Malish John Peter: Trợ giúp nhân đạo là để cứu người

Thứ Tư, 12/12/2018, 10:01
Nhận thức được vấn đề an ninh và tình hình khủng hoảng ở quê hương Nam Sudan của mình, nhưng Malish John Peter vẫn quyết tâm thực hiện trợ giúp nhân đạo nhằm giảm nhẹ những đau khổ nơi đây.


Cuộc nội chiến ở Nam Sudan đã diễn ra từ năm 2013, giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập, cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người. Trong số đó, khoảng một nửa chết bởi bom đạn chiến tranh, nửa còn lại tử vong vì dịch bệnh và không được tiếp cận các dịch vụ y tế. Nơi đây đặc biệt cần các trợ giúp nhân đạo, tuy nhiên việc này trở nên khó khăn do thường diễn ra bạo lực.

Nhận thức được vấn đề an ninh và tình hình khủng hoảng ở quê hương Nam Sudan của mình, nhưng Malish John Peter vẫn quyết tâm thực hiện trợ giúp nhân đạo nhằm giảm nhẹ những đau khổ nơi đây.

Malish sinh tại Kupera, một thị trấn nhỏ thuộc phía tây nam của Nam Sudan, giáp biên giới với Uganda. Ông lớn lên ở Uganda như người tị nạn, đây là nơi cha mẹ ông đã trốn thoát trong cuộc nội chiến thứ hai giữa miền Nam và miền Bắc Sudan, từ năm 1983 đến 2005, giữa Chính phủ Sudan và lực lượng Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan. Cuộc sống của gia đình Malish khá khó khăn, đặc biệt kể từ khi cha ông mất. Lúc ấy Malish mới 7 tuổi, hai mẹ con phải sống nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện thế giới.

Malish John Peter 

Malish nói: “Tôi mất cha vào năm 1990, khi mới 7 tuổi, và mẹ đã nuôi tôi. Khi lớn lên, tôi biết những gì mình có được là nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện xã hội. Tôi học trung học bằng bảo trợ của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn khi ở Uganda. Sau đó, tôi có bằng đại học đầu tiên ở Uganda bằng học phí tự đóng. Rồi tôi lấy được bằng Thạc sĩ về Chính sách công Đại học Nottingham ở Anh bằng học bổng của Open Society Foundations”.

Cũng như bao chàng trai khác, học xong, có công việc, anh chàng Malish John Peter cũng lấy vợ và có 2 cô con gái song sinh rất đáng yêu. Chỉ khác một điều, anh và vợ con mỗi người ở một nơi, Malish sống ở Juba, thủ đô của Nam Sudan, trong khi vợ con sống ở Arua, Uganda.

Nhận thấy cuộc nội chiến ở Nam Sudan giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập khiến các trợ giúp nhân đạo trở nên khó khăn do bạo lực thường diễn ra. Trong khi người dân cần sự giúp đỡ thì các nhân viên trợ giúp nhân đạo tiếp tục là mục tiêu bắt giữ của các nhóm vũ trang... Song vì “Trợ giúp nhân đạo cho Nam Sudan là để cứu người”, nên dù hoàn toàn nhận thức được những vấn đề an ninh phức tạp và tình hình khủng hoảng ở đây, Malish vẫn quyết tâm thực hiện nhằm giảm nhẹ những đau khổ nơi đây.

Sau khi biết công việc của CARE, một tổ chức nhân đạo toàn cầu cung cấp cứu trợ trong trường hợp thiên tai ở các khu vực khủng hoảng và các giải pháp lâu dài cho đói nghèo trên toàn thế giới, Malish đã tham gia tổ chức này ở Nam Sudan với tư cách là Cố vấn đối tác từ tháng 7-2018. CARE hiện đang triển khai công việc tại 94 quốc gia và đã có mặt tại Nam Sudan từ năm 1993. Công việc của Malish là hàng ngày cung cấp trợ giúp bất chấp xung đột leo thang, không phải để được ghi công, mà để làm lan rộng hy vọng và phục hồi nhân phẩm con người.

“Tôi cảm thấy tự hào là thành viên của tổ chức này, khi cứu sống những người đã có thể chết nếu không có  trợ giúp của chúng tôi ở những vùng xa xôi nhất. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2013 ở Nam Sudan, CARE đã trợ giúp nhân đạo cho hơn 900.000 người ở những khu vực khó tiếp cận”, Malish cho biết.

Thống kê cho thấy những người gặp khó khăn và những người di dời khỏi Nam Sudan nằm trong số những cảnh ngộ tồi tệ nhất trên thế giới. Và hiện có khoảng hơn 5,3 triệu người nơi đây (khoảng 43% dân số), đang trong tình trạng không đảm bảo an ninh lương thực, cần trợ giúp nhân đạo. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 7 triệu người, tức hơn một nửa dân số của đất nước.

Mặc dù một thỏa thuận hòa bình mới được ký hồi đầu tháng 8 năm nay nhưng hòa bình vẫn chưa đến Nam Sudan. Phụ nữ, trẻ em và người già dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến đang diễn ra. 

“CARE có mặt ở đây để giúp tạo dựng lại sinh kế, cung cấp hỗ trợ y tế thiết yếu cho trẻ em suy dinh dưỡng, bảo vệ quyền của phụ nữ và các bé gái chống lại bạo lực giới”, Malish nói. 

Cho đến nay, khoảng 4 triệu người đã phải di tản do hậu quả của cuộc xung đột đang diễn ra. Phụ nữ và trẻ em chiếm 85% số người di tản bởi chiến tranh. Mức độ mất an ninh lương thực trầm trọng đã khiến hầu hết các gia đình ở Nam Sudan không có thức ăn và sống sót nhờ vào rau dại.

Chia sẻ về công việc của mình cũng như những người cùng làm công việc cứu trợ ở Nam Sudan, Malish cho hay thật không dễ để trở thành một nhân viên trợ giúp nhân đạo ở đất nước này, bởi “đường sá quá xấu trong mùa mưa, trong khi chúng tôi phải đi suốt đêm trên đường. Điều đó khiến đội ngũ nhân viên của chúng tôi đối mặt với những nguy cơ mất an toàn rất lớn, có thể là mục tiêu bắt giữ của các nhóm vũ trang”. 

Cụ thể bản Báo cáo về An ninh của nhân viên trợ giúp nhân đạo năm 2018, công bố ngày 13-8 cho thấy khoảng 1/3 trong tổng số 158 sự cố bạo lực lớn nhằm vào 313 nhân viên trợ giúp nhân đạo. Nhưng bất chấp hiện thực này, sự đồng cảm đã thúc đẩy họ vượt qua khó khăn và nguy hiểm để tới trợ giúp những con người khốn khó.

Malish cũng chia sẻ rằng việc cân bằng giữa nhu cầu công việc, gia đình và suy nghĩ về tương lai của đất nước này như một người Nam Sudan với ông cũng không phải là điều dễ dàng, nhưng ông vẫn chấp nhận sống xa vợ con vì tin rằng “Nam Sudan sẽ phục hồi bất chấp con đường tái thiết gai góc”.

Hà Thanh
.
.
.