Lực lượng Bảo vệ môi trường CAND: Những dấu chân thầm lặng...

Thứ Sáu, 05/06/2009, 11:30
Từ đô thị lớn cho tới những vùng rừng núi hẻo lánh, xa xôi, ở đâu có đơn vị Công an là ở đó có các cán bộ, chiến sỹ làm công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng CAND. Đến đâu, họ cũng bắt tay ngay vào việc để cải thiện môi trường, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ các đơn vị yên tâm công tác và sinh hoạt trong môi trường thân thiện, xanh-sạch-đẹp.

Thế nhưng, khi tiếp xúc với PV, những người dệt nên màu xanh ở các đơn vị Công an lại rất ngại nói về mình bởi công việc của họ vô cùng thầm lặng. Nhân ngày môi trường thế giới (5/6/2009), chúng tôi đã ghi lại phần nào công việc của những người làm công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng CAND.

Lặng lẽ với công việc

Tờ mờ sáng, tổ công tác của Phòng Quản lý môi trường - Cục Quản lý khoa học kỹ thuật và môi trường (Phòng 3-E14) thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an cùng với Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (E17) vội vã lên đường.

Gần một tuần rong ruổi ở các tỉnh, thành làm công tác điều tra cơ bản về môi trường, những cán bộ vốn đã quen với các chuyến công tác dài ngày cũng thấm mệt khi phải thường xuyên thích nghi với sự thay đổi của khí hậu, điều kiện sinh hoạt và môi trường...

Họ có mặt tại Trại giam số 6 đóng trên huyện Thanh Chương (Nghệ An) sau nửa ngày lắc lư trên xe khách. Chẳng kịp nghỉ ngơi, cán bộ của các đơn vị vội vã bắt tay vào công việc, nào là lấy mẫu nước, khảo sát thiết kế quanh khu vực trại, rồi phác thảo các mẫu thiết kế...

Giữa vùng rừng núi khô cằn, điều kiện sống của cán bộ Trại giam số 6 thật vô cùng vất vả. Toàn bộ nguồn nước sinh hoạt của cán bộ và phạm nhân đều phụ thuộc vào hồ chứa nước tự nhiên. Để có nước, trại có sáng kiến là dùng cát, sỏi lọc nhưng chất lượng nước vẫn chưa tốt. Vào mùa khô thì còn khó khăn hơn, anh em phải lấy nước trực tiếp từ hồ không qua chỗ thẩm thấu. Không có bể nước dự trữ, cán bộ và các phạm nhân phải thay nhau cõng nước trên núi về sử dụng. Tận mắt chứng kiến những vất vả của Trại, cán bộ Phòng 3-E14 ai cũng nặng lòng.

Họ đều tâm niệm một điều: Cán bộ trại giam vốn vất vả, với chức năng của mình, Phòng 3-E14 và E17 đã quyết tâm giúp Trại giam số 6 có một môi trường trong lành. Vậy là, chẳng ai bảo ai, họ vội vã miệt mài nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tìm những phương án tối ưu, đảm bảo nguồn nước sạch cho cán bộ và các phạm nhân đang cải tạo.

Hằng năm, cán bộ trong đơn vị thường xuyên liên lạc với Trại, cung cấp những thiết bị cần thiết cho Trại. Đến nay, khi đến Trại giam số 6, chúng ta dễ dàng nhận thấy một mầu xanh trải dài trên khắp trại với những rặng nhãn, những hồ nước trong lành, mát ngọt.

Để môi trường trong các đơn vị Công an xanh-sạch-đẹp

Trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 của Phòng 3-E14 dày đặc những kế hoạch như xử lý nước thải, chất thải, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở một số địa bàn... Công việc bề bộn là thế nhưng Phòng 3-E14 lại ít người. Anh em phải xoay trần với công việc, tranh thủ làm thêm giờ, làm thêm ngày nghỉ, ngày lễ cho hoàn thành kế hoạch.

Hầu hết cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đều được tuyển từ ngành ngoài vào. Thời gian đầu tạm tuyển, đồng lương rất eo hẹp, trong khi đó anh em đều từ tỉnh ngoài về lập nghiệp. Số cán bộ được ưu tiên ở nhà công vụ rất hạn chế, một số hiện đang phải thuê nhà.

Song có lẽ, khi đã gắn bó với nghề, được chứng kiến những vất vả của các cán bộ, chiến sỹ Công an đang công tác ở cơ sở, họ cảm thông được những nhọc nhằn của đồng nghiệp đang ngày đêm miệt mài với công việc nên chẳng ai nề hà. Họ say mê nghiên cứu, tìm ra những giải pháp tối ưu cho mỗi dự án về môi trường.

Kể về nhiệm vụ của mình, Thượng tá Trần Văn Phượng, Trưởng Phòng 3-E14 bỗng ưu tư. Anh tâm sự: Công việc của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị là lập kế hoạch thanh, kiểm tra rồi lại làm công tác tuyên truyền, làm sao để mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an thấy rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và trách nhiệm của lực lượng CAND đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.

Với chức năng của mình, thời gian qua, Cục E14 đã tham mưu cho Công an các cấp xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật, kiến nghị các giải pháp về khoa học công nghệ ứng dụng vào công tác bảo vệ môi trường; giải pháp về trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; xây dựng một số dự án bảo vệ môi trường.

Công tác đào tạo cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ môi trường và sưu tầm, cập nhật, hệ thống hóa các số liệu, tư liệu đã có về hiện trạng môi trường trong lực lượng CAND... Mỗi công trình, một dự án về môi trường được hoàn thành, ai cũng vui mừng vì đã được đóng góp một phần công sức của mình góp phần đảm bảo môi trường, giúp cán bộ trong lực lượng yên tâm công tác

X.Mai-A.Hiếu
.
.