Làm thế nào để đứng vững trước… tiền?

Chủ Nhật, 16/01/2005, 07:25
Năm 2003, việc Ban chỉ huy Công an phường Bến Thành (Tp.HCM) lập quỹ trái phép từ những nguồn thu bất chính đã khiến dư luận rất bất bình. Một loạt cán bộ công an phường đã bị kỷ luật và chuyển vị trí công tác sau đó. Ban Giám đốc Công an thành phố và Chỉ huy Công an quận 1 đã có nhiều biện pháp tích cực để xây dựng lại Công an phường Bến Thành.

Từ lâu năm rồi, người ta nói quận 1 của Tp. HCM có 4 “đại gia” giàu có vào loại nhất... nước. Đó là các phường Bến Nghé, Bến Thành, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Bình. Giàu có là phải, bởi lẽ đây là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh tế lớn và là trung tâm của thành phố! Chỉ tính riêng phường Bến Thành, tiền thu thuế năm nay có kém hơn so với kế hoạch nhưng cũng là con số cực lớn: hơn 36 tỉ đồng. Số tiền này có khi bằng tiền thu của cả một tỉnh.

Làm công an ở nơi phồn hoa đô hội tại các phường “đại gia” ở quận 1 thì dĩ nhiên là có cái “sướng” hơn các phường đang được coi là “vùng sâu vùng xa” của thành phố; “sướng” hơn rất nhiều đơn vị đang phải đi thuê nhà làm trụ sở, và thiếu thốn mọi bề. Vừa qua, tôi đã đi tới một số đơn vị Công an phường (CAP) ở Tp. HCM và được nghe anh em tâm sự nhiều điều, và ai cũng nói đến “làm thế nào để đứng vững trước... tiền!”.

 

Đúng là trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, dù cố gắng đến mấy thì Chính phủ, Bộ Công an cũng chưa thể đáp ứng được tất cả  các nhu cầu phục vụ công tác, sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ công an. Đồng lương của người công an, bộ đội tuy có phần nhỉnh so với mặt bằng chung nhưng hầu hết chỉ có “phần cứng” mà không có “phần mềm”... (Một lần tôi đã so sánh lương của đồng chí Trung tá trưởng công an huyện với lương một cô hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở cấp xã miền núi và cộng tất cả các khoản lại thì cô giáo vẫn còn cao hơn đến 500.000đ/tháng).

Trong khi đó, cũng như tất cả, người công an phải lo cuộc sống cho mình và gia đình theo cơ chế thị trường. Con cái cũng phải đi học thêm; cha mẹ, vợ con ốm đau, vào viện cũng phải mua thuốc giá cao; cũng nhiều khi phải biếu xén bác sĩ, y tá mới mong có được sự chăm sóc tử tế; rồi nhà cửa có khi cũng phải đi thuê, đi ở nhờ, ở đậu... vì thế không có tiền là khổ! Cho nên đối với người công an, chống lại sự cám dỗ của đồng tiền là cực kỳ khó khăn. Và tất nhiên, một số rất nhỏ trong số hàng chục vạn lính công an đã có lúc không đứng vững được trước... tiền!

Việc Ban chỉ huy CAP Bến Thành lập quỹ trái phép, bị chính Thanh tra Công an Tp. HCM  phát hiện là một bài học rất lớn cho tất cả các đơn vị công an – đặc biệt là CAP.

Thật ra, việc CAP lập quỹ riêng thì có lẽ hầu hết các đơn vị đều phải có. Quỹ đó lấy từ các nguồn tiền do UBND phường, quận cấp, chi hỗ trợ cho các hoạt động của công an;  từ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, từ tiền thưởng của các cấp chính quyền. Đó là những quỹ hợp pháp, chính đáng và cần phải có, bởi vì kinh phí cấp theo ngành dọc cho CAP còn rất thiếu. Nhưng như ở CAP Bến Thành thì số tiền quỹ để ngoài sổ sách hơn 100 triệu đồng mà Thanh tra phát hiện được lại hầu hết là do từ cán bộ CAP lợi dụng chức quyền để có.

Vậy bản chất của những đồng tiền này là gì? Không thể có lời giải thích nào khác: Đó chính là những đồng tiền "đen”, những đồng tiền bất chính.

Sau khi sự việc được phát hiện, đồng chí Giám đốc Công an Tp. HCM đã trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy Công an quận 1 cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của Công an Tp. HCM điều tra làm rõ, đồng thời xử lý những cán bộ mắc sai phạm.

Suốt ba tháng trời, nhiều cuộc họp nghiêm túc và thẳng thắn đã được tổ chức nhằm tìm cho ra nguyên nhân sai phạm và hướng xử lý.

Những quyết định kỷ luật nghiêm khắc đã được thực hiện. Toàn bộ Ban chỉ huy CAP gồm 4 đồng chí đã được “thay máu”, và 4 cảnh sát khu vực, 1 nhân viên tổng hợp, 1 cảnh sát trực ban cũng đã được điều chuyển.

Cùng với việc kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh toàn diện các mặt công tác ở CAP Bến Thành, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các đơn vị và lấy việc xảy ra ở CAP Bến Thành làm gương. Và để nhằm chấm dứt ngay hiện tượng tiêu cực tương tự, Thanh tra Công an thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất Công an các phường.

CAP Bến Thành đã ngã một cú nặng nề, và tưởng chừng sẽ khó gượng dậy được. Nhưng thật vui, chỉ vài tháng sau khi “thay máu”, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Công an quận và đặc biệt là của đảng ủy, UBND phường, đơn vị đã xốc lại đội ngũ và năm 2004 đã được đề nghị là đơn vị “Hoàn thành xuất sắc toàn diện”.

Tại CAP Bến Thành, khi chúng tôi đặt vấn đề về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của Ban chỉ huy CAP trước đây, đồng chí Ngô Minh Tầng, Đội phó Đội Tổ chức của Công an quận 1 cho biết: Qua kiểm điểm thì Ban chỉ huy CA quận 1 nhận thấy những sai phạm ở CAP Bến Thành xảy ra trước hết đó là do cán bộ, chiến sĩ không nhận thức hết vai trò chính trị của mình. Không ít cán bộ có biểu hiện suy nghĩ lệch lạc, thiếu tu dưỡng rèn luyện nên đã mắc khuyết điểm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

 

Bên cạnh đó là việc thực hiện quy chế dân chủ trong đơn vị bị buông lỏng, công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình của chi bộ Đảng bị thủ tiêu, nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng; cán bộ chỉ huy thì mắc bệnh tin tưởng; công tác quản lý cán bộ, chiến sĩ chỉ có... nói mà không làm. Thật ra, với cán bộ, chiến sĩ Công an – trước hết là CAP – thì các quy định của Bộ, các chế độ điều lệnh công tác, điều lệnh kỷ luật đã quá đầy đủ và cực kỳ cụ thể. Nhưng do đặc điểm công việc nên người công an phải hoạt động độc lập, các loại đối tượng hình sự, kinh tế, buôn bán vòng quanh, vì vậy nên sơ sảy tí chút là "đo ván" ngay.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đó và để khắc phục những vấn đề này, theo chúng tôi là không phải khó khăn lắm. Và thực tế hiện nay ở CAP Bến Thành đã chứng minh rõ điều này: Chỉ huy gương mẫu, sạch sẽ; thực hiện đúng các quy định đã có; biết giữ đoàn kết trên tinh thần đồng chí; tăng cường quản lý cán bộ chiến sĩ, chịu khó nghe tiếng nói của dân... cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực sự đến công tác công an, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của CAP thế là ổn thôi.

Nhưng có những nguyên nhân khách quan mà phường nào cũng gặp phải, đó chính là Công an cấp phường đang được sử dụng, tham gia vào quá nhiều loại công việc của các cấp chính quyền. Điều này chúng tôi đã nhiều lần nói đến trong các phóng sự viết về CAP trước đây. Và tình trạng này không những không giảm mà ngày một tăng. Áp lực công việc đè lên vai người chiến sĩ CAP luôn nặng nề và một điều day dứt là mỗi khi có vụ việc gì bất ổn về trật tự an toàn xã hội thì CAP luôn phải chịu những lời chỉ trích từ nhiều phía, nhiều cấp. Đó là chưa kể đến vì thiếu thốn mà nhiều lúc đơn vị phải "xoay sở" tìm thêm kinh phí từ nhiều nguồn khác. Rất nhiều chỉ huy CAP tôi đã gặp khi nói đến chuyện đồng tiền, bát gạo đều rất buồn và anh em nhiều khi cảm thấy rất ngượng khi phải đi vận động, xin tiền hỗ trợ. Người xưa có câu: "Xấu mặt xin tương, cả làng cùng húp", áp dụng câu này cho CAP cũng đúng lắm thay.

 

Nếu việc gì chính quyền phường cũng đưa Công an ra làm “công cụ” thì làm lắm ắt dễ có sai, mà khi có sai, là bị kỷ luật. Hơn nữa, việc CAP phải làm quá nhiều công việc đã gây ra tình trạng Công an đối đầu với dân. Vì vậy không phải lúc nào người dân cũng nhìn anh Công an với con mắt thông cảm.

Công việc chính thì sao nhãng, chỉ huy thì lo đi họp đã hết... hơi! Cán bộ cảnh sát khu vực lo phục vụ trăm thứ việc không tên do chính quyền giao cho, nên công tác cơ bản không được chú ý đúng mức.

 

Làm thì “trăm việc tới tay, ăn thì chịu khó... thắt lưng buộc bụng". Nơi nào trưởng CAP có uy tín, cấp ủy Đảng, chính quyền “thương” Công an thì còn hỗ trợ được cho đơn vị kha khá. Còn nơi nào nội bộ chính quyền mất đoàn kết, anh Công an phải làm việc trong hoàn cảnh “bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái” thì khó khăn vô chừng.

 

Trước sự cám dỗ của đồng tiền, người lính Công an phải tự mình gìn giữ đã đành, nhưng hơn lúc nào hết, cấp ủy Đảng, chính quyền hãy đứng sau lưng họ, giúp cho họ đứng vững, mỗi khi có... “sóng tiền” xô tới. Bài học từ chính quyền  Bến Thành năm trước vẫn còn rất nóng!

.
.