vệ sinh. Qua giám định, dấu vân chân này chính là vân chân của Đồng Minh Chiến, người giúp việc của nạn nhân (bà N.).

Ngay sau đó, Công an huyện Gia Lâm đã ra lệnh bắt khẩn cấp và khám xét chỗ ở của Chiến. Sau một thời gian đấu tranh, kẻ sát thủ giấu mặt Đồng Minh Chiến đã phải cúi đầu nhận tội. Chiến khai nhận do xin bà N. trả tiền công vì không còn tiền ăn nhưng bà N. không đồng ý nên hắn đã nảy sinh ý định sát hại bà. Chiến đã cầm cây chầy đập đá đập thẳng vào đỉnh đầu bà N. và dùng các hung khí khác đâm, chém bà N. cho đến chết. 

Theo học ngành Kỹ thuật hình sự, tốt nghiệp được phân về Phòng KTHS - Công an Hà Nội, vụ án mạng ở quán karaoke H.N cũng là vụ trọng án đầu tiên, chiến sỹ trẻ Lê Việt Dũng được lãnh đạo tin cậy giao nhiệm vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường. Nhớ lại những ngày đầu khám nghiệm tử thi, buổi tối về anh phải mất cả đêm để an ủi, dỗ dành để vợ yên tâm ngủ ngon.

Đại úy Lê Việt Dũng tâm sự, trong cái nghề KTHS của mình, nếu sợ hãi và ngại "nói chuyện" với những xác chết thì không thể nào bám trụ nổi với nghề. Khám nghiệm hiện trường, tử thi ở nhà xác còn có máy lạnh, có đầy đủ phương tiện thiết bị phòng độc. Đằng này, đã hàng trăm lần, Lê Việt Dũng và đồng đội phải đào bới, khai thác hiện trường, mổ xẻ tử thi giữa cánh đồng sình lầy, giữa bãi tha ma, dưới trời nắng lửa hầm hập...

Bọn sát nhân luôn giết người ở những nơi hoang vắng, kín đáo. Khám nghiệm hiện trường, giải phẫu xác nạn nhân đã thối rữa hay có khi phải khai quật tử thi để tìm trong dạ dày, trong cuống họng, thực quản, hay thân thể có chất gì, dấu hiệu gì đọng lại gây ra cái chết của họ để tìm hướng điều tra.

Lê Việt Dũng nói rằng, anh muốn làm công tác kỹ thuật viên giám định hiện trường vì muốn tìm ra bản chất của sự việc, giải oan cho người tốt, kết tội kẻ xấu. Cái xấu, cái tốt ở đời vẫn thường đan xen lẫn lộn không dễ gì nhận ra được, nếu không đối mặt và chứng minh bằng cơ sở khoa học.

Gần 10 năm đã trôi qua, từ vụ án mạng nghiêm trọng đó, Đại úy Lê Việt Dũng đã tham gia khám nghiệm hàng ngàn vụ án, vụ việc khác nhau. Những vụ án nổi tiếng nhất, dã man nhất trong thành phố được khám phá đều in dấu những giọt mồ hôi của anh và đồng đội.

Vụ giết người đốt xác ở Cầu Giấy mà nạn nhân là một sinh viên trường ngoại ngữ. Chính Lê Việt Dũng làm nhóm trưởng và đồng đội trong nhóm khám nghiệm là những người đã tìm ra dấu vết quan trọng nhất của vụ án: Những chữ tiếng Hàn còn sót lại trong quyển sổ đã bị cháy thành than bên cạnh xác nạn nhân. Dấu vết này có ý nghĩa quyết định hướng điều tra của vụ án và chỉ vài ngày sau đó, hung thủ - một thanh niên người Hàn đã cúi đầu nhận tội...

"Đi bất thình lình, về lầm lũi một mình"

Đã quá quen với cảnh "đi bất thình lình, về lầm lũi một mình" của chồng, từ nhiều năm nay, vợ anh Dũng, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy - nhân viên kế toán của một công ty cơ khí luôn tự rèn cho mình thói quen tự lo toan, giải quyết chuyện nhà. Vì anh đi suốt, có khi nửa đêm gà gáy, có lúc trời chưa kịp sáng, quay sang đã chẳng nhìn thấy chồng đâu. Chị cũng đã dần quen và thoát được nỗi sợ về cái nghề "làm bạn" với tử thi của chồng mình.

Biết anh bận, chị một tay chăm sóc nuôi dạy hai con. Cháu lớn của anh chị năm nay bắt đầu vào lớp 1, cháu nhỏ mới được vài tháng. Nhưng không lúc nào vì quá vất vả mà chị yêu cầu anh phải đổi nghề, chuyển qua công việc khác đỡ độc hại, và "hiền lành" hơn.

Bố chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo, chồng lại đi làm triền miên, chị vừa nuôi con, vừa đi làm, vừa cùng người thân chăm lo, chữa chạy cho bố. Nhà ở huyện ngoại thành, vào trung tâm thành phố mất cả tiếng đồng hồ, anh chị vẫn miệt mài vừa cống hiến cho xã hội vừa nuôi dạy các con.

Nhắc đến người vợ hiền của mình, Đại úy Lê Việt Dũng thủ thỉ: "May mắn cho mình có được người vợ như Thủy". Nhiều lúc, từ cơ quan, anh trở về nhà với ngổn ngang những suy nghĩ về vụ án còn đang dang dở. Dù bận rộn việc nhà, lại nuôi con nhỏ, chị Thủy vẫn dành thời gian động viên, chăm sóc anh. Biết nguyên tắc công việc của chồng, chị không dám hỏi, cũng chẳng thắc mắc mà tự giành lấy những phần việc gia đình, để anh có thời gian cho công việc.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng KTHS - Công an Hà Nội, người đã có gần 30 năm làm công tác KNHT tâm sự: Đội KNHT - nơi đồng chí Dũng đang làm việc là một trong những đơn vị mũi nhọn của Phòng. Đây cũng là đơn vị làm việc rất vất vả, thường xuyên ứng trực ngày đêm, luôn phải tiếp xúc với những chất cháy nổ, hóa chất độc hại, xác chết đã bị phân hủy... Nếu không có tình yêu và niềm đam mê với công việc, chắc chắn không thể bám trụ được với nghề.

Được bầu chọn trong số hàng ngàn đoàn viên thanh niên ưu tú của CATP, Lê Việt Dũng vinh dự là một trong số 10 đoàn viên xuất sắc nhất nhận giải Gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2008 của Giám đốc Công an TP trong Tháng Thanh niên 3/2009 này

Quang Vũ
.
.