Lực lượng Cảnh sát Kinh tế - 55 năm đồng hành với sự phát triển kinh tế của đất nước

Thứ Hai, 08/08/2011, 14:00
“Với những thành tích đạt được trong 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSKT luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận đánh giá cao, ngày càng khẳng định thương hiệu “Cảnh sát kinh tế Việt Nam”. Đã có 2 tập thể của lực lượng CSKT được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Lực lượng CSKT được Chủ tịch nước tặng hàng ngàn Huân chương chiến công các loại…”.

Cách đây 55 năm, ngày 10/8/1956, để bảo vệ tài sản của Nhà nước và trước yêu cầu công tác của lực lượng Công an nhân dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số: 1001/TTg xác định tổ chức của ngành Cảnh sát nhân dân, trong đó ghi rõ: Cảnh sát kinh tế (CSKT) phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ. Bắt đầu từ đây, lực lượng CSKT chính thức ra đời và đi vào hoạt động.

Trong những tháng năm cả nước huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CSKT đã tăng cường phối hợp với các ngành kinh tế tổ chức cuộc vận động "thực hiện kế hoạch nhà nước và bảo vệ tài sản của Nhà nước; làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, nhất là trong các cơ quan kinh tế”. Bên cạnh đó, lực lượng CSKT đã tập trung làm tốt công tác bảo vệ kinh tế, phát hiện nhiều vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, lực lượng bảo vệ kinh tế ở Bộ và Công an các tỉnh tiếp tục phát hiện, điều tra nhiều vụ án lớn góp phần ngăn chặn hoạt động đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường, tham ô tài sản nhà nước, nhất là trong cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam. Phải kể đến những vụ điển hình như vụ tham ô gạo của Tạ Tấn Sơn, cán bộ vật tư tỉnh Phú Yên; vụ Giám đốc Sở Lương thực An Giang và đồng bọn tham ô, cố ý làm trái…

Một dấu mốc lịch sử quan trọng của lực lượng CSKT là vào tháng 12-1981, CSKT được hình thành từ Trung ương đến quận, huyện. Từ đó đến nay, Cục CSKT đã chỉ đạo lực lượng CSKT phát hiện, điều tra, xử lý 573.722 vụ phạm tội và các vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, thiệt hại 24.912 tỷ đồng, thu hồi 7.959 tỷ đồng. Ngoài việc trực tiếp phát hiện, đấu tranh chống tội phạm về kinh tế, lực lượng CSKT đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, quản lý cán bộ, những tồn tại thiếu sót trong hệ thống pháp luật cùng những nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm về kinh tế.

Quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý Nhà nước theo định hướng XHCN đã bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót. Hoạt động của các loại tội phạm kinh tế thời kỳ này diễn ra rất phức tạp. Trước tình hình trên, lực lượng CSKT trong cả nước đã tích cực phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn, phức tạp, góp phần giữ vững ANTT trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Hàng ngàn vụ án kinh tế lớn được phát hiện điều tra trong giai đoạn này đã góp phần ổn định TTXH.

Trước tình hình tham nhũng, tiêu cực tại các trạm kiểm soát liên hợp trên các tuyến giao thông gây bức xúc trong dư luận xã hội, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục CSKT thành lập Đội Đặc nhiệm và giao nhiệm vụ quan trọng để đấu tranh với loại tội phạm này. Sau thời gian thành lập, Đội đã khám phá nhiều chuyên án nổi tiếng, khởi tố nhiều vụ án, bị can, thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước, điển hình như các vụ án tại Trạm Kiểm soát liên hợp Đồng Bành (Lạng Sơn), vụ Trạm cân Cà Đú (Ninh Thuận), vụ Phà Quán Hầu (Quảng Bình), vụ Quản lý thị trường Diễn Châu (Nghệ An)… Những chiến công trên đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội khen ngợi, đánh giá cao, dư luận quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực thay mặt Tổng cục Cảnh sát ký quy chế phối hợp với Tập đoàn HUD.

Trên cơ sở kết quả điều tra hàng trăm vụ án trong lĩnh vực hoàn thuế GTGT, lực lượng CSKT đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an báo cáo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm bịt kín những sơ hở, thiếu sót trong lĩnh vực này, không để tội phạm kinh tế lợi dụng hoạt động. Nhiều công trình bị “rút ruột” được thực hiện trong giai đoạn tổ chức thi công, tập trung chủ yếu vào các hạng mục ngầm, chìm dưới mặt đất, mặt nước các hạng mục ẩn dấu đã bị lực lượng CSKT phanh phui. Điển hình như vụ Lã Thị Kim Oanh; vụ 4.000 tấn thép xây dựng đường dây 500 kV, vụ cố ý làm trái trong xây dựng Thủy cung Thăng Long..v.v...

Mặc dù công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, song lực lượng CSKT cũng đã phát hiện, điều tra làm rõ nhiều vụ án, như vụ Công ty Grobet tại Khu Công nghiệp Đồng Nai gây thiệt hại trên 34 tỷ đồng. Qua vụ án trên, Cục CSKT đã kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra và phát hiện 122 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở các tỉnh, thành phố đã được miễn giảm thuế trái quy định trên 213 tỷ đồng, thu hồi được trên 152 tỷ đồng… Công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, trốn lậu thuế cũng được Đảng ủy và lãnh đạo Cục quan tâm chỉ đạo. Chỉ tính từ năm 1981 đến nay, toàn lực lượng CSKT đã bắt giữ, xử lý 421.433 vụ, thu giữ hàng hóa trị giá nhiều ngàn tỷ đồng, góp phần quan trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước bảo vệ thương hiệu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Từ cuối năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là cơ quan trực tiếp tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, Cục CSKT đã phối hợp với các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát PCTP báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai một số công tác trọng tâm cấp bách; xác định rõ các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm và đối tượng cần tập trung đấu tranh nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ với 6 giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng CSKT cả nước đã đồng loạt ra quân, phát hiện, bắt giữ xử lý nhiều vụ mua bán ngoại tệ trái phép với số lượng lớn, phát hiện nhiều vụ phạm tội kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục CSKT thường xuyên tổng hợp tình hình tham mưu cho Tổng cục trình lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết 11/CP của lực lượng Công an, trong đó khẳng định rõ những kết quả đã đạt được, đồng thời kiến nghị đề xuất nhiều nội dung quan trọng để Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện Nghị quyết 11/CP, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương và đánh giá cao kết quả cũng như vai trò tham gia tích cực của lực lượng CAND, trong đó nòng cốt là lực lượng CSKT, đã góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình theo chiều hướng tích cực hơn.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng luôn được Đảng ủy và lãnh đạo Cục CSKT, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị CSKT Công an các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm. Chính vì thế trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt, nhiều cám dỗ và áp lực từ nhiều phía, nhưng CBCS CSKT vẫn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Hằng năm, lực lượng CSKT thường xuyên rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ để mở các lớp tập huấn và cử đi học các lớp đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật và lý luận chính trị.

Ngày nay, đội ngũ CBCS lực lượng CSKT đều vững vàng về bản lĩnh chính trị, hiểu biết chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều đồng chí cán bộ của lực lượng CSKT hiện đang giữ cương vị lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và địa phương như 2 đồng chí được bầu là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI, 1 đồng chí là Tổng cục trưởng, 5 đồng chí là Tổng cục phó, trên 60 đồng chí là lãnh đạo cấp Cục, Vụ; nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ cương vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố hoặc Phó Giám đốc, Giám đốc Công an các địa phương.

Với những thành tích đạt được trong 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSKT luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận đánh giá cao, ngày càng khẳng định thương hiệu “Cảnh sát kinh tế Việt Nam”. Đã có 2 tập thể của lực lượng CSKT được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Lực lượng CSKT được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng hàng ngàn Huân chương chiến công các loại; Bộ trưởng Bộ Công an, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tặng hàng vạn Bằng khen; nhiều CBCS được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, toàn ngành, Chiến sĩ thi đua cơ sở

N.T.L.
.
.