Một sân chơi bổ ích

Thứ Bảy, 06/06/2009, 16:12
Khô khan, kỷ luật cứng nhắc… là những gì mà nhiều sinh viên (SV) các trường khác nghĩ về SV Đại học An ninh (ĐHAN). "Khó nhằn" là cảm giác của đa số SV khi nghĩ tới những môn học về chủ nghĩa Mác- Lê nin. Không biết có phải "khô khan, cứng nhắc" hợp với "khó nhằn" không mà trong sân chơi mới đây của SV toàn thành phố mang tên "OLYMPIC các môn Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - tầm nhìn xuyên thế kỷ" vừa kết thúc, SV ĐHAN đã “ẵm” gần hết các giải với tổng số tiền thưởng 51 triệu đồng.

Chiến thắng áp đảo

Ở phần thi cá nhân, một vị giám khảo khi có trong tay kết quả đã nửa đùa nửa thật: "Tôi chẳng muốn công bố kết quả này chút nào vì 5 SV đoạt giải cùng đến từ một trường, đó là Trường ĐHAN". Trước đó, khi mà đến câu 29 thì 5/7 người còn lại có đến 5 là SV ĐHAN. 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải khuyến khích (cá nhân) đã thuộc về những thí sinh đội tuyển ĐHAN. Hoàng Văn Khang - người đoạt giải cá nhân cao nhất khi gặp tôi xúc động nói: "Có lẽ đó là giờ phút hạnh phúc nhất của đời em".

Kết quả có được này không hề dễ dàng khi cuộc thi thu hút sự tham gia của hơn 25.030 thí sinh tham dự phần thi cá nhân, 516 thí sinh (86 đội) tham gia phần thi tập thể thuộc 40 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn TP Hồ Chí Minh tham gia. Nhiều đối thủ đáng gờm với ĐHAN như ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Luật, Học viện Hành chính, Khoa Kinh tế ĐH QG TP Hồ Chí Minh,…

Vòng bán kết đồng đội hội thi được bắt đầu từ ngày 19-4 với sự tham dự của 27 đội xuất sắc nhất bảng A và 9 đội xuất sắc nhất bảng B. Trải qua các phần thi: Dấu ấn lịch sử, Đi tìm chân lý, Nhà thông thái trẻ, Tinh hoa Hồ Chí Minh; tự hào sinh viên học sinh thành phố anh hùng (vòng chung kết)… dù năm nay nội dung những câu hỏi khó hơn, đòi hỏi kiến thức rất rộng, nhưng các thí sinh của trường đã thể hiện bản lĩnh, sự tự tin vượt qua những câu hỏi rất khó và đạt được những số điểm rất cao.

Niềm vui vỡ òa khi toàn đội đi thi đạt được những giải cao nhất của cuộc thi.

Sẽ không có được những niềm vui lớn như vậy nếu cuộc thi chỉ dừng lại ở yếu tố phong trào, động viên. Ngày 26/5 trong lễ mừng công, Thiếu tướng-Tiến sỹ - Hiệu trưởng Phan Đức Dư đã quyết định: "Thưởng nóng gấp đôi cho những thí sinh đoạt giải đợt này". Ông phát biểu: "Sân chơi này trường đã tham gia từ lâu nhưng chỉ đoạt giải nhất cá nhân. Cao nhất lúc trước là giải nhì đồng đội. Lần này đã đoạt nhiều giải cao. Năm nay ĐHAN cũng là một trong tốp 10/31 trường trong toàn quốc khối ĐH-CĐ đoạt nhiều giải cao trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2009". Không vui sao được khi mỗi giải thưởng mà những SV xuất sắc mang về đều có dấu ấn của "hậu phương".

Hành trình… săn giải

Theo thầy Nguyễn Sỹ Phượng - Phó trưởng bộ môn Mác - Lênin của Trường ĐHAN thì cuộc thi đã được sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, BGH mà trực tiếp là BCĐ cuộc thi do Đại tá - Tiến sỹ Hà Việt Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách và Thượng tá - TS Hoàng Tăng Cường - Chủ nhiệm bộ môn Mác -Lênin.

Một thành viên không thể không nhắc tới là thầy Lê Hoàng Việt Lâm, người mà các SV ví như "người đưa đò", anh là người trực tiếp hướng dẫn ôn tập kiến thức và biết nóng cùng cái nóng của những thí sinh, lo cùng nỗi lo của họ trong 1 tháng rưỡi miệt mài. Anh thực sự là người anh cả của các thí sinh ĐHAN trong đợt thi lần này.

Nỗ lực của từng SV trong cuộc thi là điều phải có nhưng quan trọng là nỗ lực đó được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh rực sáng, nảy nở và đơm hoa kết trái vì ngay cả những SV có thành tích học tập tốt nhưng nếu không được gieo mầm chăm sóc trong một môi trường tốt như vậy thì không thể có thành quả như hôm nay cũng như không thể có những người chiến sỹ CAND biết hy sinh, chiến đấu vì  bình yên của xã hội…

Những cuộc thi rồi cũng qua đi nhưng tinh thần học hỏi và nhất là tình thầy trò và phương pháp học tập cũng như tinh thần quyết tâm của thầy, trò Trường ĐHAN thì tôi tin rằng sẽ còn mãi. Đó mới chính là phần thưởng lớn nhất đối với thầy và trò của ngôi trường nhiều truyền thống này

Huyền Nga
.
.