Lên núi xem Công an xã người Mường làm công tác ANTT

Thứ Ba, 21/12/2004, 08:38

Sau mỗi lần tỉnh rượu, ai cũng bảo sẽ chừa đến già nhưng khi có hơi men thì đâu lại hoàn đấy. Thế nên, Công an xã đã phải giao cho bà con, làng xóm giám sát. Nếu phát hiện ai uống rượu say, gây rối thì báo Công an đến phạt hành chính. Ai tái phạm 3 lần sẽ bị đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình có 5 dân tộc Kinh, Thái, Mường, Dao, Tày. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và lối sống riêng. Chính cái "lối sống riêng" này đòi hỏi những người làm công tác an ninh trật tự (ANTT) cơ sở phải có sự nhạy bén, linh hoạt. Đến Tu Lý, tôi được nghe, nhìn thấy những việc tưởng như bếp núc nhưng rất quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT quá quen thuộc với các anh Công an xã người dân tộc Mường nơi đây.

 

"Ban Công an xã có 15 người thì 14 người là người Mường chính gốc, còn tôi thì 'lai'. Bố tôi là người Kinh, mẹ người Mường". Đó là cái cách anh Lê Trung Thịnh, Phó trưởng Ban Công an xã Tu Lý giới thiệu về đơn vị và bản thân. Thời gian qua, nạn uống rượu say là vấn đề được xem là "nóng" nhất ở cái xã miền núi này. Say thì đánh nhau, đánh vợ, đánh con gây mất ổn định tình hình trong xã. Đã có 2 đệ tử Lưu Linh bị đưa đi giáo dục bắt buộc 24 tháng, nhưng vẫn còn 4 đối tượng  lập hồ sơ giáo dục tại cơ sở. Đã mấy lần Công an xã xuống giải quyết, phạt hành chính nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy.

 

Công an xã đã phải dùng biện pháp là giao cho bà con, làng xóm giám sát. Nếu phát hiện ai uống rượu say, gây rối sẽ báo Công an đến phạt hành chính, nếu tái phạm 3 lần sẽ bị đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc. Với cách làm này, đã có những người được ra khỏi diện bị giám sát như anh Bàn Văn Mai ở xóm Mít. Anh Mai là người dân tộc Dao, tính tình hiền lành. Tuy nhiên, những ngày bận rộn việc nương rẫy không sao, nhưng nếu nhàn rỗi anh hay đàn đúm rượu chè.

 

Không chỉ tốn tiền mua rượu, mỗi khi uống say, anh lại về đánh vợ, chửi con. Khi bị đưa vào diện giáo dục ở cơ sở, anh đã được bà con trong xóm thường xuyên giám sát. Hàng tháng đều họp mặt để tuyên truyền chính sách pháp luật, kiểm điểm những công dân vi phạm pháp luật. Mỗi dịp họp tổng động (cộng đồng người Dao ở diện rộng thường là một huyện, hay vài huyện lân cận) những ai tốt được nêu gương, ai xấu bị đem ra kiểm điểm trước dân làng. Không muốn cả xóm, cả tổng động biết cái xấu của mình, anh Mai đã có ý thức hơn nên được "xoá án".

Tuy nhiên, không phải ai cũng học tập theo gương anh Mai. Đó là trường hợp anh Hà Văn Đàn, người dân tộc Mường. Anh hay uống rượu say, đánh vợ. Trước đây, anh ta đã có một đời vợ do không chịu được những trận đòn của chồng nên đã bỏ đi. Vợ này bỏ, anh ta lại lấy vợ khác. Và họ có với nhau 2 mặt con. Tuy nhiên, anh Đàn vẫn không bỏ thói rượu chè, hành hạ vợ con. Sau nhiều lần kiểm điểm không được, bản thân gia đình cũng bất lực nên Công an xã đã đưa anh ta đi giáo dục bắt buộc 2 năm.

 

Tu Lý là một xã có nhiều dân tộc anh em sinh sống nên để làm tốt nhiệm vụ, mỗi Công an viên đều phải biết rõ phong tục, lối sống của từng dân tộc. Ví dụ như người Dao có ngày lập tịch (ngày đặt tên cho con), bất cứ người đàn ông người Dao nào cũng biết cúng (thầy mo). Nhưng người Mường thì khác, họ có hẳn một đội ngũ thầy mo. Căn cứ vào đặc điểm cơ bản này, các anh mới dễ dàng vận động người dân tham gia công tác đảm bảo ANTT, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng.

Kết hợp với Kiểm lâm truy quét các đối tượng khai thác gỗ trái phép ở Nông trường Tu Lý là công việc thường xuyên của Công an xã. Nông trường Tu Lý quản lý một diện tích rừng khá lớn, nằm ngay trên địa bàn xã. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, “lâm tặc” thuê người dân địa phương phá rừng. Người dân vốn quen đường, quen lối lại có kinh nghiệm nghề rừng nên bị chúng lợi dụng triệt để. Có những lần các anh bắt được cả người lẫn trâu đang kéo gỗ từ trong rừng ra. Sau khi thu giữ gỗ, phạt hành chính, Công an xã đành cho người dân dắt trâu về với lời khuyên răn không nên tái phạm.

Và cũng chính vì đấu tranh với nạn phá rừng, anh Thịnh đã hai lần bị bọn chúng "khủng bố" bằng đinh. Những kẻ làm trái pháp luật vẫn luôn rình rập quanh nhà, dùng mọi thủ đoạn hòng làm giảm ý chí đấu tranh của Công an xã. Mỗi lần bắt gỗ, nhất là bắt được người dân trong làng, các anh tuy cũng nể nang nhưng không thể nương nhẹ. "Cùng người làng cả nhưng không thể không phạt. Phạt thì họ lại ghét. Làm Công an xã khổ thế đấy", anh Thịnh nói.

 

Chia tay những chiến sĩ Công an xã Tu Lý trong cái lạnh của mùa đông, tôi cứ miên man nghĩ, làm Công an xã miền xuôi đã khó, huống hồ lại ở một xã đa dân tộc như Tu Lý

Cao Hồng
.
.