Chuyên án CM-12, một chiến công hiển hách của lực lượng an ninh Việt Nam:

Kế hoạch ĐN-10 -"hậu" Kế hoạch CM-12 (phần 3)

Thứ Hai, 20/07/2009, 09:18

Thực ra thì sau khi vụ án Mai Văn Hạnh và đồng bọn bị xét xử, Lê Quốc Túy rất lo lắng và hoang mang. Túy đã bộc lộ qua một số tay chân rằng, y rất lo ngại cơ quan An ninh Việt Nam nắm được một số cốt cán mà lâu nay y gần như hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối.

>>Phần 2

Trong một bức điện gửi cho K55 (trong Kế hoạch ĐN-10 của ta), Túy muốn biết rõ vì sao Mai Văn Hạnh bị bắt để quyết định tiếp theo.

Ban chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10 đã khéo léo cho K55 trả lời rằng toán K55 đã tỏ ra cảnh giác và hoạt động tương đối độc lập với "Tổ đặc biệt" nên chưa bị lộ bí mật. Đồng thời, ta cũng khéo léo cho ĐN-10 tỏ ra "đau đớn" với những diễn biến đã xảy ra và “cảnh giác" đề phòng có thể liên lụy hoặc "bể bạc".

Chính vì vậy, trong tình thế "cưỡi trên lưng hổ" và Túy phải "cố đấm ăn xôi", Túy vẫn tin tưởng toán K55 tức là Kế hoạch ĐN-10 của ta. Trong bức điện gửi K55 ngày 20/12/1984, Lê Quốc Túy khẳng định: "C4 đã hiểu rõ mọi việc xảy ra tại quốc nội. K55 và anh em hãy bình tĩnh giữ liên lạc và bảo toàn lực lượng. C4 sẽ có chỉ thị". Và trong một bức điện khác, Túy động viên các "anh em" ở "quốc nội" bằng cách huênh hoang là C4 đã đạt được "thắng lợi ngoại giao to lớn" và tiếp tục hoạt động để chứng tỏ sức mạnh của "Mặt trận".

Có thời điểm Túy còn chỉ thị cho K55 là phải tìm cách mua cho được 2 "cá" tức là hai tàu để tổ chức đưa đón quân và vũ khí, phương tiện xâm nhập, hoạt động. Ta đã cho K55 tỏ ra tích cực đi tìm và báo cáo với Túy là tìm được rồi nhưng sau đó gặp trục trặc vì nêu lý do giả là "chính quyền cộng sản không cho đăng ký tàu tư nhân" nên không thực hiện được.

Các cán bộ An ninh tham gia kế hoạch CM-12 và ĐN-10 về dự hội thảo khoa học.

Nhưng đến đầu năm 1985, Lê Quốc Túy sau khi theo dõi tin tức về vụ án CM-12 đã công bố công khai trên báo chí, Túy chỉ đạo toán K55 phải "ngưng mọi hoạt động, cắt đứt tất cả liên lạc với các hệ thống" để đề phòng bị "cộng sản theo dõi" và tìm Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Quân đội nhân dân viết về vụ này để kiểm tra kỹ hơn. Sau đó, Túy chỉ thị cho toán K55 "Nên thanh tra tất cả. Hủy bỏ các cơ cấu cũ để tổ chức cơ cấu mới" và "Bằng mọi cách phải giữ liên lạc với tổng đài. Chuyển tin phải ngắn gọn".

Kể từ ngày 22/2/1985, theo đề nghị của toán K55 (do ta chủ động nêu lên để củng cố lòng tin của Túy đối với ĐN-10) Lê Quốc Túy cho đổi bí số các K và HK trước đây thành F. Chẳng hạn như K36 là F2, K55 là F3… Các K và HK còn lại được đánh bí số từ F11 đến F59 (không lấy số chẵn). Còn bí số mới của Lê Quốc Túy là D.

Đến cuối tháng 5/1985, Lê Quốc Túy chỉ thị cho K55 là "Nếu tình hình bớt gay gắt nên nghiên cứu kỹ lưỡng bãi đổ. Đã có kế hoạch. Nếu cơ hội cho phép nên tìm hiểu tổ đặc biệt… Cơ hội rất hay cho chúng ta trên vấn đề ngoại giao. Phần đồng bào hải ngoại ở Úc châu, Canada và Hoa Kỳ sẽ có Đại hội gồm tất cả các đảng phái chính trị họp lại vào tháng 7 và tháng 8 để yểm trợ Mặt trận mình. Mặt trận của Hoàng Cơ Minh cũng xin gia nhập với mình nhưng D chưa nhận. Hoàng Cơ Minh thì đang trốn vì tội lạm dụng tài chính của đồng bào".

Mặc dù thất bại trong vụ Mai Văn Hạnh và đồng bọn bị bắt, nhưng Lê Quốc Túy vẫn không tin đám quân của Hoàng Cơ Minh. Trong khi đó, Hoàng Cơ Minh và số tay chân của y cũng muốn chứng tỏ ta đây là có thực lực, cố tổ chức một số đợt xâm nhập Việt Nam qua ngả đường bộ Lào và Campuchia. Nhưng tất cả ý đồ và hoạt động của tổ chức Hoàng Cơ Minh ta đã nắm được.

Hoàng Cơ Minh nguyên Phó đề đốc Hải quân quân đội Sài Gòn, chạy sang Mỹ năm 1975 khi ta giải phóng miền Nam. Suốt đời cầm súng trong quân đội chế độ bán nước, sang Mỹ, Hoàng Cơ Minh không có việc làm và bày trò lừa bịp lập tổ chức "kháng chiến", đi quyên góp hoặc cưỡng ép Việt kiều đóng tiền để thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam. Ngày 30/4/1980, Hoàng Cơ Minh đã cùng số phần tử có hận thù với chế độ ta lập ra tổ chức phản cách mạng lưu vong "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng" tại Nam California, Mỹ. Năm 1981, được sự hỗ trợ của một số phần tử cực hữu ở Mỹ và Thái Lan, Hoàng Cơ Minh và đồng bọn lập căn cứ "kháng chiến" ở vùng rừng núi Udon - Thái Lan, hòng từ đó làm bàn đạp đưa các nhóm vũ trang xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam hoạt động phá hoại.

Ngày 10/9/1982, tại căn cứ này, Hoàng Cơ Minh đã tổ chức Đại hội lập ra cái gọi là "Việt Nam canh tân cách mạng đảng" (gọi tắt là Việt Tân) làm cơ quan "trung ương", chỉ huy mọi hoạt động của "Mặt trận".

Trong thời kỳ này, cùng một lúc lực lượng An ninh Việt Nam đấu tranh với nhiều tổ chức phản động lưu vong, trong đó nổi lên là tổ chức của Lê Quốc Túy và chuyên án HM-29 đấu tranh với tổ chức phản động "Việt Tân" của Hoàng Cơ Minh. Nhiều cán bộ An ninh vừa tham gia Kế hoạch CM-12 vừa tham gia chuyên án HM-29. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp chỉ huy lực lượng An ninh tổ chức đón bắt những tên "kháng quản" - một loại chỉ huy của "Việt Tân" xâm nhập qua ngả Campuchia trong những điều kiện rất gian khổ, khó khăn ở Battambang và biên giới Campuchia - Thái Lan…

Các lực lượng vũ trang Việt Nam cùng với sự giúp đỡ, phối hợp quý báu của các bạn Lào và Campuchia đã đập tan hoàn toàn các cuộc xâm nhập của các nhóm quân của Hoàng Cơ Minh như các "chiến dịch Đông Tiến 1, Đông Tiến 2, Đông Tiến 3" xâm nhập về Việt Nam qua đường Lào, Campuchia. Trong "chiến dịch Đông Tiến 2" xuất phát ngày 7/7/1987 khi vừa mới đặt chân lên đất Lào, chúng đã bị các lực lượng vũ trang Lào phối hợp với Bộ đội Việt Nam liên tục chặn đánh, bắt sống 67 tên, tiêu diệt 60 tên, trong đó có kẻ cầm đầu "Việt Tân" Hoàng Cơ Minh.

Trở lại câu chuyện về những hoạt động của Lê Quốc Túy và đồng bọn trong năm 1985 theo Kế hoạch ĐN-10 của ta. Để tỏ ra nghiêm túc thực hiện chỉ thị của "Chủ tịch", ta cho K55 báo cáo là đã sau nhiều ngày vất vả, "điều nghiên" đã chọn được một địa điểm gần biển nhưng an toàn. Đó là núi Mây Tàu ở khu vực Bình Thuận giáp Xuyên Mộc (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay).

Tất nhiên "mật cứ" Mây Tàu cũng chỉ là một căn cứ giả để tạo cho Lê Quốc Túy có ảo tưởng về khả năng phát triển lực lượng nội địa. Trên thực tế, toán K55 được ta bố trí tại Trại Suối Máu, một trại giam thời Mỹ - ngụy ở Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là nơi mà chế độ cũ đã giam giữ, tra tấn cực kỳ dã man, tàn bạo đối với các chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta. Máu của nhiều chiến sĩ và đồng bào ta đã bị đổ do bọn đồ tể trong chế độ Sài Gòn gây ra ở trại giam này, cho nên trại giam được gọi là Suối Máu. Sau ngày giải phóng, trại này còn để trống chưa sử dụng. Tuy nhiên, khi bắt được các toán gián điệp biệt kích CM-12, ta biến nơi đây thành một căn cứ để đấu tranh từ xa với địch. Ta đặt bí số cho "căn cứ" này là B7.

Lúc đầu toán K55 được bố trí tại đây. Các đồng chí Năm Biên, Năm Ảnh, Sáu Thanh, Sáu Phương, Sáu Cương và một số cán bộ khác thuộc các Cục nghiệp vụ hoặc Công an các địa phương được Ban chỉ đạo Kế hoạch huy động về đây để quản lý, khai thác và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch ĐN-10.

Sau đó, để đảm bảo bí mật và thuận lợi cho hoạt động của ĐN-10, có lúc ta bố trí toán K55 ở một địa điểm tại Ngã ba Thái Lan, thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sở dĩ gọi là Ngã ba Thái Lan là vì khu vực này trong thời kỳ chiến tranh, quân đội Thái Lan theo Mỹ sang tham chiến ở Việt Nam đóng quân. Nhân dân quanh vùng gọi riết rồi thành địa danh. Nơi đặt "căn cứ" của ĐN-10 là một ngôi nhà tương đối rộng rãi nhưng lại khá kín đáo.

Các đồng chí trong Ban chỉ đạo kế hoạch ĐN-10 thời kỳ này chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi cần có việc trực tiếp chỉ đạo hay động viên cán bộ chiến sĩ và lực lượng tham gia Kế hoạch thì thường lui tới B7 hoặc căn nhà ở Ngã ba Thái Lan. Ban chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10 vẫn là các đồng chí trong Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12. Lãnh đạo Bộ lúc đó có đồng chí Bùi Thiện Ngộ (sau này là Bộ trưởng) và đồng chí Cao Đăng Chiếm chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn cùng các đồng chí Nguyễn Văn Biên, Thi Văn Tám, Trần Tôn Thất, Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Văn Ảnh, Nguyễn Đông Phương, Trần Lương Tư… trực tiếp chỉ huy, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch ĐN-10. Những yếu tố làm nên thắng lợi của Kế hoạch CM-12 tiếp tục được phát huy trong giai đoạn sau trong Kế hoạch ĐN-10.

Bây giờ kể lại thì đơn giản như vậy, nhưng trong thực tế, để buộc địch thực hiện theo ý đồ của ta trong Kế hoạch CM-12, lực lượng An ninh cũng rất kỳ công. Tình thế sau khi kết thúc CM-12 thì Lê Quốc Túy và đồng bọn rất cảnh giác. Mặt khác, phạm vi, địa bàn hoạt động, đối tượng… trong Kế hoạch ĐN-10 đã khác trước và có những diễn biến mới.

                                             (còn tiếp)

Trung Chính
.
.