Người Anh hùng vùng đất Sen hồng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 20:40
Ở tuổi 69, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đoàn Phước Truyền (ngụ phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - nguyên Trung đội trưởng – Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam) vẫn khá rắn rỏi, tác phong bình dị mang đậm chất con người miền Tây Nam Bộ.


Tham gia cách mạng từ năm 1962, hơn 10 năm công tác tại Đoàn 180, ông cùng với đồng đội đã chiến đấu, góp phần bảo vệ an toàn Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày hòa bình, ông tiếp tục công tác tại vùng đất được mệnh danh là Sen hồng... Những chiến công của ông và đồng đội là niềm tự hào của bao thế hệ Công an Đồng Tháp.

Ông Truyền là người đầu tiên của Đoàn 180 sử dụng súng B40 bắn cháy xe tăng M41 của địch ở cự ly 7m, mở màn phong trào “tiêu diệt xe tăng Mỹ” trong trận càn Junction City. 

Năm 1967, Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân lớn, huy động 45 ngàn quân, 1.260 xe tăng, xe bọc thép; 420 máy bay chiến đấu (có cả B52), 259 pháo và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại đánh vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tương quan lực lượng ta yếu hơn địch về mọi mặt. 

Với phương châm bám thắt lưng địch mà đánh, có những lúc ta chia tổ đánh theo lối du kích, địch dùng xe tăng làm lực lượng xung kích luồn rừng đánh phá và hỗ trợ cho các lực lượng khác đánh vào cơ quan đầu não của ta.

Tiêu diệt xe tăng sẽ làm hạn chế, ngăn chặn các mũi tiến công của địch. Ông Truyền kể: Khi đó, B40 là loại súng chống tăng tốt nhất. Cả đơn vị được trang bị 5 khẩu, tiểu đội do ông chỉ huy được trang bị 1 khẩu. Đoàn 180 phát động phong trào “tiêu diệt xe tăng Mỹ”, tại các đơn vị không khí thi đua sôi nổi, ai cũng muốn là người đầu tiên bắn cháy xe tăng địch. Cuộc hành quân của Mỹ diễn ra đã hơn 1 tháng, xe tăng và bộ binh án ngữ các trục đường giao thông quan trọng. 

Sáng 23-3-1967, từng tốp máy bay của Mỹ thay nhau trút bom, từ Trảng Ba Chân, lên Trảng Dầu, Lộ Ủi. Một cánh quân thiết giáp đánh lên hướng cơ quan Ban Kinh tài, Ban Tổ chức Trung ương Cục, cơ quan Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam… Nhận lệnh từ chỉ huy, ông Truyền cùng tổ chiến đấu 4 người trang bị 3 khẩu AK và một khẩu B40 băng rừng, bám sát cụm quân Mỹ ở Trảng Bảy Bàu.

“Địch vô hướng nào mình phải chặn đánh hướng đó. Đánh cho địch phải rút chạy”, ông Truyền nhớ lại. Đoàn của xe Mỹ gần 70 chiếc tiến về hướng căn cứ của ta, ông Truyền dẫn tổ chiến đấu, tận dụng vào địa hình rừng rậm chặn đầu đoàn xe để bắn. 

Anh hùng LLVT ND Đoàn Phước Truyền trao tặng kỷ vật tại buổi lễ tiếp nhận và triển lãm Kỷ vật lịch sử CAND tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 3-2016.

Chiếc xe tăng M41 đi đầu cách hơn 7m, ông Truyền nổ súng. Trúng đạn, chiếc xe tăng nổ “ầm ầm”, khói lửa mịt mù. “Cự ly tốt nhất và an toàn bắn tăng là khoảng 50m, còn ở cự ly 7-8m rất nguy hiểm. Nhưng lúc đó mình phải đánh. Tôi nói với đồng chí Hà Trường Vũ (y tá tiểu đội), nếu tôi chết thì mang súng về cho đơn vị vì lúc đó súng rất quan trọng”, ông Truyền kể lại.

Sau tiếng nổ, ông Truyền quay lại nơi đồng chí Vũ đang phục kích tại gò mối phấn khởi “B40 bắn cháy xe tăng” và tiếp tục nạp thêm đạn. Chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy, đoàn xe địch rối loạn đội hình, phản ứng bắn loạn xạ rồi rút lui về hướng khác.

“Khi xem lại trận địa, ta phát hiện xe tăng của địch, sắt thép cũng chảy như sáp đèn cầy (sáp nến). Bọn chúng cởi bỏ cả giày, quần áo và vứt súng tháo chạy”, ông Truyền nhớ lại.

Lần đầu tiên, Đoàn 180 bắn cháy xe tăng Mỹ đã củng cố thêm lòng tin của chiến sỹ về loại súng B40 rất đơn giản nhưng bắn cháy các loại xe tăng lớn và hiện đại. Sau “phát súng mở màn”, Đoàn 180 cho trang bị từng tổ chiến đấu gọn nhẹ, tiếp cận địch để đánh làm cho chúng không phát huy lợi thế binh khí hiện đại. 

Ngày 2-4-1967, địch cho xe tăng đóng ở Thiện Ngôn theo quốc lộ 22 lên phối hợp với quân Mỹ ở Xa Mát đánh vào căn cứ Bảy Bàu của ta. Ông Truyền được giao nhiệm vụ chỉ huy tổ chiến đấu phục kích, đánh địch không cho chúng thọc sâu. 

Hơn 7h sáng, hàng chục máy bay lên thẳng của địch liên tục bắn rốc két, đại liên dọc 2 bên lộ 22 để mở đường cho xe tăng, bộ binh. 30 phút sau, đoàn xe tăng khoảng 20 chiếc xuất hiện, ông Truyền tiếp cận mặt đường, chờ xe M118 đi đầu tới gần và nổ súng. Xe tăng bốc cháy, số còn lại bỏ chạy theo hướng khác nhưng lọt vào địa hình tổ chiến đấu đã gài mìn chống tăng, thêm 2 chiếc xe tăng khác bốc cháy. 

Có 2 quả mìn không nổ, ông Truyền nhanh chóng thu về, dùng quả bom bi của địch rải xuống chưa nổ, kẹp vào giữa 2 quả mìn lép làm kíp nổ tiếp tục chôn đón đầu đòn xe. Khi chiếc xe tăng cán vào, bom bi nổ, kích nổ 2 quả mìn phá hủy thêm một chiếc xe tăng M41 của Mỹ. 

Trong trận đánh tại Suối Mây ngày 7-4-1968, trinh sát phát hiện có một đại đội biệt kích của địch từ Thiện Ngôn cắt rừng xuống Suối Mây đánh vào căn cứ của ta. Từ lệnh của chỉ huy, ông Truyền mang khẩu B40 dẫn theo tổ chiến đấu triển khai kế hoạch mật phục, luồn rừng chặn đánh địch. 

“Khoảng 6h sáng, tiểu đội do tôi chỉ huy phát hiện địch đang hành quân phía trước. Do địa hình xung quanh chằng chịt hố bom B52 nên chưa thể triển khai đội hình chiến đấu, ta bám theo chờ đến địa điểm thuận lợi, chia làm 3 mũi tấn công. Tôi nổ phát súng đầu tiên đánh từ phía sau, 2 cánh quân bên trái và phải đồng loạt đánh dồn vào sườn địch”, ông Truyền nói.

Mặc dù mất một cánh tay, ông Truyền vẫn liên tục tham gia nhiều trận đánh giáp mặt với xe, pháo và quân địch. Năm 1969, ông được điều về làm chính trị viên phó Đội 1, bảo vệ các cơ quan R đóng dọc vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. 

Ông Đoàn Phước Truyền kể lại những trận đánh trong thời gian bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1970, Mĩ đưa quân mở trận càn Móc Câu – Mỏ Vẹt, đánh vào căn cứ của ta dọc biên giới. Ông Truyền trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, đẩy lùi và bẻ gãy 3 đợt truy kích của địch, tiêu diệt hàng trăm tên biệt kích. 

Với những thành tích chiến công đặc biệt xuất sắc, tinh thần mưu trí dũng cảm sáng tạo trong chiến đấu, ông Truyền cùng đồng đội góp phần bảo vệ an toàn cơ quan đầu não An ninh Trung ương Cục miền Nam, góp phần vào thành tích đơn vị Đoàn 180 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Hơn 10 năm chống Mỹ cứu nước, ông Truyền đã chiến đấu 25 trận lớn, nhỏ; diệt 22 tên địch, bắn cháy và gài mìn phá hủy 4 xe tăng, bắn rơi một máy bay lên thẳng HU1A của Mỹ và được vinh danh trong nhiều trận đánh lớn.

Kết thúc chiến tranh, ông đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang nhất – nhì – ba; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng nhất – nhì – ba; Huân chương Chiến công Giải phóng; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt ngụy, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay… Ngày 1-9-2000, ông Đoàn Phước Truyền vinh dự được Đảng – Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.

Khi đã về hưu an hưởng tuổi già, nhưng lần nào gặp đồng đội cùng chiến đấu còn khó khăn trong cuộc sống, ông Truyền lại trăn trở. Ông đã cùng với đơn vị cũ vận động các “Mạnh Thường Quân” xây tặng 2 căn nhà nghĩa tình cho đồng đội đang sinh sống tại Đồng Tháp.

“Nhiều anh em, đồng đội phải gửi mình lại nơi chiến trường luôn làm tôi day dứt. Tôi luôn nhắc nhở con cháu phấn đấu, xứng đáng với quá khứ hào hùng của lớp cha anh đi trước”, ông Truyền bộc bạch.



Võ Văn Vĩnh
.
.