Kỉ niệm của một vị thuyền trưởng con tàu không số năm xưa

Thứ Ba, 20/02/2007, 08:40
Chiến tranh kết thúc, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh trở về đời thường với quân hàm Trung tá, và hiện đang sống ở phường 5, TP Tuy Hòa. Kỷ niệm đẹp, đậm nét lịch sử hào hùng về những chuyến tàu không số vẫn còn đọng mãi với thời gian và ký ức trong ông.

Ở tuổi 74, nhưng dáng dấp của ông vẫn khoẻ mạnh, gương mặt phúc hậu, giọng nói đặc sệt chất giọng xứ nẫu Phú Yên, phong cách bình dị, gần gũi và nhanh nhẹn. Đó là những gì tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với ông Hồ Đắc Thạnh - vị thuyền trưởng từng gắn bó 12 chuyến tàu không số vượt đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam, góp phần lập nên đại thắng mùa xuân lịch sử 1975.

Chân dung của ông là nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim truyện truyền hình 5 tập “Những người lính biển” của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Vịnh.

Không muốn nói về mình, nên tôi phải thuyết phục mãi, ông Thạnh mới tâm sự: “Tôi có mặt trên chuyến tàu cuối cùng rời Cảng Qui Nhơn tập kết ra miền Bắc. Đến Thanh Hoá ngày 19/5/1955, tôi về Sư đoàn 324 làm nhiệm vụ đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam.

Sau một thời gian ngắn, đơn vị hành quân vào Nghệ An xây dựng doanh trại, tại đó tôi được cử theo học Trường Huấn luyện hạ sĩ quan ở huyện Thanh Chương. Đang học, thì giữa năm 1958, Cục Phòng thủ bờ biển – tiền thân Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam - tuyển chọn tôi cùng nhiều một số đồng chí đưa về Trường 45 ở Hải Phòng.

Gần một năm huấn luyện nghiệp vụ hàng hải, đầu năm 1960, tôi được chuyển tiếp vào khóa đào tạo đầu tiên của Trường sĩ quan Hải quân ở Quảng Ninh. Chưa kịp hoàn thành chương trình đào tạo, tôi và hai học viên nhận lệnh về Đoàn 579 - tiền thân Lữ đoàn Hải quân 125 bây giờ để “nhận nhiệm vụ đặc biệt”.

Xe ôtô đưa lên Hà Nội nghỉ  dưỡng tại khu tập thể ở phố Lý Nam Đế, được đãi ngộ chu đáo, nhưng bị “cách ly” bên ngoài, không được phép liên lạc với ai. Gần một tháng sau được lệnh về Hải Phòng, tôi dò hỏi mới biết mình là một trong những chiến sĩ được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường biển, chi viện chiến trường miền Nam”.

Chuyến đầu tiên, ông Thạnh đảm trách thuyền phó hàng hải tàu 54 vận chuyển 60 tấn vũ khí vào Rạch Kiến Vàng, tỉnh Cà Mau. Với 21 CBCS, được trang bị súng trường và 4 khẩu pháo để chiến đấu, con tàu 54 nhổ neo rời Hải Phòng ngày 12/9/1963, mở ra đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đậm chất huyền thoại, hào hùng.

Sau khi vòng qua vịnh Bắc Bộ, đảo Hải Nam, tàu chạy sang lãnh hải Philippines, Indonesia, Malaysia rồi ngược lên Cà Mau. Không riêng tàu 54 mà tất cả các con tàu vận chuyển vũ khí vào Nam sau đó đều có chung tên gọi là “tàu không số”.

Tàu không số.

Ông Thạnh giải thích: “Thực ra tàu nào cũng có tên, có số, nhưng do yêu cầu bảo mật mỗi chuyến đi, nên không tàu nào được gắn số hiệu. Tuy nhiên trên mỗi con tàu đều cất giấu nhiều số hiệu và quốc kỳ của một số nước để đối phó trong từng điều kiện, tình huống cấp thiết.

Gần như hành trình những con tàu không số đều vươn ra hải phận quốc tế, khi đến gần “điểm hẹn” mới liên lạc bằng tín hiệu đèn pin để tiếp cận bến bãi”. Lần đầu tiên đưa vũ khí vào Nam Bộ, gặp những anh chị dân công đi xuồng len lỏi trong rừng đước, bốc dỡ vũ khí, ông Thạnh cảm nhận một niềm vui khó tả, vì đã trực tiếp góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tiếp tục làm thuyền phó tàu 56 đưa vũ khí vào Bến Tre đêm 29/11/1963, sau đó ông Thạnh được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu 41, lần lượt chuyển tải hàng trăm tấn vũ khí vào Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre, Quảng Ngãi và Phú Yên.

Có thể nói, niềm vui lớn nhất và cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh là 3 chuyến trở về quê hương sâu nặng nghĩa tình, trong đó có lần ăn Tết trên con tàu không số.

Ông Thạnh nhớ lại: “Một sáng giữa tháng 11-1964, Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ cho tàu 41 vận chuyển vũ khí vào chiến trường Khu V, mà điểm đến là Vũng Rô – một vịnh nước sâu, kín gió, nằm dưới chân đèo Cả, thuộc vùng biển cực Nam Phú Yên. Được về quê nhà, tôi mừng lắm, nhưng nỗi lo cũng ngập tràn.

Nếu như điểm đến ở các tỉnh Nam Bộ có rừng tràm, rừng đước che chắn, thì Vũng Rô không có nơi trú ẩn, chỉ có một cửa ngõ ra biển nằm trong tầm kiểm soát từ xa của địch, nên nguy hiểm luôn rình rập”.

Lần đó, tàu 41 chở 65 tấn vũ khí vượt qua sóng gió mùa biển động, vào vịnh Vũng Rô đêm 28/11/1964. Người trực tiếp đón tàu là ông Trần Suyền –Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã bật khóc khi nhận ra vị thuyền trưởng là đứa em đồng hương. Khó khăn đặt ra là bến Vũng Rô không đủ nhân lực bốc dỡ hết vũ khí trong đêm, trong khi mệnh lệnh đặt ra là tàu vào bến sau 23h đêm và phải rời bến trước 3h sáng hôm sau.

Vũng Rô.

Có ý kiến đề nghị cho tàu ra hải phận quốc tế chờ đêm sau cập bến lần thứ hai để bốc dỡ số vũ khí còn lại, nhưng ông Thạnh chợt nhớ trước chuyến đi, Tư lệnh Quân chủng dặn dò trường hợp gặp khó khăn, phức tạp thì cấp ủy chi bộ và thuyền trưởng quyết định, nên phương án này đã được tính đến.

Sau khi cho tàu cập sát Hòn Nưa và phủ kín bằng một tấm lưới khổng lồ, dân quân địa phương tranh thủ chặt lá cây đủng đỉnh ngụy trang cho tàu thành một phần của... núi, để tàu lưu bến thêm một ngày đêm. Có một điều ông Thạnh luôn day dứt là thời điểm đó địch khống chế tuyến QL1A, khiến cho dân quân bến Vũng Rô phải ăn khoai mì và quả sung, nên trên chuyến tàu thứ hai vào Vũng Rô đêm 24/12/1964, ngoài 60 tấn vũ khí còn có 3 tấn gạo thơm của Bộ Tư lệnh Hải quân gửi tặng dân quân.

Chuyến thứ ba tàu 41 rời Hải Phòng ngày 20/1/1965 với mệnh lệnh cập bến Vũng Rô trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Trước khi nhổ neo, thủy thủ trên tàu đã góp tiền gói bánh chưng, mua trà Thái Nguyên, bia Trúc Bạch, thuốc lá Điện Biên... nhưng không còn nhãn hiệu để bảo đảm bí mật.

Mặc dù gặp phải một số trở ngại, nhưng tàu vẫn cập bến đúng thời gian dự kiến. Trong lúc dân quân Vũng Rô vui mừng ôm thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, thì những loạt đạn của địch từ trên đỉnh đèo Cả dội vang sau nhiều vệt sáng tỏa ra trên không trung. Cùng lúc đó, chiếc radio ở phòng báo vụ trên tàu phát lời chúc Tết thân thương, ấm áp của Bác Hồ kính yêu.

Nỗi lo ngại xua tan, bởi mọi người nhận biết địch nổ súng, bắn pháo sáng để đón giao thừa chứ không phải con tàu đã bị lộ! Bánh chưng, thuốc lá, trà thơm bày ra trên boong tàu, đáp lại lời chúcTết sâu đậm nghĩa tình của thuyền trưởng, nữ dân quân Nguyễn Thị Tản đã trao cho ông một... gói đất với lời bày tỏ: “Xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu ra Bắc. Dù mảnh đất này bom cày, đạn xới nhiều lần, nhưng chúng tôi giữ vững niềm tin chiến thắng vì đã có vũ khí từ miền Bắc chi viện”.

Nắm đất đó hiện đang đặt tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân Việt Nam ở Hải Phòng, còn hình ảnh người nữ dân công trao nắm đất cho vị thuyền trưởng cũng đã được tái hiện bằng nghệ thuật điêu khắc tượng đồng đặt tại Bảo tàng Lữ đoàn 125.

Chiến tranh kết thúc, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh trở về đời thường với quân hàm trung tá, và hiện đang sống ở phường 5, TP Tuy Hòa. Kỷ niệm đẹp, đậm nét lịch sử hào hùng về những chuyến tàu không số đọng mãi với thời gian và ký ức của những người trong cuộc.

Tiễn tôi ra ngõ, người cán bộ lão thành 52 năm tuổi Đảng tâm sự: “Đồng đội của tôi có người đã nằm lại ở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, có người đã mất trong thời bình. Tôi còn sống là hạnh phúc lắm rồi...”.

Có lẽ vì thế nên hai lần Lữ đoàn 125 ghi danh ông vào một trong 6 sĩ quan hải quân trên những con tàu không số để xem xét đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đều xin... rút, với ý nguyện dành lại phần thưởng cao quý này cho những đồng đội đã mất - Một nghĩa cử cao đẹp, rực rỡ phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ

Phan Thế Hữu Toàn
.
.