Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát:

Người Anh hùng trong ký ức và hiện tại

Thứ Năm, 20/08/2015, 16:42
Dù giờ đây mang cấp hàm Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thì anh vẫn là một chiến sĩ, một người lính chiến đấu thực thụ, đã để lại dấu ấn của mình trong từng trận đánh lớn nhỏ.

Công việc làm báo giúp tôi điều kiện biết và dõi theo công việc của  anh - Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Anh hùng LLVTND, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi anh đang công tác tại Công an tỉnh Nam Định. Mỗi người có một cảm nhận riêng. Nhưng đối với tôi, dù anh công tác ở vị trí nào, tôi vẫn cảm nhận được sự nhiệt huyết và cái tâm trong công việc và cuộc sống của anh. Trưởng thành từ người lính trinh sát, công việc điều tra tội phạm như là cái nghiệp, nó khiến anh không thể rời xa. Tính cách  mạnh mẽ, quyết đoán của người trai thành Nam, thêm cái tâm và ngọn lửa đam mê công việc, anh đã tạo lên một chất rất riêng trong cả cách sống và công việc của mình - chất Phan Vĩnh….

Trận đánh nổi tiếng

Tôi may mắn được tham dự buổi gặp mặt những người đã từng tham gia trận đánh nổi tiếng, tiêu diệt nhóm cướp tiệm vàng Thịnh Vượng 250 Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) vào tháng 3/1991. Trung tướng Phan Vĩnh, người chỉ huy trận đánh thời ấy và ngay cả bây giờ ngồi giữa, lặng lẽ hơn bao giờ hết.

Vâng, cả TP Nam Định ngày đó vẫn còn nhớ như in trận đánh tại tiệm vàng Thịnh Vượng của lực lượng Công an. Lúc đó Phan Vĩnh là Phó Trưởng Công an TP, anh Hoàng Hải là Đội trưởng Đội Điều tra hình sự; anh Đỗ Nhâm, Dương Doãn Nghĩa, Lê Lân là Đội phó; Nguyễn Văn Tiến, Bùi Tất Thịnh và Phạm Mạnh Thường là cán bộ, riêng anh Bùi Quang Đài là giáo viên vũ thuật của Công an tỉnh bổ sung. 

Khi rượt đuổi bọn cướp, đến đoạn đường vòng phố Hoàng Hữu Nam, anh Vĩnh chạy trước đã quật ngã đè lên được một tên cướp. Chẳng ai ngờ đồng bọn của tên cướp quá ngông cuồng, lập tức tung lựu đạn lại phía sau để tiêu diệt lực lượng Công an và cả đồng bọn. Tình huống bất ngờ khiến cả tổ công tác không tránh kịp. 

Lựu đạn nổ, anh Đài, anh Thường, anh Thịnh, anh Vĩnh bị trọng thương. Do anh Vĩnh nằm đè lên tên cướp và hứng trọn những mảnh lựu đạn găm vào cơ thể nên tên cướp không sao. Lợi dụng lúc anh Vĩnh bị lực nổ hất sang bên, tên cướp bỏ chạy. Quay sang thấy đồng đội đã nằm bất động, tên cướp thì chạy phía trước, anh Vĩnh rút súng gắng đuổi theo, mặc dù máu tràn mắt phải và khắp người. 

Đến khi Đỗ Nhâm đến tiếp ứng, anh Vĩnh hô: “Đuổi theo nó!”, rồi mới chịu quay lại. Lúc này, máu đã ướt tràn áo, mắt anh hoa lên. Anh ghé vào một nhà dân ven đường nhờ băng bó tạm rồi trở lại chỗ 3 đồng đội đang bị thương nằm trên đường. Anh Vĩnh lần gọi từng người, xem thương tích, lấy súng của họ lận quanh người mình rồi nhờ người dân gọi cứu thương. Dù trên giường bệnh, anh vẫn chỉ đạo anh em xác định được danh tính của đối tượng bị thương và truy bắt được cả 3 tên cướp còn lại.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh: “Chiến công là của tập thể, tôi chỉ có một phần nhỏ trong đó” .

Anh Vĩnh bị một mảnh lựu đạn bắn trúng mắt phải và 68 mảnh găm vào chân. Anh Thường, anh Đài và anh Thịnh cũng bị thương rất nặng. Ngày tiễn các anh lên tuyến trên điều trị, hàng trăm cán bộ của Công an tỉnh Nam Định đã khóc, vì lúc đó họ nghĩ có thể sẽ không bao giờ được gặp các anh trở về nữa. Nghị lực sống phi thường của các anh cùng với sự chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ đã giúp họ bình phục. Nhưng sức khoẻ của họ đã giảm sút rất nhiều, nhất là mỗi khi trái nắng trở giời. 

Anh Vĩnh nhớ lại thời kỳ đó, anh bắt đầu chơi trận cầu lông đầu tiên thì đánh 10 quả, hụt đến 9. Anh buồn, bỏ ra ngồi bên ngoài. Rồi anh lại mượn xe máy của một anh bạn chạy ra phố chỉ được đoạn ngắn đã đâm nát một gánh rau ven đường.... Phát khóc. Nhưng anh không nản. Thế là từ hôm sau anh luyện tập, từng tý, từng tý một... Cuối cùng, anh là người chiến thắng, anh đều đặn có mặt trên sân thể thao, không vắng mặt ở bất cứ chuyên án khó nào và xông pha, đi đầu cả trong những cuộc giải quyết tình hình an ninh nông thôn ở giai đoạn cực kỳ phức tạp...

Năm 2000, Trung tướng Phan Văn Vĩnh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Cuộc đời sinh ra đã nợ binh nghiệp

Câu nói này như để dành cho anh, một con người chưa bao giờ hết trăn trở, nợ nần với cuộc đời, nợ nần với binh nghiệp. Dù sau này, anh ở những cương vị lãnh đạo cao hơn, nhưng duyên nợ vẫn khiến anh gắn với công việc điều tra tội phạm. Và anh, dường như vẫn luôn sẵn đó một bầu máu nóng, một trái tim nhiệt huyết quên mình vì công việc. Dù giờ đây mang cấp hàm Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thì anh vẫn là một chiến sĩ, một người lính chiến đấu thực thụ, đã để lại dấu ấn của mình trong từng trận đánh lớn nhỏ.

Tôi được theo chân Trung tướng Phan Vĩnh trong vụ điều tra, truy bắt đối tượng Lê Văn Luyện, kẻ sát hại dã man gia đình một chủ tiệm vàng ở Phố Sàn (Lục Nam, Bắc Giang). Dịp đó, Trung tướng Phan Vĩnh vừa nhận vai trò mới: Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Và trong vụ án nổi tiếng này, việc điều tra phá án đã mạng đậm phong cách Phan Vĩnh, có bài bản, có trí tuệ và bản lĩnh, sức mạnh của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Như một người lính hình sự, anh mặc thường phục đến hiện trường, trời nắng thêm cái mũ cối dân dã.  Nắng nóng khiến mùi tanh từ các dấu vết máu tại hiện trường bốc lên, khiến người yếu sức chỉ có thể trụ được thời gian ngắn rồi phải trở ra. Song Trung tướng Phan Văn Vĩnh tỉ mẩn lật từng tấm đệm, soi xét kỹ từng mét vuông trong căn nhà, nghiên cứu từng dấu vết để lại hiện trường, ghi chép vào sổ. Trời chiều buông xuống lúc nào không biết, lúc anh cảm thấy đã hoàn toàn thỏa mãn với những điều ghi chép, nghiên cứu từ hiện trường thì đồng hồ đã điểm hơn 18h...

Rồi bằng trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng Công an, đối tượng Lê Văn Luyện sa lưới tại Lạng Sơn chỉ sau 1 tuần gây án. Người đầu tiên hỏi cung hung thủ qua điện thoại là Trung tướng Phan Văn Vĩnh. Anh hỏi hắn: “Hung khí là gì? Vứt ở đâu?”, bởi chỉ một chi tiết ấy sẽ giúp anh tiếp tục chỉ đạo điều tra đúng bản chất của vụ án.

Trong vụ thảm án ở Bình Phước, khi nhận được báo cáo, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đang chủ trì một hội nghị ở Lâm Đồng. Vé máy bay về TP Hồ Chí Minh chiều đó không có. Lòng như lửa đốt, bởi khi mạng sống của người dân bị kẻ ác tước bỏ, anh luôn cảm giác như mình mang lỗi, có nợ với dân, với ngành. Trong chuyến bay sớm nhất ngày hôm sau, anh đã trở về TP Hồ Chí Minh, rồi xuống thẳng Bình Phước. Anh huy động tất cả trí tuệ lãnh đạo và lực lượng tinh nhuệ của Tổng cục Cảnh sát, Công an 9 tỉnh lân cận vào cuộc, phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước giăng lưới, bắt gọn đối tượng sau 4 ngày điều tra….

Gần 5 năm, quãng thời gian chưa nhiều, nhưng đã ghi dấu ấn đậm nét của vị Tư lệnh của lực lượng Cảnh sát nhân dân với việc phòng ngừa và khám phá những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Từ những vụ trọng án chấn động dư luận như vụ Lê Văn Luyện, vụ giết 6 người ở Bình Phước, vụ sát hại 4 người ở Nghệ An; đến những băng, ổ nhóm tội phạm hình sự, ma túy cực kỳ nguy hiểm như Tàng kengnam, Minh sâm, Dũng “mặt sắt”, vụ Nguyễn Quốc Hùng và đồng bọn vận chuyển 490 bánh heroin…, rồi những vụ án kinh tế nhằm vào những “nhân vật” tưởng như “khó xâm phạm” như Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh…

Ở vị trí của anh, quá nhiều công việc, quá nhiều áp lực, nhưng anh luôn dung hòa nó bằng chính “cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Anh có chất thép, có sự quyết đoán của một vị tướng võ, nhưng lại có sự thâm trầm, nho nhã. Có lúc thấy gương mặt anh căng thẳng, chất giọng sang sảng, thậm chí rất quyết liệt chỉ đạo cấp dưới trong điều tra, phá án, bởi làm việc với người quá am hiểu và nhiều kinh nghiệm điều tra như anh đâu có thể là đơn giản. Có lúc, lại thấy anh trân trọng những người lính của mình với sự hy sinh, cố gắng của họ bằng những lời nói xúc động từ đáy lòng. 

Anh luôn nói “Chiến công là của tập thể, của những cán bộ chiến sỹ ưu tú, còn tôi chỉ có một phần nhỏ trong đó”. 

Hơn nửa cuộc đời gắn với cuộc chiến đấu với tội phạm, Trung tướng Phan Văn Vĩnh hiểu thấu hơn hết những hy sinh của người lính trong cuộc chiến này. Hai người em, người đồng đội của Trung tướng Phan Văn Vĩnh trong trận đánh ở tiệm vàng Thịnh Vượng năm xưa đã ra đi do những vết thương tái phát. Nước mắt của vị Tư lệnh ấy dường như cũng nén ngược vào trong khi kể về liệt sỹ Đặng Văn Ninh hy sinh vẫn nguyên đôi tất rách, thò cả 5 đầu ngón chân lạnh ngắt, bụng không một hạt cơm, chai sữa đậu nành mua chưa kịp uống; khi một chiến sỹ trẻ khác ngã xuống trong trận chiến đấu đầy cam go mà chưa kịp ngỏ lời cùng người con gái mình yêu… Trái tim anh như bị nghẹn lại trong những tình huống ấy và anh luôn nhủ rằng: đã được sống thì phải cống hiến.

Và anh đã cống hiến, lúc nào cũng tận tâm, tận lực, cho đến cả những ngày này, khi anh đang chuẩn bị hoàn thành chặng đường làm Tư lệnh lực lượng Cảnh sát của mình.

Hòa Thu
.
.