Người Stiêng đi tìm...lời ru của mẹ (Tết)

Thứ Tư, 07/01/2009, 15:52
Đâu rồi, những làn điệu dân ca của các mẹ, các chị, các em vẫn thường văng vẳng bên suối, trên nương? Đâu rồi lời ru của mẹ đã làm tâm hồn Điểu Đức xao xuyến, ấm áp trong những ngày mình còn nhỏ dại? Đâu rồi, đâu rồi?…

Không thể để tiếng hát dân ca của dân tộc Stiêng bị lãng quên theo thời gian. Không thể để cho bạn mình cùng bao người Stiêng khác đánh mất đi lời ru của mẹ bởi nhiều loại âm nhạc lai căng xâm nhập… Điểu Đức, một thanh niên người dân tộc Stiêng,  đã quyết chí đi tìm… Lời Ru Của Mẹ.

Vốn có chút hiểu biết về nhạc lý, lại có nhiệt huyết với nền văn học, văn hóa dân gian của dân tộc mình, Điểu Đức - một thanh niên 37 tuổi, ở thôn Bù Cà Mau, xã Phú Nghĩa, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước đã quyết tâm lên đường đi tìm lại những làn điệu dân ca Stiêng đang bị lãng quên. Theo lời Đức thì nhà anh nghèo lắm. Sau nhiều lần thuyết phục vợ và con, Điểu Đức đã phải bán đi 2 con trâu, 1 mảnh vườn - số tài sản duy nhất của gia đình để lấy tiền mua máy ghi âm, mua băng và chi phí đi đường. Từ những buôn sóc xa xôi của người Stiêng ở huyện Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp… dường như nơi nào cũng in dấu chân của anh.

Tiếp xúc với chúng tôi, Điểu Đức nhớ lại: "Hồi ấy, cứ nghe ở đâu có tổ chức lễ hội của người Stiêng, ở đâu có nhiều mẹ già Stiêng, ở đâu có phong trào văn nghệ của người Stiêng… là tôi tìm tới. Thế nhưng buồn nỗi, khi mình đặt vấn đề sẽ ghi âm lại những làn điệu dân ca Stiêng để lưu giữ thì nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ. Có người nói thẳng là họ đã quên rồi, có người thì khuyên: Dân ca Stiêng có gì hay đâu mà phải lưu giữ? Nếu hồi ấy mình không quyết tâm thì chắc là không có những thành công như ngày hôm nay".

Sau gần 2 năm lặn lội tìm tòi, được chính quyền và một số nghệ nhân giúp đỡ, Điểu Đức đã ghi âm lại được 10 làn điệu dân ca Stiêng với hàng ngàn bài hát ru; hát giao duyên; hát ngợi ca đất nước, con người và rừng núi. Cũng trong cuộc hành trình ấy, Điểu Đức còn ghi chép lại được hàng ngàn bài ca dao Stiêng với nhiều chủ đề khác nhau, 10 bài sử thi Stiêng. Mỗi bài sử thi nói về một con người, về một câu chuyện trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, nói về ông Tiên, về lịch sử hình thành trời đất, về một con sông, con suối thiêng, về thời đồ đá, đồ đồng mà người Stiêng đã từng trải qua và in đậm trong tiềm thức của họ…

Do người Stiêng chưa có chữ viết riêng, chỉ có ngôn ngữ dùng để giao tiếp nên Điểu Đức đã ghi lại bằng giai điệu âm thanh, về dịch dần sang tiếng kinh để lưu truyền.

Điểu Đức kể: "Có lần, mình về một xã ở huyện Bù Đăng, có đội cồng chiêng chơi rất hay, thể hiện đúng tâm hồn người Stiêng. Năn nỉ mãi, những nghệ nhân cồng chiêng mới chơi lại một số giai điệu cồng chiêng cổ và mình đã ghi lại được 3 bài. Có thể nói đây là những tư liệu quý để mai sau có dịp sẽ thực hiện một công trình nghiên cứu về tiếng cồng, tiếng chiêng cổ của người Stiêng - một loại âm thanh đặc sắc tưởng như  đã đi theo cùng quá khứ".

Sau nhiều lần do dự, Điểu Đức tìm tới Đài Phát thanh Truyền hình Bình Phước. Nhận thấy những bài dân ca Stiêng do Điểu Đức sưu tầm được rất có giá trị,  Ban Giám đốc Đài đã xin kinh phí thực hiện một bộ phim ngắn với nhan đề "Tôi đi tìm tôi". Tháng 11/2006, bản audio hoàn thành qua sự đạo diễn của nhà báo Quốc Duy. Cuối năm 2006, tác phẩm này đã được giải vàng tại Liên hoan Phim truyền hình do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Tháng 3/2007, những giai điệu dân ca Stiêng này đã được các nghệ sĩ Stiêng ở Bình Phước biểu diễn trên sân khấu trong chương trình liên hoan dân ca truyền hình toàn quốc được tổ chức tại Bình Dương. Từ những cơ hội này, lần đầu tiên công chúng cả nước được biết đến cái hay, cái đẹp, cái tâm và nỗi lòng của người Stiêng đối với cuộc sống. Nếu như dân ca của người Stiêng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên hừng hực như có lửa; dân ca của người Kinh thì sâu lắng, thiết tha thì dân ca của người Stiêng ở Bình Phước lại duyên dáng và nền nã.

Tác phẩm "Tôi đi tìm tôi" của Điểu Đức sưu tầm có 5 bài thể hiện tình yêu thương và sự kỳ vọng của người mẹ Stiêng đối với đứa con nhỏ dại của mình: "Ngủ  hời, ngủ đi để thành người khôn…". Ngoài tình mẹ con, tình yêu đôi lứa trong dân ca của người Stiêng là thứ tình cảm sâu lắng nhất. Tình yêu đến thật nhẹ nhàng, tự nhiên: "Nắm tay mình múa khèn tình yêu đậm sâu tháng ngày…".

Nam nữ Stiêng yêu nhau, thương nhau họ không nói thẳng ra đâu. Qua con sóc trên cây, cây măng, cây tre trên rừng, cái gùi đi nương, cái khèn để gọi nhau trong những ngày lễ hội,... chính là lời gửi gắm yêu thương chân tình mà mãnh liệt…

Chia tay với Điểu Đức khi nắng xuân vàng đang về, tràn ngập sắc màu trên đỉnh Bà Rá thân yêu, chúng tôi nhớ mãi lời tâm sự của anh: "Dân ca Stiêng là một bộ phận nhỏ trong kho tàng văn học dân gian của người Stiêng mà chúng ta cần sưu tập, nghiên cứu và phổ biến. Để dân ca Stiêng bay xa, vươn xa, những việc mà tôi đã làm được còn quá nhỏ bé, rất cần sự chung sức chung lòng của tất cả mọi người"

Ngọc Ánh
.
.