Người bảo vệ Bác Hồ trong Tết Độc lập đầu tiên

Thứ Tư, 02/09/2009, 16:30
Dấu ấn mở đầu sự thành công của cách mạng Việt Nam là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (19-8-1945). Nước Việt Nam được khai sinh trên bản đồ thế giới được ghi nhận từ sự kiện ngày 2-9-1945 bằng Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong sự kiện lịch sử trọng đại ấy, người cán bộ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đồng chí Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ.

Tháng 8/1945, điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam đã đến, ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng mở Hội nghị toàn quốc quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam được thành lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc đứng lên lật đổ ách thống trị của đế quốc phong kiến. Trong khí thế như triều dâng thác đổ, lực lượng quần chúng cách mạng cùng các lực lượng vũ trang hòa chung vào dòng người biến thành một cơn lũ bỗng chốc quét sạch lũ xâm lăng. Trong vòng nửa tháng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi.

Ngay thời khắc lịch sử ấy, các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đã ra đời. Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát, ở Nam Bộ thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở 3 miền có khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào đấu tranh của quần chúng, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Lúc này tình hình an ninh trật tự còn nhiều phức tạp, việc bảo vệ an ninh trật tự vô cùng khó khăn. Đất nước đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", đồng thời phải đối phó với các thế lực phản động tay sai đế quốc đang lăm le âm mưu chống phá chính quyền cách mạng non trẻ. Trước tình hình đó, Đảng ta đã kiên cường lãnh đạo nhân dân ta từng bước thoát khỏi những khó khăn, giữ vững nền độc lập tự do vừa mới giành được.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập công bố với thế giới về một nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Chính phủ phân công nhiệm vụ bảo vệ buổi lễ long trọng này là các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát và Trinh sát Thành, nhất là công tác bảo vệ tiếp cận lãnh tụ, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, bảo vệ khu vực khán đài cũng như khu vực quần chúng nhân dân dự mít tinh.

Vì thế, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ và cuộc mít tinh, lực lượng Cảnh sát được trang bị súng ngắn, đi xe đạp hộ tống đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tới Quảng trường Ba Đình.

Lúc đó, đồng chí Chu Đình Xương, với cương vị và tài ba của người Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ, vinh dự được phân công trọng trách trực tiếp bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khán đài trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ.

Trong những thước phim tư liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân, có lẽ rất ít người biết được hình ảnh người đứng cạnh che ô cho Bác Hồ trên lễ đài lúc đó là đồng chí Chu Đình Xương, một cựu tù cộng sản từng bị giặc Pháp bắt giam tù đày tại nhiều nhà tù và là tù vượt ngục tháng 3/1945 từ nhà tù Sơn La trở về tham gia hoạt động cách mạng và sau Tổng khởi nghĩa, ông được Xứ uỷ phân công làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ.

Đồng chí Chu Đình Xương sinh năm 1913, tại xã Thái Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Năm 25 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức "Vận động ái hữu công nhân". Từ năm 1939 - 1940, ông tham gia tổ chức "Thanh niên phản đế" ở Hà Nội.

Tháng 12/1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà tù Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La. Tháng 3/1945, ông cùng một số tù chính trị trốn khỏi nhà tù Sơn La trong trận vượt ngục do tù nhân nhà tù tổ chức thành công về Hà Nội và tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông được cử làm Trưởng ban Vận động tài chính Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ.

Cách mạng Tháng 8 thành công, ông được Đảng cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ và sau đó là Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Từ tháng 6 đến tháng 12/1946, ông làm Thanh tra Sở Công an Trung Bộ. Từ tháng 12/1946 đến tháng 2/1950, ông là Giám đốc Công an Liên khu V, kiêm ủy viên Tòa án quân sự Liên khu V. Từ tháng 3/1950 đến tháng 7/1954, ông là Trưởng phòng 4 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Và từ năm 1955 do nhu cầu công tác ông chuyển sang làm việc tại Bộ Văn hóa.

Đến nay, mặc dù ông đã là người thiên cổ song những người làm công tác nghiên cứu lịch sử luôn trân trọng sự đóng góp của ông trong sự kiện trọng đại 2/9/1945. Lịch sử là một dòng chảy không ngừng, những gì đã qua vẫn mãi được lưu truyền và ghi nhớ trong đời sống của các thế hệ hôm nay và mai sau

Thùy Linh
.
.