Bệnh viện Công an tỉnh 'đọ sức' bằng yếu tố con người

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:56
Thắng lợi lớn nhất của Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định ngoài việc mở rộng quy mô, nâng cấp khoa phòng, đẩy mạnh thực hiện kỹ thuật cao về lâm sàng hay đầu tư mới nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng hơn cả chính là yếu tố con người.

“Chị cứ hỏi cảm tưởng của bệnh nhân, chứ nói về mình thì khó lắm…”, Đại tá, bác sĩ Vũ Anh Phong, Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định thổ lộ khi tiếp xúc với chúng tôi. Vốn tính khiêm tốn, chị luôn đau đáu về người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo khó khăn. Đó là nỗi trăn trở của những người thầy thuốc mặc áo lính ở thành Nam.

Chúng tôi tới thành Nam vào một ngày trời hửng nắng, chồi non mùa xuân đã bắt đầu nhú nở. Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, mọi người đã bắt tay vào nhịp sống thường nhật. Riêng những thầy thuốc ở Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định, ngày nghỉ thật hiếm hoi. Bệnh nhân chạy thận ở đây cứ “đến hẹn lại lên”, đúng ngày đúng giờ là lọc máu, mọi hy vọng họ đều gửi gắm vào những người thầy thuốc Công an mặc áo blouse trắng.

Cố nén cơn đau, người đàn ông trung tuổi đã kể chi tiết về tình hình bệnh tình của mình với bác sĩ Nguyễn Hoàng Long (phụ trách khoa nội). Đó là bệnh nhân Nguyễn Mậu, cán bộ Công an huyện Nam Trực, là một trong những người bệnh quen thuộc đến chạy thận ở Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định.

Anh Mậu bị suy thận mãn tính, phải bắt đầu chạy thận nhân tạo chu kỳ từ cách đây 5 năm. Biết mình bị bệnh, anh Mậu đã rất lo lắng, nhưng được sự động viên an ủi và lòng nhiệt tình của những người thầy thuốc nơi đây khiến anh thấy an lòng hơn rất nhiều. Anh bắt đầu hành trình chữa trị với lòng kiên trì, điều độ và tinh thần vui vẻ thoải mái hơn.

Trong thời gian điều trị anh đã được các y, bác sĩ tạo điều kiện cho lọc máu định kỳ đầy đủ, một tháng 12 lần đều đặn không bỏ ca nào. Dù đau đớn nhưng nhìn thấy nụ cười của người thầy thuốc, những lời động viên ân cần đã giúp anh vững tâm vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, tích cực điều trị. Không chỉ những bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ Công an mà nhiều người dân cũng tìm đến nơi đây để khám chữa bệnh và điều trị.

Tiếng lành đồn xa, người dân cần một tấm lòng “lương y như từ mẫu”, chất lượng phục vụ và sự quan tâm của những người thầy thuốc đối với từng người bệnh. Tiếp xúc với một bệnh nhân gầy gò, đang chuẩn bị vào chạy thận là anh Phạm Văn Đạt ở huyện Xuân Trường (Nam Định) mới thấy được sự an tâm khi tới đây điều trị.

Các  y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Công an tỉnh Nam Định thăm khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn.

Đã 6 năm nay, đều đặn tuần 3 lần cứ mờ sáng anh vẫy xe lên thành phố Nam Định (cách nhà gần 30 km) đến Bệnh viện Công an Nam Định để chạy thận. Mấy ai biết rằng, ngày đầu, khi biết mình mang căn bệnh quái ác này, anh Đạt rất bi quan chán nản, nhà nghèo, bệnh viện thì ở xa. Anh từng lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Mỗi lần lọc máu tốn kém gần 700 nghìn đồng. Đó là số tiền khá lớn với người thuộc diện hộ nghèo như gia đình anh ở thời điểm 9 năm trước. Thế rồi, sau 2 tháng nằm viện với 24 lần lọc máu, anh chủ động xin về vì không có đủ kinh phí trang trải tiền thuốc men, sinh hoạt ở một nơi đắt đỏ như Hà Nội.

Rồi anh nghe tin Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định đã đi vào hoạt động, có phòng chạy thận chất lượng tốt và quan trọng hơn là tấm lòng vì người bệnh của những thầy thuốc Công an. Niềm vui như vỡ òa, với tấm thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, giờ đây anh Đạt có thể lọc máu ở bệnh viện gần nhà và phần lớn viện phí do bảo hiểm chi trả.

“6 năm điều trị nơi đây, ân tình của những người thầy thuốc Công an làm sao tôi nói hết được”, anh Đạt xúc động nói.

Biết hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của gia đình anh Đạt, bệnh viện đã tạo điều kiện cho anh được lọc máu miễn phí tới 4 lần bằng nguồn trích từ quỹ tấm lòng nhân ái giúp đỡ bệnh nhân nghèo do các cán bộ, công nhân viên bệnh viện đóng góp, chi phí mỗi lần là 2 triệu đồng… Đã có không ít những bệnh nhân mang căn bệnh hiểm nghèo như anh Đạt đã được chữa trị, giúp đỡ bằng tấm ân tình của người thầy thuốc Công an. Đó cũng là liều thuốc tinh thần quý giá tiếp thêm nghị lực để những người bệnh giành giật và kéo dài cuộc sống với tử thần…

Rời phòng chạy thận nhân tạo, chúng tôi có mặt ở khoa sản phụ, lúc này các bác sĩ đang hối hả chuẩn bị cho một ca mổ phức tạp. Nét ưu tư của người nhà sản phụ khiến không gian như chật cứng, người đứng kẻ ngồi, bồn chồn và đều hướng vào phòng sản. Người phụ nữ phúc hậu ngồi ở hàng ghế chờ là bà Trần Thị Bé ở huyện Vụ Bản, dù ở cách bệnh viện hơn 10km nhưng tiếng tăm về khoa sản của Bệnh viện đa khoa Công an tỉnh Nam Định đã được nhiều người biết đến.

“Nghe mọi người bảo các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình nên khi con gái có dấu hiệu chuyển dạ, tôi đã bảo người nhà đưa cháu tới đây sinh nở cho mẹ tròn con vuông”, bà Bé nói.

Vừa nói, ánh mắt bà vừa hướng vào phòng sản, cánh cửa bật mở là niềm vui vỡ òa, tiếng đứa trẻ chào đời vang lên. Bà Bé vui vẻ đỡ đứa cháu ngoại thứ hai mà lòng ngập tràn hạnh phúc… Đã có nhiều sản phụ tìm đến nơi đây để sinh con.

Chị Tuyết (ở TP Nam Định) kể, bố chị thường xuyên đến đây khám sức khỏe định kỳ, ông rất thiện cảm với thầy thuốc ở đây nên đã tư vấn cho chị đến đây sinh nở. Khi hai mẹ con  được chuyển về buồng nằm, dù đêm đã khuya nhưng bác sĩ trực vẫn tới kiểm tra tình trạng sức khỏe sản phụ. Sự ân cần đó của nữ bác sĩ như tăng thêm sức mạnh trong lần “vượt cạn” nhọc nhằn…

Tiếng lành đồn xa, người dân từ các nơi đã tìm về nơi đây để khám và điều trị bệnh. Có những cán bộ Công an cấp cao đã nghỉ hưu, có tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe ở những cơ sở y tế lớn hơn cũng tự nguyện xin về đây. Với họ, ngoài nghĩa tình đồng đội, là những thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh, bớt số lần đi lại và thời gian chờ đợi…

Nhận xét về sự “đi lên” của bệnh viện, ông Phạm Quốc Hùng, nguyên cán bộ Công an TP Nam Định chia sẻ, thắng lợi lớn nhất của Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định ngoài việc mở rộng quy mô, nâng cấp khoa phòng, đẩy mạnh thực hiện kỹ thuật cao về lâm sàng hay đầu tư mới nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng hơn cả chính là yếu tố con người. Nơi đây có một đội ngũ y, bác sĩ tận tâm với nghề, được người bệnh gửi gắm niềm tin. Đó là điều không phải cơ sở y tế nào cũng làm được…

Kim Thanh - Ngọc Thương
.
.