Lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước:

Ngày ấy, đồng bào gọi tôi là 'cán bộ mùa thu'

Thứ Ba, 21/04/2015, 09:38
Hơn 3 giờ đồng hồ, được Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tiếp chuyện trong ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, chúng tôi như bị cuốn vào dòng chảy của những ngày tháng sục sôi cách mạng, khi lớp lớp cán bộ Công an viết đơn tình nguyện chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nghe chuyện đời binh nghiệp với nhiều biến cố, thăng trầm của ông, tôi mới hiểu thêm rằng, tại sao khi hoàn thành Đề tài nhánh của Tổng cục Chính trị CAND, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật CAND về công tác xây dựng lực lượng, hậu cần, phương tiện kỹ thuật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), những cán bộ làm công tác sưu tầm tư liệu lịch sử đã tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh - một nhân chứng lịch sử quan trọng.

Mở đầu câu chuyện, khi biết tôi viết bài về mảng chi viện, nhất là công tác xây dựng lực lượng, chi viện lực lượng cho An ninh miền Nam, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Ủy viên Ban An ninh Khu VI (Cục Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND,  nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược Công an (bí danh Minh Mến, Tư Quyết) nói rằng, chi viện lực lượng của Bộ cho An ninh miền Nam thì phải khái quát, đánh giá được rằng anh em chi viện của Bộ đã đóng góp được những gì cho An ninh miền Nam; gắn bó với anh em an ninh cơ sở và bà con nơi mình hoạt động như thế nào?

Và ông đã trải lòng với chúng tôi về quãng đời hoạt động điệp báo của mình trong thời gian chi viện vào An ninh Khu VI. Đó chính là những minh chứng sinh động nhất về một trong những cán bộ ưu tú được Bộ lựa chọn chi viện cho An ninh miền Nam thời bấy giờ đã cống hiến tuổi xuân, nhiệt huyết tuổi trẻ cho đất nước, cho cách mạng.

Năm 1964, khi ông đang công tác ở Cục Bảo vệ chính trị, với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, ông đã viết đơn tình nguyện đi vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ngày ấy, Ban Thống nhất Trung ương gọi Khu V là bác Ân,  Khu VI là bác Kế, vào Trung ương Cục miền Nam thì gọi ông Cụ, anh em ai cũng háo hức mong được vào miền Nam chiến đấu, góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ lúc hành quân cho đến khi vào được Khu VI ròng rã hơn 3 tháng, đến đầu năm 1965, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh đã vào được đến Khu VI bao gồm Khu Cực Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên. Ông được cấp trên phân công công tác tại Ban An ninh khu VI, phụ trách Tiểu ban Điệp báo An ninh khu VI.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh trải lòng về những kỷ niệm làm điệp báo với tác giả.

Nhớ lại những ngày ở chiến trường Khu VI, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cho biết, đó chính là những tháng ngày cực kì gian khổ nhưng anh em luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình giành độc lập, thống nhất đất nước. Vào Khu VI, anh em phải ăn sắn cả ngày, phát huy “hậu cần tại chỗ”, cán bộ chiến sỹ thường xuyên tăng gia trồng ngô, trồng sắn và hái rau rừng (lá bép) ăn qua ngày.

Có những lúc thiếu thốn, anh em vẫn buộc phải nhổ sắn nhiễm độc lên nấu ăn để cầm cự lấy sức. Tết năm 1966, cuộc họp Chi ủy cơ quan An ninh Khu đã ra quyết nghị, để động viên anh em, ngày mùng 1 Tết, cán bộ Khu VI được ăn 2 bữa cơm trắng. Bắt đầu từ tháng Chạp trở đi, khi mang tải, ngoài đủ số kilogam đeo theo người gồm quân trang, vũ khí, mắm, ruốc, thuốc men, mỗi người tự nguyện mang thêm 1kg gạo để có đủ gạo cho anh em ăn Tết.

Phụ trách điệp báo của An ninh khu nên Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh rất chú trọng đến lực lượng An ninh cơ sở. Ngoài những kinh nghiệm được Bộ trang bị và kiến thức trải qua thực tế ở miền Bắc, vào Khu VI, Tướng Minh rất chú trọng học hỏi kinh nghiệm từ anh em An ninh cơ sở.

Thời đó, lực lượng An ninh tại chỗ có các đội vũ trang công tác, mỗi đội từ 5-10 người, trong đó có một cán bộ chuyên trách công tác an ninh được phân công hoạt động trong 1-3 xã, đêm đêm đột nhập vào ấp chiến lược trong vùng địch chiếm đóng để nắm tình hình, xây dựng cơ sở. Ngoài lực lượng an ninh cơ sở đã quen mặt, người dân thường gọi cán bộ miền Bắc chi viện vào miền Nam là “cán bộ mùa thu”- ý nói rằng đó là những cán bộ của cách mạng mùa thu tháng Tám, hoàn toàn tin tưởng được, biết ai là “cán bộ mùa thu” là người dân dốc lòng giúp đỡ.

Với phương châm, tính toán lâu dài, đảm bảo đường lối hoạt động có hiệu quả, dựa vào nhân dân, bám dân nên hoạt động điệp báo của ta được nhân dân giúp đỡ đã xây dựng được cơ sở trong tòa Tỉnh trưởng, Phòng 2 tiểu khu, Ty Cảnh sát, thu được nhiều tin tức quan trọng phục vụ cho việc diệt ác phá kèm, phá kế hoạch Bình Định, Phượng Hoàng của địch.

Cứ 6 tháng ông lại xuống bám địa bàn trọng điểm ở Phan Thiết để hướng dẫn giúp đỡ anh em làm điệp báo của tỉnh xây dựng cơ sở. Khi cơ sở cung cấp tài liệu, cán bộ điệp báo phải tìm cách đến hộp thư chết lấy tài liệu ở hốc đá, gốc cây, có khi đêm xuống ta phải đột nhập vào vùng địch quản lý, nấp trong hầm trú ẩn để chờ lấy tài liệu từ cơ sở.

Cơ sở mà ta móc nối là những người có thể ra vào trụ sở của địch, ngụy trang mang tài liệu ra bằng nhiều cách. Có được tài liệu rồi nhưng việc lấy tài liệu cũng hết sức cam go. Do được phân công nắm 2 trọng điểm nên việc đi lại giữa vùng ven Phan Thiết, Bình Thuận rất gian khổ nguy hiểm, nhất là khi vượt qua quốc lộ 11, 20 vào ban đêm, nhiều lần ông bị địch phục kích suýt chết, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể lại những kỷ niệm làm điệp báo.

“Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tài liệu mà tôi thu thập được có giá trị lớn nhất chính là việc thu được toàn bộ hồ sơ hệ thống tổ chức của F cảnh sát đặc biệt Bình Thuận”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hào hứng kể lại. Sau thời điểm ngày 4/4/1975, khi cánh quân của ta chiếm Phan Thiết, sáng 19/4, trên đường đi kiểm tra các mục tiêu đã chiếm lĩnh ông thấy thiếu F Cảnh sát đặc biệt nên đã kéo một chiến sỹ An ninh vũ trang đi ngược lên đường 8 tìm cơ sở quan trọng này và tìm được hồ sơ “kế hoạch” - hồ sơ nội gián của địch do cố vấn Mỹ chỉ đạo và toàn bộ danh sách màng lưới cơ sở mật của địch. Từ tài liệu trên đã giúp ta nắm chắc hồ sơ, tài liệu về màng lưới bí mật của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nắm chắc và chủ động có đối sách với địch ở địa bàn Bình Thuận…

Một kỷ niệm sâu sắc nữa được Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh kể lại, đó là năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết và triển khai, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh do thông thạo 2 ngoại ngữ Anh và Pháp nên đã được Thường vụ Khu ủy cử vào đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên. Ông được cử trong đoàn công tác đưa Đại sứ ở Ủy ban quốc tế ra Quảng Trị làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp tục giữ nhiều trọng trách lãnh đạo chỉ huy ở các địa bàn vùng Tây Nguyên, giải quyết vấn đề FULRO, tháng 8/1990 được Thủ tướng Chính phủ phong quân hàm Thiếu tướng và sau này nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và các cấp trao tặng, nhưng quãng thời gian sống, chiến đấu trong giai đoạn chi viện miền Nam, gắn bó với lực lượng An ninh Khu VI không thể quên trong cuộc đời làm điệp báo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh.

Hiếu Quỳnh
.
.