Người làm nghìn căn cước che mắt địch

Chủ Nhật, 24/04/2005, 07:50

Để làm được thẻ căn cước và chứng minh thư giả, đích thân ông phải đi về các làng quê xin lại căn cước của bà con đã dùng từ những năm trước, sau đó chụp lại rồi phóng to v tập ký cho thật giống với chữ ký của Tỉnh trưởng hoặc Quận trưởng những nơi mà cán bộ của ta sẽ đến hoạt động.

Vừa tốt nghiệp một trường nghiệp vụ ở Liên Xô, đồng chí Nguyễn Trung Chính (tức Tạ Văn Hữu, quê Tiền Hải, Thái Bình), được cử về Viện Khoa học hình sự. Năm 1964, để chuẩn bị gấp cho những cán bộ chi viện cho chiến trường, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã yêu cầu một lực lượng cán bộ Công an miền Bắc phải hành quân vào Nam chiến đấu. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Viện cần tăng cường một số cán bộ vừa được đào tạo ở nước ngoài vào chiến trường làm thẻ căn cước và chứng minh thư giả cho các cán bộ của ta hoạt động trong lòng địch. Tổ chức đã chọn ông và một số anh em khác để đi làm nhiệm vụ này.

Tổ công tác của ông hồi ấy gồm 3 người. Trước khi đi, ông và anh em trong tổ phải chọn mua các máy ảnh cũ và dụng cụ làm việc của Đức mang theo vào chiến trường để làm phương tiện làm việc. Sở dĩ như vậy vì nếu làm bằng các phương tiện của Liên Xô, tổ chức lo ngại kẻ địch phát hiện. Đơn vị ông hành quân suốt 6 tháng trời, băng rừng, lội suốt, đi cắt đường theo những lối mòn ven chân núi. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông kể: "Có khi đi hàng tháng trời đơn vị mới đến được nơi lấy gạo. Ròng rã nhiều ngày, ông và những người trong đoàn phải ăn bo bo thay cơm. Nhiều lúc gặp hiểm nguy nhưng nghĩ đến nhiệm vụ ở phía trước, mọi người lại động viên nhau phải vượt qua”.

Cho đến bây giờ, kỷ niệm khiến Đại tá Nguyễn Trung Chính nhớ nhất vẫn là trận sốt rét giữa rừng. Để khỏi bị lạc, giao liên tiếp tục dẫn đường, để ông nghỉ lại ven rừng và hẹn 3 ngày sau sẽ quay về. Suốt 3 ngày bị cơn sốt hành hạ, nhiều lúc mê đi, khi tỉnh dậy, ông lại gắng gượng ăn nốt nắm cơm còn sót lại trong túi, để lấy thêm sức lực chờ giao liên trở lại đón.

Vào đến chiến trường, đơn vị ông đóng ở Trường B6 khu vực biên giới Tây Ninh, ông được cử làm nhiệm vụ đào tạo các cán bộ học tại trường. Lúc này, cũng là giai đoạn quân Mỹ đánh phá rất ác liệt nên sau một thời gian, tổ chức lại phân công ông xuống tăng cường cho vùng khu 6, bao gồm các tỉnh An Giang, Mỹ Tho và Đồng Tháp. Nhiệm vụ của ông lúc này là làm Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật ghi lại những cuộc hành quân của quân Mỹ thông qua điện đài.

Khu 6 là vùng sông nước mênh mông nên điều kiện làm việc của anh em gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi cuộc họp, mọi người lại phải quây những chiếc xuồng thành chỗ để ngồi. Hàng năm trời, ông và mọi người phải sống trên xuồng và các ngọn cây. Cũng bắt đầu từ thời gian này, ông được giao làm thẻ căn cước giả cho cán bộ hoạt động trong lòng địch. Thiếu phương tiện, ông phải dùng bàn là than để ép plastic, dùng kính lúp để soi những dấu vân tay của cán bộ, chiến sỹ và dùng bạt che mưa quây làm buồng tối để rửa ảnh. Cái khó nhất của việc làm giả là phải làm sao cho thật đúng mẫu của bọn Mỹ - ngụy. Để làm được việc này, đích thân ông phải đi về các làng quê trong vùng khu 6 xin lại những tấm thẻ căn cước của bà con đã dùng từ những năm trước, sau đó chụp lại rồi phóng to, tập ký cho thật giống với chữ ký của Tỉnh trưởng hoặc Quận trưởng những nơi mà cán bộ của ta sẽ đến hoạt động. Suốt 11 năm ròng (từ năm 1964-1975), ông đã làm hàng nghìn chứng minh thư giả cho cán bộ, chiến sỹ vào hoạt động trong lòng địch. Trong đó có chứng minh thư của đồng chí Ba Bường - nguyên Trưởng ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Trong niềm vui ngày thống nhất đất nước, ông được gặp lại Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn. Nhìn mái đầu của ông điểm bạc, Bộ trưởng nắm tay ông xúc động nói: "Đi bấy nhiêu năm mà cậu vẫn chưa lấy vợ à?". Ông trả lời: "Dạ thưa Bộ trưởng, em chưa có thời gian ạ!". Sau này, để tạo điều kiện cho ông lập gia đình, tổ chức phân công ông ra Bắc và giới thiệu cho ông người bạn đời bây giờ, lúc đó đang công tác tại Bộ Y tế. Năm 1978, ông được cử đi học tại CHDC Đức, sau đó về làm Trưởng phòng Phòng chống tội phạm chiến thuật có phương pháp của Viện Khoa học kỹ thuật (Bộ Công an). Năm 1992, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá

Mai Phương
.
.